/ 4
1.236

TUYỂN CHỌN HỌC PHẬT VẤN ĐÁP CỦA

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG

 

PHẦN 2

 

Trích lục từ các buổi khai thị vấn đáp của Hòa Thượng Tịnh Không

cho các đồng tu học Phật


Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, con mỗi ngày sau khi niệm Phật xong thì có một nguyện vọng là mong cầu mọi người trong gia đình được bình an, công việc làm ăn tốt đẹp, xin hỏi như vậy có phải là tự tư tự lợi không?

Đáp: Việc này phải hỏi bạn, đâu cần hỏi tôi. Nếu tâm nguyện của bạn là vì tất cả chúng sanh, vì xã hội rộng lớn thì tất cả người nhà của bạn nhất định sẽ được bình an. Vì sao vậy? Tâm lượng của bạn lớn, lượng lớn thì phước lớn. Tôi niệm Phật, tôi hy vọng Phật Bồ-tát phù hộ cho mọi người làm ăn kinh doanh trên toàn thế giới đều phát đạt. Một khi tâm lượng của bạn mở rộng thì phước báo của bạn sẽ lớn. Nếu chỉ phù hộ cho riêng mình, không phù hộ cho người cạnh bên thì không được rồi, tâm lượng như vậy rất nhỏ, phước có được cũng sẽ nhỏ. Cũng như vậy, quả báo lớn nhỏ của việc tu học đều tùy thuộc vào tâm lượng lớn hay nhỏ của bạn. Tâm lượng càng lớn thì phước báo không thể nghĩ bàn. Công đức nhỏ như vi trần, nhỏ như đầu sợi lông của chư Phật Bồ-tát, công đức ví như vi trần và đầu sợi lông nghĩa là rất nhỏ, nhưng quả báo lại không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Tâm lượng của các Ngài rất lớn, mỗi niệm của các Ngài đều là vì tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, cho nên tu công đức tuy nhỏ nhưng quả báo đạt được chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, ý niệm của bạn vừa chuyển trở lại thì sẽ chuyển phàm thành Thánh.


Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, Kinh Vô Lượng Thọ và Phẩm Phổ Môn đều dạy chúng ta trong lúc nguy nan thì niệm Bồ-tát Quán Âm. Hiện nay con nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật, lúc tâm tưởng đến A Di Đà Phật thì có giống như Quán Âm Bồ-tát cứu người trong lúc nguy nan khẩn cấp không ạ? Hay là vẫn phải niệm Quán Thế Âm Bồ-tát?

Đáp: Người chuyên tu Tịnh Độ chúng ta không sợ nguy nan. Nguy hiểm và gian nan đối với chúng ta chẳng đáng được xem là việc lớn. Chỉ cần nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật là được. Vì sao trong kinh Phật khuyên chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ-tát? Đó là đối với người mà ý niệm vãng sanh vẫn chưa kiên định, vừa muốn vãng sanh nhưng vẫn lưu luyến thế gian này, vẫn chưa muốn đi. Đối với loại người này, niệm Quán Âm Bồ-tát thì được, Quán Thế Âm Bồ-tát cứu khổ cứu nạn. Ngoài ra còn có những Phật tử không tu Tịnh Độ, thuộc các tông phái khác, tu Thiền, tu Mật, tu học những pháp môn tông phái khác, bao gồm người tu học Tiểu Thừa, khi gặp tai nạn niệm Quán Âm Bồ-tát thì nhất định có cảm ứng.


Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, con rất may mắn gặp được pháp môn Tịnh độ, hằng ngày nghe giảng kinh, niệm Phật. Con muốn nắm lấy cơ hội sớm được vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc để phổ độ chúng sanh khổ nạn nên đã buông xuống công việc và muốn trường kỳ ở trong môi trường này huân tập Phật pháp. Con không phải lo lắng về chi phí cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, hơn nữa khi tu học ở nơi đây thì duyên đời đã giảm bớt đi rất nhiều, xin hỏi làm như vậy có đúng như pháp không?

Đáp: Như pháp. Nếu bạn có được hoàn cảnh như vậy, gia đình quyến thuộc của bạn không gây chướng ngại gì thì sẽ rất như pháp.


Hỏi: Thưa, nếu có người hủy báng thì làm thế nào ạ?

Đáp: Hủy báng thì mặc kệ họ, bạn không cần nghe, không cần hỏi. Nghe thấy có người hủy báng thì bạn liền niệm A Di Đà Phật, không cần để ý đến họ, như vậy mới tốt, mới có thể thành tựu. Nếu người khác hủy báng mà bạn để ý, để vào trong tâm thì sẽ tự hủy hoại toàn bộ đạo tâm của mình. Như vậy thật là đáng tiếc.


Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, niệm Phật như thế nào mới có thể đạt được tam-muội ạ?

Đáp: Công phu thành phiến chính là tam-muội. Cấp độ cao, thấp, sâu, cạn của tam-muội khác nhau rất lớn. Cho dù công phu thành phiến cũng có ba bậc chín phẩm. Người phàm chúng ta rất có khả năng đạt được niệm Phật tam-muội này. Sự nhất tâm bất loạn, đó là tam-muội cấp cao của niệm Phật. Lý nhất tâm bất loạn là niệm Phật tam-muội cao nhất, người bình thường thì một đời chưa chắc có thể đạt được. Đạt được sự nhất tâm bất loạn thì phải đoạn được kiến tư phiền não. Đạt được lý nhất tâm bất loạn là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, sanh đến thế giới Cực Lạc thì sanh đến cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đạt được sự nhất tâm thì sanh đến cõi Phương Tiện Hữu Dư. Công phu thành phiến là thấp nhất, sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư.

Nguồn: www.tinhkhongphapngu.net

/ 4