TUYỂN CHỌN HỌC PHẬT VẤN ĐÁP CỦA PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
PHẦN 4
(Trích lục từ các buổi khai thị vấn đáp của Hòa Thượng Tịnh Không cho đồng tu học Phật)
Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, xin hỏi làm thế nào vừa tu phước vừa tu huệ?
Đáp: Đây là một câu hỏi rất thực tế, tôi nghĩ rất nhiều người muốn biết [câu trả lời]. Tu phước chính là đoạn ác tu thiện. Đoạn ác tu thiện nhưng không chấp trước, không chấp vào tướng thì chính là tu huệ. Phật dạy Bồ-tát tu pháp Lục độ, đây là một ví dụ rất hay. Bố thí là tu phước, trì giới cũng là tu phước, nhẫn nhục cũng là tu phước, tinh tấn, thiền định đều là tu phước, còn Bát-nhã là tu huệ. Thế nào là Bát-nhã? Kỳ thật, nếu lìa khỏi năm điều phía trước thì Bát-nhã không thể tồn tại, Bát-nhã sẽ là một khái niệm trừu tượng, sẽ không khởi tác dụng. Bát-nhã nhất định phải có trong năm loại tu phước phía trước. Bố thí mà không chấp tướng bố thí thì trong bố thí có Bát-nhã, đó chính là trí huệ, đây là phước huệ song tu. Trì giới mà không chấp tướng trì giới thì đó cũng là phước huệ song tu. Do đây mà biết, nhẫn nhục, thiền định, tinh tấn chỉ cần không phân biệt, không chấp trước thì đó chính là huệ. Như vậy mới có thể làm được phước huệ song tu.
Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, con rất mong muốn mau chóng đến thế giới Cực Lạc, nhưng trên còn cha mẹ nên trong lòng không buông xuống được. Tuy nhiên con chỉ lo bản thân không cẩn thận, lại tiếp tục tạo nghiệp, thật sự lo lắng sau này không thể đến được thế giới Cực Lạc tu hành thành Phật, thừa nguyện tái lai. Nghĩ đến vấn đề này con rất phiền não, xin Sư phụ từ bi khai thị con nên làm thế nào mới phải.
Đáp: Vấn đề của bạn, tôi xin nói đơn giản và thành thật với bạn rằng, mỗi ngày bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định để đọc kinh và nghe kinh. Thời gian mỗi ngày đọc kinh, nghe kinh tốt nhất là từ hai giờ trở lên, không được ít hơn hai giờ, ngày ngày không gián đoạn. Làm từ nửa năm đến một năm thì cảnh giới của bạn sẽ thay đổi. Nói tóm lại là sự nhận thức của bạn đối với giáo lý chưa đủ thấu triệt, nếu chân thật nhận thức thấu triệt thì tín tâm thanh tịnh, nguyện tâm kiên cố, những điều bạn nghi ngờ lo lắng sẽ không còn nữa. Bạn nhất định sẽ đạt được nguyện vọng.
Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, thế nào là Bồ-đề tâm? Trong cuộc sống hằng ngày làm thế nào phát Bồ-đề tâm?
Đáp: Kinh Luận giảng về Bồ-đề tâm rất nhiều, lời giải thích của cổ Đại đức nói chung cũng khiến chúng ta không dễ hiểu. Nhưng lời của Đại sư Ngẫu Ích trong Di Đà Kinh Yếu Giải thì chúng ra rất dễ hiểu. Ngài nói rất đơn giản, rất rõ ràng. Bồ-đề tâm là chân tâm, là tâm chân thành cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, tâm này chính là vô thượng Bồ-đề tâm. Cách nói này thực ra từ xưa đến nay Tổ sư Đại đức đều không nói như vậy. Cách nói này của Đại sư Ngẫu Ích được Tổ Ấn Quang vô cùng tán thán, thật sự khiến chúng ta hiểu rõ ngay lập tức. Rất nhiều cụ ông cụ bà nhà quê không biết chữ, cả đời cũng chưa nghe Kinh, gặp được Pháp sư truyền cho một câu A Di Đà Phật, dạy họ thật thà mà niệm, họ thật thà niệm vài năm thì thật sự được vãng sanh, tướng lành vãng sanh vô cùng hiếm có. Chúng ta xem Kinh Vô Lượng Thọ có câu “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, chúng ta nghĩ nhất hướng chuyên niệm thì không thành vấn đề, chúng ta đã nhìn thấy rồi, thế nhưng họ không có phát Bồ-đề tâm, vì sao họ được vãng sanh? Chúng ta thường nghi hoặc điều này. Đại sư Ngẫu Ích vừa giải thích thì chúng ta liền hiểu rõ. Tuy họ không hiểu thế nào là Bồ-đề tâm nhưng họ thật sự đã phát vô thượng Bồ-đề tâm, [vì] họ đã thật sự buông xuống vạn duyên, nhất tâm nhất ý niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, gặp A Di Đà Phật thì làm gì có chuyện không phát Bồ-đề tâm chứ? Vì vậy lời giải thích này của Đại sư Ngẫu Ích rất có đạo lý, càng nghĩ càng có đạo lý, đơn giản rõ ràng! Theo cách nói thông thường thì Kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói [về Bồ-đề tâm], Đại Thừa Khởi Tín Luận cũng có nói, chú giải của hai quyển sách này rất nhiều, rất nhiều chú giải của Đại đức xưa nay [chúng ta] đều có thể dùng làm tham khảo.
Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, Ngài thường nói: “Trước tiên phải độ mình rồi mới có thể độ người, chỉ có Bồ Tát thật sự mới có thể độ người”. Lại nói, “Vừa chuyển đổi ý niệm, chỉ cần vì chúng sanh thì chính là Bồ Tát”, ở đây phải chăng có sự mâu thuẫn?
Đáp: Nghi hoặc của bạn không sai, đúng là có nghi hoặc như thế. Tuy nhiên phải hiểu rằng “trước tiên phải độ chính mình rồi sau mới độ người khác”, đây là việc của Bồ Tát. Không có năng lực độ chính mình mà đi độ người khác cũng là sự nghiệp của Bồ Tát. Hai loại người này đều là Bồ Tát, nhưng bên trong có sự khác biệt. Không thể độ mình mà đi độ người thì chưa đáng tin cậy, bạn cho rằng là đó là độ người nhưng thật sự có phải là độ người hay không? Bạn độ họ đi đến đâu? Trong mười pháp giới bạn độ họ đến pháp giới nào? Nếu như độ họ vào cõi ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh thì đó cũng là độ, không phải là không độ. “Độ” nghĩa là giúp đỡ, bạn giúp họ đến pháp giới nào? Cho nên, chính mình phải độ mình trước, bản thân bạn nhận biết đường đi, bạn biết phương hướng rồi thì bạn sẽ không dẫn dắt chúng sanh đi sai đường. Vì sao vậy? Bạn là người từng trải, việc này sẽ không sai. Bạn chưa độ được mình, cũng không phải là người từng trải, con đường phía trước như thế nào bạn không biết! Không biết đường mà tùy tiện chỉ đường thì đây là việc làm nguy hiểm.