/ 6
270

Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm

Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương

四十華嚴經

普賢行品

吉詳雲比丘章

Phần 6

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Cảnh Mỹ Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1993

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang

 

Tập thứ mười một (12-13-11)

 

  Xin mở quyển kinh, trang thứ hai mươi bảy, hàng thứ nhất, đọc từ bốn chữ cuối trong hàng thứ nhất.

 

  (Sớ) Thập cửu, nhị thập tức nghiệp báo Phật, danh tướng hảo trang nghiêm thân. Tiền môn ứng hiện nghiệp báo, hậu môn vi chân nghiệp báo. Tọa Hoa Tạng sát, tức tướng hải trang nghiêm. Nhược chân, nhược ứng, giai linh vật tín, vị thâm tín kiến.

  (疏)十 九 二 十 即 業 報 佛,名 相 好 莊 嚴 身。前 門 應 現 業 報。後 門 為 真 業 報。坐 華 藏 剎,即 相 海 莊 嚴。若 真 若應,皆 令 物 信,為 深 信 見。

  (Sớ) Môn mười chín và môn hai mươi chính là nghiệp báo Phật, gọi là tướng hảo trang nghiêm thân. Môn trước là ứng hiện nghiệp báo, môn sau là chân nghiệp báo. Ngồi trong cõi Hoa Tạng tức là tướng hải trang nghiêm. Dù chân thân hay ứng thân, đều làm cho chúng sanh tin tưởng, chính là sự thấy Phật bằng lòng tin sâu xa.

 

  Đoạn khai thị này của đại sư Thanh Lương [tương ứng với] môn thứ mười chín trong kinh văn, tức là “trụ nhất thiết nghiệp niệm Phật môn” (môn Niệm Phật trụ trong hết thảy nghiệp). Tác dụng của nó là “năng tùy pháp giới nhất thiết chúng sanh sở tu hạnh nghiệp, vị hiện kỳ thân linh giác ngộ cố” (có thể thuận theo hạnh nghiệp đã tu của hết thảy chúng sanh trong pháp giới mà hiện thân, khiến cho họ giác ngộ). Môn sau là “trụ nhất thiết thần biến niệm Phật môn, kiến nhất thiết Phật trụ ư quảng đại hương thủy hải trung, tọa liên hoa đài, phổ hiện thần biến mãn thập phương cố” (môn Niệm Phật trụ trong hết thảy thần biến, thấy hết thảy Phật ngồi trên đài hoa sen trong biển nước thơm rộng lớn, hiện khắp các thứ thần biến trọn khắp mười phương). Đoạn này giải thích hai môn, hai môn này đều là Nghiệp Báo Phật. Môn trước, tức môn thứ mười chín, rất dễ hiểu! Đây là “ứng hiện nghiệp báo”, chúng ta thường gọi Ứng Hóa Thân. Môn sau là môn thứ hai mươi, “chân nghiệp báo”. Nói thật ra, “chân nghiệp báo” là hiện Báo Thân. Báo Thân có Tự Thọ Dụng và Tha Thọ Dụng. Trong kinh điển Tịnh Tông, sanh về cõi Thật Báo mới thấy Báo Thân của A Di Đà Phật. Nếu sanh về cõi Đồng Cư hay cõi Phương Tiện Hữu Dư, đều là thấy Ứng Hóa Thân của A Di Đà Phật. Thân nghiệp báo của Phật chia thành hai loại lớn.

  Cảnh giới trong loại thứ nhất sâu rộng vô hạn, nghiệp chẳng thể nghĩ bàn. Kinh dạy chúng ta về “trụ nhất thiết nghiệp Niệm Phật môn”; đối với “nhất thiết nghiệp” ở đây, chúng ta đã thâu hẹp phạm vi. Trong chín pháp giới, chúng ta chỉ nói tới nhân pháp giới. Trong nhân pháp giới, chỉ nói tới người trên quả địa cầu của chúng ta trong hiện thời, không cần nói tới những thế giới khác, quá nhiều, nói chẳng hết! Chúng ta nói tới người trên địa cầu! Nếu rút nhỏ hơn nữa phạm vi trên địa cầu, chúng ta nói tới người Đài Loan, mọi người sẽ càng thấy thân thiết dễ lãnh hội hơn. Đài Loan là một hòn đảo nhỏ, hai ngàn một trăm vạn người, “trụ trong hết thảy nghiệp”, mỗi một cá nhân tạo nghiệp đều khác nhau. Niệm Phật trụ trong nghiệp là như thế nào? Tạo tác đủ mọi hạnh nghiệp. Trong phần trước, tôi đã nói rồi, tư tưởng, ý niệm, ngôn ngữ, tạo tác của chúng ta đều là nghiệp. Chúng ta không cần phải luận định nghiệp ấy là thiện, là ác hay là vô ký (không thiện, không ác), không cần phải bàn luận tới. Nếu như có thể ở trong hết thảy nghiệp, trong hết thảy tạo tác mà giác ngộ, đấy chính là pháp môn này, tức là “trụ nhất thiết nghiệp niệm Phật môn”. Có tình hình ấy hay chăng? Có chứ! Chúng ta thấy trong Phật môn, qua bút ký, truyện ký của các vị tổ sư đại đức thời xưa hoặc từ sơn chí của các tự viện, chúng ta thường thấy được điều ấy.

Do đây biết rằng: Pháp Niệm Phật trong Hoa Nghiêm rộng lớn vô biên. Chẳng nhất định là lúc nào, quý vị ở bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ chuyện gì, quý vị giác ngộ, thường gọi là “khai ngộ”. Đương nhiên đây không phải là cảnh giới mỗi cá nhân đều có được. Vì sao vậy? Bởi lẽ, nghiệp chướng của hết thảy chúng sanh có sâu cạn, dầy, mỏng khác nhau, thiện căn của mỗi cá nhân khác nhau. Nói chung là phải có thiện căn, phước đức sâu dầy. “Hết thảy nghiệp” là duyên, thiện căn là nhân. Nhân gặp duyên sẽ khởi tác dụng. Tác dụng ấy nếu nhỏ thì là khai ngộ, giác ngộ; nếu lớn, sẽ là chứng quả, tu hành chứng quả. “Trụ trong hết thảy nghiệp” là duyên. Điều này cho chúng ta thấy rõ pháp môn Niệm Phật rộng lớn vô biên! Niệm là cái tâm trong một niệm hiện tiền, Phật là giác, [như vậy Niệm Phật] là “tâm giác ngộ ngay trong một niệm”. Giống như khi ngủ nằm mộng, đột nhiên từ trong mộng tỉnh giấc, đấy gọi là “niệm Phật”. Quý vị giác ngộ ngay trong cái tâm này. Giúp cho chúng ta giác ngộ, bất luận là đối với hoàn cảnh nhân sự hay là hoàn cảnh vật chất, chúng ta đều cần phải biết: Đều là do chư Phật, Bồ Tát đại bi hộ niệm. Chư Phật, Bồ Tát không đại bi hộ niệm, duyên ấy sẽ chẳng thể chín muồi vừa khéo như thế được, chẳng thể vừa khéo như vậy được! Quý vị vừa gặp [duyên ấy], liền khai ngộ, đều là do chư Phật, Bồ Tát biến hiện. Chư Phật, Bồ Tát có mặt ở khắp nơi.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 6