200

Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm

Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương

四十華嚴經

普賢行品

吉詳雲比丘章

Phần 5

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Cảnh Mỹ Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1993

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang

 

Tập thứ chín (12-13-09)

 

  Xin mở quyển kinh, trang thứ hai mươi lăm, dòng thứ tư, đọc từ chính giữa.

 

  (Sớ) Tam tứ nhị môn tức bản tánh Phật, danh vi Trí Thân, Phật dĩ trí huệ vi bản tánh cố.

  (疏)三 四 二 門 即 本 性 佛,名 為 智 身。佛 以 智 慧 為 本 性 故。

  (Sớ) Hai môn thứ ba và thứ tư chính là niệm đức Phật trong bản tánh, gọi là Trí Thân, vì Phật lấy trí huệ làm bản tánh.

 

  Đây chính là lời giải thích cho câu thứ ba và thứ tư của kinh văn trong phần trước, chúng ta hãy đọc câu kế tiếp cho dễ nói hơn một chút.

 

  (Sớ) Tiền môn thập lực trí, hậu môn vô ngại trí, trí tắc minh liễu vi kiến.

  (疏)前 門 十 力 智。後 門 無 礙 智。智 則 明 了 為 見。

  (Sớ) Môn trước là Thập Lực Trí, môn sau là Vô Ngại Trí. Đối với trí thì [gọi] hiểu rõ là thấy.

 

  Chúng tôi đã giảng đến chỗ này. “Tiền” là câu thứ ba, “hậu” là câu thứ tư, chúng ta không cần đọc lại đoạn kinh văn trong đoạn trước.

  Theo danh từ triết học hiện thời, “bản tánh” được gọi là “bản thể”, tức là bản thể của vũ trụ vạn hữu. Triết học gia tuy lập ra danh từ, thuật ngữ này, nhưng dựa theo thực tại chân tướng sự thật để nói, thì họ vẫn chỉ sờ soạng. Nói chung, họ tưởng tượng vũ trụ do đâu mà có; nói chung, [họ suy luận vũ trụ phải] có căn nguyên rồi gọi căn nguyên ấy là “bản thể”. Nhưng trong Phật pháp Đại Thừa, đối với chuyện này, chư Phật Như Lai thật sự hiểu rõ, thật sự thấy rõ ràng. Trong bộ kinh này, cảnh giới ấy được gọi “đại bất khả tư nghị giải thoát cảnh giới” (cảnh giới giải thoát to lớn chẳng thể nghĩ bàn). Gọi là “đại bất tư nghị” nhằm đối ứng với những gì được nói trong kinh Duy Ma. Cảnh giới trong kinh Duy Ma được gọi là “tiểu bất tư nghị”, bởi cảnh giới được nói trong kinh ấy mang tánh chất cục bộ, còn cảnh giới được giảng trong kinh này là viên mãn. Bản tánh mới thật sự là chính mình, mới là con người gốc, ý nghĩa này rất khó hiểu.

  Thiền Tông đạt đến cảnh giới tối hậu, thường gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”. Kiến tánh chính là thấy được Bản Tánh Phật. Cái thân [thấy được do] kiến tánh chính là thân trí huệ, trong phần trên, chúng tôi đã nói thân trí huệ thuộc về Báo Thân. Trí huệ chẳng phải do từ bên ngoài có, mà là sẵn có trong tự tánh. Vấn đề này trước hết vẫn phải nói từ nơi bản tánh, rất khó nói, đương nhiên là nghe cũng không dễ hiểu. Trong kinh thường dùng tỷ dụ để chúng ta thấu hiểu điều này. Ví như nằm mộng, tôi nghĩ mỗi vị đồng tu đều có kinh nghiệm nằm mộng. Nếu như khi quý vị tỉnh giấc mộng, bèn suy nghĩ: “Những cảnh giới trong mộng do đâu mà có?” Có nghĩ tới chuyện này hay chăng? Người học Phật phải thường lãnh hội từ chỗ này, quý vị sẽ dễ khai ngộ hơn.

  Trong phần trên, tôi đã thưa với quý vị, Bồ Tát sau khi kiến tánh sẽ chứng đắc Pháp Thân. Pháp Thân là gì? Pháp Thân là nói theo phương diện sở chứng, Năng Chứng (chủ thể để chứng) là trí huệ, Sở Chứng (cái được chứng) là Pháp Thân thanh tịnh. “Pháp” là vạn pháp trong vũ trụ, không chỉ là hết thảy các pháp trong mười pháp giới, mà còn bao quát hết thảy các pháp trong Nhất Chân pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm nơi thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật trong kinh Hoa Nghiêm, thế giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật do đâu mà có? Đều do tự tánh biến hiện. Giống như một người nằm mộng, cảnh giới trong mộng đều do tự tánh của chúng ta biến hiện. Nếu quý vị thật sự giác ngộ, vậy thì phải hỏi quý vị, thứ gì trong mộng là cái thân của quý vị? Cũng có thể nói bất cứ thứ gì trong mộng cũng đều là chính quý vị hay chăng? Cảnh giới nào trong mộng chẳng phải là chính quý vị? Nếu quý vị hiểu rõ cảnh trong mộng toàn là do tự tánh biến hiện, bản thân ta trong giấc mộng là chính mình, mà kẻ khác trong giấc mộng vẫn là chính mình. Núi, sông, đại địa, hư không, thế giới trong giấc mộng cũng là chính mình. Đấy gọi là “toàn chân tức là vọng, toàn vọng tức là chân”. Do chư Phật, Bồ Tát biết chân tướng sự thật này, tận hư không, trọn pháp giới là chính ta; ngoài chính ta ra, tìm không được một món thứ hai nào cả! Do vậy, tâm từ bi của các Ngài tự nhiên dấy lên; lòng từ bi ấy gọi là vô duyên đại từ, “vô duyên” nghĩa là không có điều kiện.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net