TUYỂN CHỌN HỌC PHẬT VẤN ĐÁP CỦA
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
PHẦN 1
Trích lục từ các buổi khai thị vấn đáp của Hòa Thượng Tịnh Không
cho các đồng tu học Phật
Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao có một đoạn nói: “Lần chuỗi niệm Phật chỉ nên lần trong lúc đang đi và đang đứng. Còn khi tĩnh tọa dưỡng thần, nếu tay động thì thần sẽ bất an, làm lâu ngày sẽ thành bệnh”. Xin hỏi nếu con gõ mõ, nhắm mắt lại rồi tụng thầm kinh điển thì có phải cũng là “tay động khiến thần bất an” không ạ?
Đáp: Các bạn phải hiểu rằng gõ mõ, đánh khánh, đánh địa chung đều không phải là tự mình tu hành, đó chính là cúng dường mọi người. Việc này là thế nào? Đây là bạn ở trong Niệm Phật Đường làm công quả, mọi người đang tu hành chứ bạn không tu hành, bạn phải đánh cho thật rõ ràng, để mọi người có trật tự, âm điệu tương đồng, không có một chút sai sót, phải thật chỉnh tề. Đây là bạn đang tu phước, bạn đang giúp đỡ mọi người. Còn lúc thật sự tu hành thì bạn là chúng thanh tịnh, bạn phải buông xuống hết thảy, thân tâm đều thanh tịnh, Phật hiệu và thân khẩu ý đều tương ưng với nhau. Phật hiệu từ trong tâm phát ra, miệng niệm, tai nghe vào, không có tạp niệm, đây chính là tu hành.
Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, ý nghĩa của câu “Phật Bồ-tát gia trì” chính là thiện tâm, thiện hạnh của chính mình dần dần hiển lộ, Phật tánh cũng phát lộ qua từng cấp độ, kỳ thực đó là chân tánh của chính mình đang bảo hộ chính mình, con giải thích như vậy có đúng không ạ?
Đáp: Đúng được một nửa, không thể nói là không đúng nhưng không viên mãn, vì sao vậy? Xác thực là trong âm thầm Phật Bồ-tát có giúp đỡ bạn. Thế nhưng, việc Phật Bồ-tát giúp đỡ bạn, giống như đạo lý mà bạn đã nói, chỉ là tương đối, bạn có một phần thiện hạnh thì Phật Bồ-tát giúp cho bạn một phần; bạn có hai phần thiện hạnh thì Phật Bồ-tát giúp bạn hai phần. Nếu bạn không có thiện hạnh mà cầu Phật Bồ-tát giúp đỡ thì Phật Bồ-tát không giúp đỡ được. Bạn thường nghe thấy đạo lý này khi tôi giảng kinh có nêu ra thí nghiệm nước của Tiến sĩ Giang Bổn Thẳng ở Nhật Bản để chứng minh, bạn có thể hiểu rõ nguyên lý về thí nghiệm của ông ấy thì vấn đề này liền được giải quyết.
Do đó có thể biết, chân thật đạt được sự gia trì của Phật Bồ-tát thì phải buông xuống. Nếu không buông xuống thì sự gia trì sẽ rất có hạn, không thể nói là không có, có, nhưng bị hạn chế. Nếu trong pháp thế xuất thế gian, bạn đối người, đối việc, đối vật không có chấp trước thì bạn đã nhập vào Chánh Giác. Chánh Giác là gì? Là A-la-hán. Nói một cách khác, bạn thành A-la-hán, bạn là đệ tử Phật chân thật, bạn giống với Phật. Nếu bạn còn có thể buông xuống phân biệt, đối với hết thảy pháp thế xuất thế gian bạn không phân biệt nữa thì bạn thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Chân thật làm được không khởi tâm, không động niệm, thì bạn là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trí huệ, đức năng, tướng hảo trong tự tánh của bạn tự nhiên sẽ hiện tiền. Thế nên, chỗ này không thể nào giải thích được, vì sao vậy? Hễ giải thích thì rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rồi. Có đủ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn chính là phàm phu tiêu chuẩn trong lục đạo. Lục đạo phàm phu có phân biệt chấp trước, đó là tâm luân hồi, cho dù học Phật thì vẫn là tạo nghiệp luân hồi, không thoát được lục đạo luân hồi. Trong lục đạo có ba đường thiện, ba đường ác. Bạn đoạn ác tu thiện tốt thì bạn sanh vào ba đường thiện, sẽ không đọa tam ác đạo, nhưng bạn vẫn không thoát khỏi lục đạo luân hồi, không thể không hiểu đạo lý này.
Hỏi: Kính thưa lão Pháp sư, sau khi con phát tâm thì bị rất nhiều chướng ngại, nên làm thế nào để khiến oan gia trái chủ tha thứ ạ?
Đáp: Phát tâm thì phải phát đại tâm, thế nào là đại tâm? Phải phát tâm làm lợi ích cho chúng sanh, không được phát tâm cầu danh cầu lợi cho chính mình, tâm như vậy không tốt. Bạn phát tâm mà chỉ cầu cho riêng mình, không nghĩ đến chúng sanh thì oan gia trái chủ nhất định sẽ tìm bạn gây phiền phức. Nếu bạn phát tâm vì mọi người thì họ cũng được thơm lây, họ sẽ không tìm bạn gây rắc rối, thế nên tâm lượng phải lớn. Phải giống như khi phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, bạn phát cái tâm này thì tất cả oan gia trái chủ của bạn đã được bao gồm ở trong đó. Bạn phát tâm là vì họ thì sao họ có thể tìm bạn gây rắc rối được chứ? Phải hiểu đạo lý này. Phát tâm vì chính mình thì không được, như thế bản thân bạn và oan gia trái chủ có sự đối lập. Bạn phát tâm vì hết thảy chúng sanh, họ cũng được bao gồm ở trong đó, thế thì họ sẽ hoan hỷ thôi.