/ 6
706

Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm

Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương

四十華嚴經

普賢行品

吉詳雲比丘章

Phần 1

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Cảnh Mỹ Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan,

Tháng Ba năm 1997

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang

 

Tập thứ nhất (12-03-01)

 

  Xin mở bản kinh[1], trang thứ nhất, Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương.

  Trước khi giảng đến kinh văn, đại sư Thanh Lương có mấy câu giải thích cũng rất quan trọng. Chúng ta hãy đọc đoạn này một lượt.

 

  (Sớ) Đại văn đệ nhị: “Nhĩ thời, Thiện Tài đồng tử tiệm thứ Nam hành” hạ.

(疏)大 文 第 二。爾 時 善 財 童 子 漸 次 南 行 下。

  (Sớ: Đoạn lớn thứ hai trong kinh văn, từ câu “lúc bấy giờ, Thiện Tài đồng tử dần dần theo thứ tự đi về phương Nam”).

 

  Chữ “hạ” ở đây chỉ phần kinh văn tiếp theo [câu nói ấy], chỉ cho phần kinh văn [trong chương này].

 

  (Sớ) Hữu thập thiện hữu, ký Thập Trụ vị.

(疏)有 十 善 友,寄 十 住 位。

  (Sớ:Có mười vị bạn lành thuộc vào địa vị Thập Trụ).

 

  Ở chỗ này, kể ra mười người, tức là mười vị Bồ Tát [trong số năm mươi ba vị thiện tri thức]. Tuy nói là tỳ-kheo, nhưng thật ra, họ đều là Bồ Tát, tức hàng Pháp Thân đại sĩ. Mười vị này “ký Thập Trụ vị”, chữ Ký (寄) ở đây là “ký thác” (gởi gắm). Nếu chúng ta dùng thí dụ để nói thì họ giống như biểu diễn trên sân khấu vậy, họ đóng vai trò Thập Trụ. Rất khó thể nói [đích xác] bổn địa của họ là gì, có những vị là cổ Phật tái lai; ở đây, ta hoàn toàn nhìn theo hình tướng nơi mặt Tích của họ, tức là [nhìn vào] hình tướng họ đã thị hiện; sẽ giống như trong kinh Pháp Hoa đã nói: “Bổn Tích nhân duyên”. Dưới đây là lời giải thích cho chúng ta biết Thập Trụ là gì?

 

  (Sớ) Vị thỉ nhập Không giới, huệ trụ Không tánh, đắc Vị Bất Thoái, cố danh vi Trụ.

(疏)謂 始 入 空 界,慧 住 空 性,得 位 不 退,故 名 為住。

  (Sớ: Nghĩa là vừa mới nhập Không giới, huệ trụ nơi tánh Không, đạt được Vị Bất Thoái, nên gọi là Trụ).

 

  Trước hết, [đại sư Thanh Lương] giảng cho chúng ta biết ý nghĩa của chữ Trụ trong Thập Trụ. Tại Trung Quốc, gần như mỗi một tông phái đều công nhận Hoa Nghiêm là Đại Thừa Viên Giáo, lại còn gọi bộ kinh này là “căn bản pháp luân”, [hàm ý] hết thảy các kinh đều là quyến thuộc của Hoa Nghiêm. Giống như một cái cây, Hoa Nghiêm là rễ, là gốc; hết thảy các kinh khác đều là cành lá của cái cây ấy, đều lưu xuất từ kinh này. Do điều này, có thể biết được tánh chất quan trọng của kinh Hoa Nghiêm. Ở đây, đại sư Thanh Lương bảo cho chúng ta biết ý nghĩa của chữ Trụ: “Thỉ nhập Không giới”, Thỉ là bắt đầu, “Không giới” chẳng phải là mười pháp giới. Mười pháp giới chẳng phải là Không, lục đạo chẳng phải là Không, mười pháp giới cũng chẳng phải là Không. Nói cách khác, bọn họ vừa mới bắt đầu lìa khỏi mười pháp giới, “Không giới” chính là Nhất Chân pháp giới.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 6