/ 4
916

TUYỂN CHỌN HỌC PHẬT VẤN ĐÁP CỦA

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG

 

PHẦN 3

 

Trích lục từ các buổi khai thị vấn đáp của Hòa Thượng Tịnh Không

cho các đồng tu học Phật


Hỏi: Đệ tử sơ tâm học Phật nhưng rất có tâm nương theo lời dạy trong Kinh điển mà thực hành, khởi tâm động niệm nhất định phải lấy Thập Thiện làm tiêu chuẩn, không dám có sai lầm. Tuy nhiên chủng tử mười nghiệp ác có từ vô lượng kiếp trong thức thứ tám hễ khởi tâm động niệm không cẩn thận thì thường khởi hiện hành. Cho nên, mỗi ngày con lạy Phật, niệm Phật hoặc đọc Kinh không dám gọi là có công đức để hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh và hồi hướng về Tây Phương. Đệ tử cảm thấy mờ mịt, rốt cuộc khi hồi hướng trong tâm con có thể khởi ý niệm là mình có công đức để hồi hướng cho chúng sanh và hồi hướng về Tây Phương cầu sanh Tịnh Độ không ạ?

Đáp: Bạn đã phân biệt chấp trước quá nặng rồi! Hãy buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bất kỳ một chúng sanh nào khởi tâm động niệm, lời nói và việc làm trong một ngày nhất định là có thiện, có ác. Nếu bạn đã làm được thuần thiện, vô ác vậy thì bạn là Bồ-tát, là A-la-hán rồi, không phải là phàm phu. Phàm phu thì nhất định có xen tạp thiện ác, đây là đạo lý nhất định. Tất cả thiện nghiệp chúng ta đã làm trong một ngày, dù là thiện niệm cực kỳ nhỏ bé, thiện niệm cực kỳ ngắn ngủi đều có thể hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, đều có thể hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ. Vì vậy, chỉ cần y theo lời dạy trong Kinh luận mà làm, hoặc là y theo quy tắc mà làm là được. Không nên hoài nghi, vì nghi ngờ là sự chướng ngại tu hành lớn nhất của Bồ-tát. Chính mình có thể nghiêm túc nỗ lực sửa lỗi hướng thiện, chuyển mê thành ngộ thì rất tốt, rất là khó được. Nhất định phải nghiêm túc nỗ lực mà làm.


Hỏi: Con là cư sĩ, nghiệp chướng sâu nặng, một lòng muốn vãng sanh, con vừa phải chăm lo việc nhà, vừa phải niệm Phật, liệu có thể đảm bảo vãng sanh được hay không, làm thế nào mới có thể đạt được nhất tâm ạ?

 Đáp: Trước đây, khi tôi giảng Kinh, hình như đã kể một câu chuyện. Ở San Francisco nước Mỹ có một bà cụ, bà cũng lo liệu việc nhà, chăm sóc cháu nội. Bởi vì con trai và con dâu đều đi làm, người già ở Mỹ đích thực là giúp lo liệu, chăm sóc việc nhà. Bà niệm Phật rất tinh tấn. Lúc vãng sanh, người trong nhà đều không hay biết. Bà trước giờ chưa từng nói với người nhà về việc niệm Phật. Mỗi buổi sáng bà dậy rất sớm làm cơm sáng, mỗi ngày đều như vậy. Một buổi sáng nọ bà không thức dậy, không có người nấu bữa sáng, con trai và con dâu thấy vậy đã đến phòng của bà, vừa mở cửa phòng thì nhìn thấy bà ngồi xếp bằng trên giường, gọi bà bà không đáp. Đến trước mặt nhìn thì bà đã vãng sanh rồi, không biết ra đi vào lúc nào. Bà ngồi xếp bằng mà ra đi. Sau đó nhìn kỹ lại bên giường thấy có để di chúc của bà. Bà đã viết từ lâu, không những đã viết xong di chúc dặn dò mà bà đã chuẩn bị xong tang phục của con trai, con dâu và cháu trai, đều đặt ở cạnh giường. Bạn xem, bà cụ này thật là cừ khôi! Đây là biết trước ngày giờ ra đi. Bà đã lo liệu toàn bộ việc hậu sự của mình, con cháu không cần phải lo lắng chút nào. Bạn xem đó, bà vừa lo việc nhà, vừa chăm sóc con cháu, mà không hề bị chướng ngại việc niệm Phật, nhất định là không có chướng ngại. Điều quan trọng nhất là trong tâm không được có một chút vấn vương đối với gia đình, đối với con cháu. Nếu có một chút vương vấn thì sẽ có chướng ngại, bạn không thể tự tại vãng sanh. Vì vậy, vẫn phải làm việc trong nhà, cần phải chăm sóc con cháu, nhưng đừng để ở trong tâm. Tuy chăm lo vô cùng chu đáo các việc, nhưng trong tâm bà chỉ có A Di Đà Phật. Ngoài A Di Đà Phật ra trong tâm bà không có một ý niệm nào, cho nên bà mới vãng sanh tự tại như vậy. Chúng ta phải nên học tập việc này. Bất luận làm công việc, ngành nghề gì thì đối với việc niệm Phật vãng sanh đều không có chướng ngại. Nếu có chướng ngại là do chính bạn không hiểu đạo lý, không hiểu phương pháp. Nếu bạn hiểu đạo lý, hiểu phương pháp thì việc gì cũng không thể làm chướng ngại được. Pháp môn này thù thắng chính là ở chỗ này.


Hỏi: Người niệm Phật có Phật Bồ-tát, long thiên thiện thần bảo hộ, vì sao lúc lâm chung còn bi oan gia trái chủ làm chướng ngại việc vãng sanh?

 Đáp: Người niệm Phật thì có người có công phu đắc lực và không đắc lực. Nếu công phu thật sự thành phiến thì người niệm Phật này có công phu đắc lực. Đến khi lâm chung, oan gia trái chủ sẽ không làm chướng ngại họ. Nếu công phu của bạn chưa đạt, nói cách khác là bạn không vãng sanh được thì oan gia trái chủ sẽ đến đòi nợ, thiếu mạng thì đòi nợ mạng, thiếu tiền thì đòi nợ tiền, tóm lại là bạn trốn không thoát được. Những việc này là thật, không phải giả. Nếu thật sự hiểu rõ những chân tướng sự thật này thì nhất định không được hại mạng chúng sanh. Ngàn vạn lần chớ cho rằng động vật nhỏ không đáng gì. Bạn sát hại muỗi, kiến thì đến khi bạn lâm chung, chúng sẽ đến đòi mạng, chúng cũng là một sinh mạng. Tiền tài bất nghĩa, sau khi bạn chiếm được thì bạn vẫn phải hoàn trả. Ngạn ngữ nói rằng: “Giết người đền mạng, thiếu nợ trả tiền”. Đời đời kiếp kiếp, nhân quả ba đời.

Nguồn: www.tinhkhongphapngu.net

/ 4