/ 6
415

Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm

Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương

四十華嚴經

普賢行品

吉詳雲比丘章

Phần 4

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Cảnh Mỹ Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1993

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang

 

Tập thứ bảy (12-13-07)

 

  Xin mở quyển kinh, trang thứ mười ba, dòng thứ nhất, đọc từ câu cuối cùng:

 

  (Sớ) Tam, công cao, dị tựu, dĩ tưởng vật cố.

  (疏)三 功 高 易 就,以 獎 物 故。

  (Sớ: Ba là vì thành công cao, dễ thành tựu, nhằm tưởng thưởng chúng sanh vậy)

 

  Hôm qua, chúng tôi giảng đến đoạn này, do đã hết giờ, nên chưa giảng xong đoạn này. Ý nghĩa của đoạn kinh văn này hết sức phong phú, hết sức viên mãn. Ở đây, đại sư Thanh Lương thay cho chúng ta nêu ra một nghi vấn, tức là: Pháp môn vô lượng vô biên, vì sao khi Thiện Tài đồng tử tham học, vị thiện tri thức thứ nhất liền dạy Ngài pháp môn Niệm Phật? Ở đây, nhất định là có dụng ý, tuyệt đối chẳng phải là đột nhiên đề ra [pháp môn Niệm Phật]. Do vậy, đại sư nói ra mười điều. Hai điều đầu đã giảng rồi, hôm nay bắt đầu giảng từ điều thứ ba. Điều thứ ba là “công cao, dị tựu”, “công” (功) là thành công. Thành công đặc biệt cao, so với bất cứ pháp môn nào cũng đều thù thắng hơn. Qua các kinh luận, chúng ta thường thấy đoạn Hoặc chứng Chân là công phu, có công phu đoạn Kiến Tư phiền não, sẽ chứng được quả A La Hán. Thù thắng hơn nữa là chứng đắc quả Bích Chi Phật, bởi ngay cả tập khí của Kiến Tư phiền não cũng đều đã đoạn hết. Nếu có thể đoạn được Trần Sa phiền não, phá một phần vô minh, sẽ chứng được quả vị Bồ Tát. Tùy theo công phu đoạn chứng[1] sâu hay cạn mà Bồ Tát có năm mươi mốt địa vị khác nhau, nhưng đều chẳng sánh bằng pháp môn Niệm Phật.

  Pháp môn niệm Phật “dị tựu”, “dị” (易) là dễ dàng, “tựu” (就) là thành tựu, [“dị tựu” là] rất dễ dàng thành tựu. Vì sao thành tựu rất dễ dàng? Chẳng cần đoạn Kiến Tư phiền não, rất dễ dàng! Đoạn Kiến Tư phiền não quá ư là khó! Đừng nói là đoạn sạch Kiến Tư phiền não, những lời đức Phật dạy trong kinh đều là dùng phương pháp quy nạp, như Kiến phiền não là những sai lầm về mặt kiến giải, đức Phật nói có tám mươi tám phẩm. Nói theo cách bây giờ, Phẩm là chủng loại. Sai lầm về mặt kiến giải có thể chia thành tám mươi tám thứ. Tám mươi tám thứ ấy đều là quy nạp, trong mỗi loại, chẳng biết có bao nhiêu. Còn Tư Hoặc là suy nghĩ sai lầm, tư tưởng của quý vị có sai lầm, tổng cộng gồm tám mươi mốt loại lớn. Đây là chín địa trong tam giới, quý vị phải đoạn sạch những thứ ấy thì mới liễu sanh tử, thoát tam giới, vượt thoát lục đạo luân hồi. Trong nhiều phẩm loại như thế, nói thật ra, một phẩm chúng ta cũng chẳng thể đoạn được. Đây là nói sự thật, quý vị không tin thì cứ tự mình thử xem, quý vị sẽ thấy chính mình có bản lãnh đoạn trừ được hay không? Bất luận tu học pháp môn nào, quý vị trì giới cũng vậy, nghiên cứu giáo lý cũng vậy, tham Thiền cũng vậy, trì chú cũng vậy, quý vị xem chính mình có bản lãnh để đoạn trừ hay chăng? Khó lắm đấy!

  Trong pháp môn Tịnh Độ thì chẳng cần đoạn, chỉ cần quý vị niệm cho tương ứng là được rồi. Tương ứng với pháp nào vậy? Phương pháp đơn giản nhất là tâm và miệng tương ứng, miệng niệm A Di Đà Phật, trong tâm thật sự có A Di Đà Phật, chứ không phải là miệng niệm Di Đà, tâm khởi vọng tưởng thì không được rồi! Đây là nói về sự cảm ứng đơn giản nhất, rõ ràng dễ thấy nhất, công phu như vậy, chắc chắn quý vị sẽ vãng sanh. Sanh về Tây Phương, kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất khéo: “Viên chứng tam Bất Thoái” (Chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái). Trong bốn mươi tám nguyện có cho chúng ta biết: “Giai thị A Duy Việt Trí Bồ Tát” (Đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát). A Duy Việt Trí Bồ Tát là địa vị nào? Từ Thất Địa trong Viên Giáo trở lên. Đây đúng là “công cao, dị tựu” (thành công cao, dễ thành tựu). Không một pháp môn nào khác có thể sánh bằng được, đấy là sự thật. Vì sao pháp môn này đặc biệt đến thế? Điều này thì mọi người chúng ta đều hiểu, do oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Điều này đã được nói trong phần trước. Điều thứ hai là: “Y Phật lực, năng thành thắng hạnh” (Nương vào Phật lực, nên có thể thành tựu hạnh thù thắng). Nương vào Phật lực chứ không cậy vào chính mình, chính mình không có năng lực ấy, nương theo Phật lực. Không chỉ là một mình A Di Đà Phật đến gia trì, ngày hôm qua tôi đã nói với quý vị rồi: Được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều gia trì, thật phi thường!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 6