/ 6
384

Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm

Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương

四十華嚴經

普賢行品

吉詳雲比丘章

Phần 2

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Cảnh Mỹ Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan

Tháng Ba năm 1997

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang

 

Tập thứ ba (12-03-03)

 

  Xin giở cuốn kinh, trang thứ sáu. Xin đọc kinh văn trong trang thứ sáu:

 

  (Kinh) Thời Cát Tường Vân tỳ-kheo cáo Thiện Tài ngôn: “Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử! Nhữ dĩ năng phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm, thị sự vi nan. Phục năng thỉnh vấn hành Bồ Tát hạnh, nan trung chi nan”.

(經)時 吉 祥 雲 比 丘 告 善 財 言,善 哉 善 哉,善 男 子,汝 已 能 發 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提 心,是 事  為 難。復 能 請 問 行 菩 薩 行,難 中 之 難。 

(Kinh: Khi ấy, tỳ-kheo Cát Tường Vân bảo Thiện Tài rằng: “Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ông đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đấy là chuyện khó. Lại còn có thể thưa hỏi hành Bồ Tát hạnh, đấy là chuyện khó nhất trong những chuyện khó”).

 

  Kinh văn từ chỗ này trở đi là lời thiện hữu tán thán và truyền dạy pháp môn. Đáp ứng lời khải thỉnh của Thiện Tài, trước khi truyền pháp, [thiện tri thức] nhất định phải tán thán Thiện Tài. Nói thật ra, lời tán thán này cũng  nhằm để khuyến khích, cổ vũ mọi người chúng ta, mà cũng là lời căn dặn Thiện Tài phải tự trân trọng. Bởi lẽ, phát tâm quá khó, nhất là sau khi đã phát tâm lại còn chịu ham học. Đấy là hai sự khó khăn mà Ngài đều có thể trọn đủ. Đấy mới đáng gọi là pháp khí trong Phật môn, có năng lực, có đủ điều kiện để tiếp nhận sự truyền pháp của thiện tri thức. “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” trong phần trước, tôi đã giảng quá nhiều rồi. Tuy giảng rất nhiều, nhưng trong bộ kinh này, câu này được lặp lại mấy trăm lượt. Mỗi một lần tham học trong năm mươi ba lần tham học, chúng ta đều có thể thấy câu này đôi ba lượt, đủ thấy câu này vô cùng trọng yếu.

  Ở chỗ này, đức Thế Tôn không ngừng nhắc nhở chúng ta: Cái tâm ấy quả thật khó phát! Tuy đã phát được, nhưng chỉ trong chớp mắt lại quên tuốt! Phát đó, quên đó, đấy gọi là “lộ thủy đạo tâm” (đạo tâm như nước trong một giọt sương), chẳng đáng coi là pháp khí. Cũng có thể nói là không có năng lực, không đủ điều kiện để tiếp nhận đại pháp của Như Lai! Đấy là sự thật. Nếu là người thật sự phát đạo tâm, thân tâm cảnh giới của người ấy có thể nói là sẽ đại chuyển biến một trăm tám mươi độ. Chúng ta phát tâm mà tâm thái của chúng ta chẳng chuyển biến gì hết! Hễ thật sự phát tâm, sẽ chuyển biến ngay! Vì sao nói người ấy có sự chuyển biến lớn lao như vậy? Là vì phàm phu và thánh nhân sai biệt chỉ trong một ý niệm này. Ý niệm đã chuyển, tướng mạo sẽ chuyển. Ý niệm đã chuyển, thể chất sẽ chuyển, cảnh giới cũng đồng thời xoay chuyển. Đấy là đạo lý nhất định! Trong kinh luận, đức Phật thường dạy chúng ta: “Cảnh tùy tâm chuyển” (Cảnh chuyển theo tâm). Dung mạo, thể chất của chúng ta đều thuộc về cảnh. Hễ phát Bồ Đề tâm, sẽ không còn là phàm phu nữa!

  Từ kinh điển, chúng ta thấy Tiểu Thừa A La Hán và Bích Chi Phật đều không phát Bồ Đề tâm, Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng thể phát Bồ Đề tâm. Thế nhưng, quý vị phải hiểu rõ một điều: Người niệm Phật nếu không phát Bồ Đề tâm, sẽ chẳng thể vãng sanh! Chúng ta phải đặc biệt lưu ý điểm này! Quý vị thấy Tam Bối Vãng Sanh (Ba bậc vãng sanh) trong Vô Lượng Thọ Kinh, điều kiện vãng sanh đều giống hệt như nhau: “Phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm A Di Đà Phật”. Thượng Bối có điều kiện này, mà Trung Bối và Hạ Bối vẫn có điều kiện này. Chúng ta chẳng thể coi thường! Vậy thì thế nào là phát Bồ Đề tâm? Muốn nói rõ ra, sẽ rất khó. Hễ nói, rất khó thể nào nói cho rõ ràng. Muốn nghe cho thấu hiểu, muốn nghe cho hiểu rõ rệt, đương nhiên cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng!

  Vậy thì vì sao rất nhiều người chẳng hiểu giáo lý, nhưng niệm A Di Đà Phật vẫn được vãng sanh? Giống như pháp sư Đàm Hư đã kể cho chúng ta nghe: Một đồ đệ của pháp sư Đế Nhàn khi pháp sư còn trẻ, xuất thân là thợ vá nồi, một chữ cũng không biết, ông ta niệm Phật ba bốn năm, đứng vãng sanh. Ông ta sống trong một ngôi miếu nhỏ trong làng. Có người báo tin cho cụ Đế Nhàn, nói: “Đồ đệ của thầy đã đứng vãng sanh rồi!” Ngày hôm sau, lão nhân gia mới ngồi thuyền, từ Kim Sơn ngồi thuyền đến Ôn Châu cũng mất hai ba ngày. Đồ đệ của Sư vẫn đứng sừng sững hai ba ngày đợi sư phụ đến lo liệu hậu sự. Nếu chúng ta hỏi: “Ông ta có phát Bồ Đề tâm hay chăng?” Có phát! Vì chẳng phát Bồ Đề tâm, làm sao có thể vãng sanh cho được? Nếu quý vị hỏi ông ta: “Bồ Đề tâm là gì?” Ông ta không biết, ông ta chẳng hiểu Bồ Đề tâm là cái gì! Nhưng ông ta thật sự phát Bồ Đề tâm! Bồ Đề tâm là tâm triệt để giác ngộ. Ông ta giác ngộ điều gì? Giác ngộ cõi nhân gian khổ sở. Hồi còn sống, ông ta là kẻ rất khổ não, cuộc sống hết sức vất vả, đối với thế gian này, trọn chẳng lưu luyến mảy may nào, một tí ti vướng mắc cũng đều chẳng có; nhất tâm nhất ý mong ngóng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đấy là Bồ Đề tâm.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 6