/ 6
275

Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm

Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương

四十華嚴經

普賢行品

吉詳雲比丘章

Phần 3

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Cảnh Mỹ Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1993

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang

 

 

Tập thứ năm (12-13-05)

 

  Xin mở quyển kinh, trang thứ mười hai, dòng cuối cùng, xem từ dòng cuối cùng trở đi.

 

  (Sớ) Nhược ước biểu vị, thử trung chánh thị Phát Tâm Trụ thể. Dĩ bổn giải tánh văn huân chi lực, linh khai phát cố, danh quyết định giải.

  (疏)若 約 表 位,此 中 正 是 發 心 住 體。以 本 解 性 聞 薰 之 力,令 開 發 故,名 決 定 解。

  (Sớ: Nếu căn cứ theo sự biểu thị địa vị [để luận định] thì chỗ này chỉ thẳng vào cái Thể của địa vị Phát Tâm Trụ. Dùng sức Văn Huân của tánh hiểu biết sẵn có để khiến cho khai ngộ, phát tâm, nên gọi là “quyết định giải”).

 

  Hôm qua vì thời gian bó buộc, câu này chỉ giảng được một nửa. Đây là câu thứ hai trong bốn câu. Dùng “trí quang chiếu diệu” (ánh sáng trí huệ rực sáng) để giải thích ý nghĩa của câu “quyết định giải” trong phần trước. Đoạn cuối cùng, nếu luận về sự biểu thị pháp; “nhược ước biểu vị”, Nhược (若) là giả thiết (ví như), ví như dùng sự biểu thị pháp để nói. “Vị” là năm mươi mốt địa vị của bậc Bồ Tát, tỳ-kheo Cát Tường Vân là đại biểu cho địa vị Sơ Trụ, tức bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, Ngài đại diện cho địa vị này. “Thử trung chánh thị Phát Tâm Trụ thể”, câu này nhằm nói tới “trí quang chiếu diệu”, trí Quyết Định Giải chính là thể tướng của [địa vị] Phát Tâm Trụ (Sơ Trụ). “Phát tâm” chính là phát Bồ Đề tâm. Nếu không có trí huệ chân thật, sẽ không thể khởi Bồ Đề tâm được! Vì thế, chỉ cần Bồ Đề tâm thật sự phát khởi, người ấy sẽ là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, trí huệ sẽ thấu lộ ra.

  Hai câu kế tiếp là để giải thích. “Dĩ bổn giải tánh”, “bổn giải” chính là “trí quyết định giải” đã nói trong phần trước. “Giải” là thấu hiểu điều gì? Nói sơ sài, cạn cợt nhất, sẽ là chân tướng của vũ trụ, nhân sinh, vị ấy đều hiểu rõ, đều hiểu rành, một mảy may nghi hoặc cũng không có. Đấy gọi là “quyết định giải”. Đấy là trí huệ chân thật. Do trí huệ ấy hiện tiền, nên là Sơ Trụ Bồ Tát. Do vậy, “dùng sức Văn Huân của tánh hiểu biết sẵn có để khiến cho [Bồ Đề tâm] được mở mang, phát khởi”, câu “bổn giải tánh” (tánh hiểu biết sẵn có) rất ý vị. Do đây, biết rằng: Trí huệ chẳng phải là từ bên ngoài tới. Nếu do từ bên ngoài tới, sẽ chẳng có năng lực ấy. “Bổn” là vốn đã có sẵn, đã sẵn trọn đủ trong tự tánh của chúng ta. Vốn sẵn trọn đủ, vì sao năng lực ấy chẳng hiện tiền nơi chúng ta? Đấy là vấn đề của Văn Huân. Chúng ta văn huân (huân tập do nghe pháp) không đủ, công phu Văn Huân chưa đến mức. Vì thế, “bổn giải tánh” chẳng tỏ lộ ra, cũng có nghĩa là trí huệ, đức năng vốn sẵn có trong bổn tánh chẳng thể hiện tiền. Nếu muốn cho nó được hiện tiền, “hiện tiền” là khởi tác dụng, nhất định phải dựa vào Văn Huân. Văn là nghe pháp, Huân là huân tập. Chẳng những chỉ gồm Văn (nghe), mà còn phải bao gồm Tư, Tu, tức là Bồ Tát phải học Tam Huệ Văn - Tư - Tu.

  “Văn” là tiếp xúc, đối với người mới học, nghe pháp hết sức trọng yếu. Nếu như Văn Huân không trọng yếu như thế, quý vị hãy suy nghĩ xem, lúc đức Thế Tôn tại thế, cần gì đức Phật phải giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm? Vì sao chẳng lập Niệm Phật Đường, dạy chúng ta thật thà niệm Phật? Hay lập Thiền Đường dạy chúng ta tu Thiền thất? Từ Đại Tạng Kinh, chúng ta thấy: Suốt một đời, đức Thế Tôn không làm những chuyện ấy. Mỗi ngày, Ngài giảng kinh thuyết pháp cho đại chúng, nhưng trong số các đệ tử, chúng ta biết Thường Tùy Chúng là hai ngàn năm trăm năm mươi lăm vị. Những vị ấy chẳng rời khỏi Phật, đức Phật đi đến đâu, họ liền theo đến đó. Nói cách khác, mỗi vị đều nghe kinh suốt mấy chục năm. Ngày ngày nghe, nghe suốt mấy chục năm, Văn Huân đấy! Cũng có người trong số quý vị nghĩ họ có phước báo như thế, hằng ngày được nghe pháp từ nơi Phật, chúng ta không có phước. Thật ra, phước báo của con người chúng ta hiện thời chẳng kém phước báo của người thời ấy, có thể nói là còn lớn hơn họ nữa kia!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 6