/ 48
450

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 47

Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi! Mời xem “Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán”. Trang thứ bảy hàng thứ sáu, xem từ chữ "vấn" này.

"Vấn, cứ kỳ sở thuyết, tắc nhất trần chi thượng, lý vô bất hiển, sự vô bất dung, văn vô bất thích, nghĩa vô bất thông, kim thời tu tập chi đồ, vân hà hiểu ngộ, đạt ư trần xứ, đốn quyết quần nghi".

Đây là một đoạn. Chúng ta sẽ xem trước đoạn này. Đại sư, vì chúng ta nói ra một đoạn lớn phía trước, chính ở trong một vi trần liền có thể thấy khắp pháp giới. Dùng danh từ hiện tại gọi là toàn vũ trụ, cả thảy trong vũ trụ, tánh tướng, lý sự, nhân quả. Đây là trong Đại Thừa giáo thường nói: "Chư pháp thật tướng", vì chúng ta nói ra. Luôn không tránh khỏi, cũng có thể nói là có không ít người sau khi nghe rồi họ có nghi hoặc, có nghi vấn, Đại sư ở chỗ này thay họ hỏi ra. Căn cứ vào phía trước đã nói: "Tắc nhất trần chi thượng lý vô bất hiển". Tánh lý; lý trong tự tánh, lý trên pháp tánh, lý ở trên pháp tướng. Chúng ta nói vật lý, là lý trên pháp tướng. Tâm lý là lý trên pháp tánh, thế nhưng tâm có chân tâm, có vọng tâm. Vọng tâm ở trong Phật pháp gọi là A Lại Da, chân tâm chính là tự tánh.

"Sự vô bất dung", vì sao vậy? Sự lý là một không phải hai. Phía trước nói với chúng ta, nói được rất hay, sự cùng lý tương dung tương nhiếp, lý không lìa khỏi sự, sự không lìa khỏi lý, lý do sự hiển. Không có sự, chúng ta không cách gì phát hiện được có lý. Không có tướng, bạn không cách gì thể hội được tánh. Nó tuy là không có hiện tượng (không phải là hiện tượng vật chất, cũng không phải hiện tượng tinh thần), nó có thể hiện tướng. Ở trong một nhân duyên điều kiện nào đó nó có thể hiện tướng, đây là trong Phật pháp thường nói: "Một niệm bất giác mà có vô minh". Trong điển tích Tướng Tông thường nói: "Vô minh bất giác sanh tam tế, thế giới vi duyên trưởng lục thô". Những đại đạo lý này chính ở trong một vi trần liền hiển thị ra.

"Văn vô bất thích", “văn” là nói Kinh văn. "Nghĩa vô bất thông", văn cùng nghĩa; nghĩa là nghĩa lý, văn là phía trước nói sự, nghĩa là phía trước nói lý, do đây có thể biết Thế Tôn muốn vì mọi người nói pháp. Bạn thấy nêu ra một trần thì được rồi, liền đem áo mật của cả thảy vũ trụ, Hoa Nghiêm Áo Chỉ nói tận rồi, thế nhưng sự việc này cần phải là Pháp Thân Đại Sĩ mới có thể lý giải. Ở dưới mười pháp giới không có được trí tuệ cao như vậy, họ không thể lý giải. Đoạn này hỏi đáp rất hay! Thay chúng ta hỏi. Chúng ta sau khi nghe rồi rất khó thể hội. Ngài nói: "Kim thời tu học chi đồ", “kim” là hiện tại. Đại sư Hiền Thủ là người đầu nhà Đường. Lúc đó Phật pháp truyền đến Trung Quốc là thời đại thạnh nhất gọi là thời đại hoàng kim, cao tăng đại đức (cao tăng xuất gia, đại đức ở tại gia, đây là cư sĩ) quá nhiều. Đại Kinh đại Luận như vậy hợp với căn tánh, ở vào lúc đó không có vấn đề, truyền đến chúng ta ngày nay, Phật pháp suy vi đến mức thấp nhất, làm cho rất nhiều người sanh ra hiểu lầm đối với Thánh giáo. Nguyên do dẫn đến hiểu lầm rất phức tạp. Phật pháp thù thắng đến như vậy, không có người hiểu, không có người truyền, thật là đáng tiếc. Cho nên Ngài đề xuất người hiện đại, đặc biệt là nói người hiện đại chúng ta, "vân hà hiểu ngộ", chúng ta làm thế nào có thể thấu triệt, làm thế nào có thể đạt ngộ? Đạt là thông đạt, chúng ta có thể ngộ nhập, có thể thông đạt, ở nhất trần chi xứ "đốn quyết quần nghi", đem tất cả nghi lự hoàn toàn hóa giải hết.

Khi Thế Tôn ở đời đích thực là như vậy, có thể quán cơ, ứng cơ nói pháp. Cơ có thượng - trung - hạ ba căn. Đây là phần lớn. Phật vì đại chúng giảng Kinh nói pháp khế cơ khế lý, không cần phải rất nhiều ngôn ngữ, người nghe liền có thể thông đạt, liền có thể đốn quyết quần nghi. Hiện tại chúng ta gặp được những Kinh điển này, sau khi nghe rồi không cách nào đốn quyết quần nghi, có thể có một bộ phận nghi hoặc hóa giải, còn một bộ phận vẫn không thể nào thấu triệt. Vì sao vậy? Phiền não tập khí chướng ngại mất.

Trong Đại Thừa giáo Thế Tôn thường nói, Bồ tát tu hành chướng ngại lớn nhất chính là nghi, cho nên nghi bị liệt vào căn bản phiền não. Căn bản phiền não có sáu điều, nó liệt vào điều thứ năm. Tham-sân-si-mạn, phía sau chính là nghi, phiền não nghiêm trọng. Phiền não này không phải là hoài nghi bình thường, mà là hoài nghi đối với Thánh giáo, hoài nghi đối với cổ Thánh tiên Hiền, vậy bạn liền gặp nạn. Phàm phu mê mất đi tự tánh thì làm gì mà không nghi, đương nhiên có nghi, có nghi hoặc là bình thường. Loại nghi hoặc này tìm ai để hóa giải? Phải tìm Phật Bồ tát, phải tìm cổ Thánh tiên Hiền, các Ngài có thể giải quyết giúp chúng ta. Hiện tại các Ngài không còn nữa cũng không hề gì, vì điển tích của các Ngài còn, giáo huấn của các Ngài còn, nếu như chúng ta có lòng tin đối với các Ngài.

/ 48