TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 45
Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi! Mời xem: “Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán”. Phía trước chúng ta học đến “Trí thân” trong “Mười Thân”, hôm nay chúng ta xem đến “Pháp thân” .
Thứ chín: “Pháp Thân”.
“Pháp thân giả vị sở chứng vô lậu pháp giới chi thể, nhi vi pháp thân dã”.
Chỗ này tương đối khó hiểu, cái gì gọi là vô lậu? Chữ “lậu” là đại danh từ trong Phật pháp, đại biểu phiền não. Thí dụ ly trà này của chúng ta, nếu như bên trong có hư tổn, chúng ta đổ nước vào sẽ bị chảy hết, đây gọi là lậu. Hữu lậu chính là nó có vấn đề, nó có hư tổn. Thí dụ pháp tánh của chúng ta, trong đây có phiền não, làm cho tánh đức của chúng ta rò rỉ hết. Lấy cái ý nghĩa này, kỳ thật đây là thí dụ. Thí dụ thế nào cũng không thể đem chân tướng sự thật nói ra được. Đây là đạo lý nhất định. Vô lậu chính là hoàn hảo, trí tuệ đức tướng trong tự tánh của chúng ta hoàn toàn có thể hiển lộ ra mà không có bất cứ chướng ngại nào. Ý này người sơ học thông thường dễ hiểu. Cụ thể mà nói, khởi hoặc tạo nghiệp đó chính là lậu. Hoặc là chúng ta tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà tạo ra tất cả nghiệp, cũng chính là lời nói việc làm đó đều gọi là nghiệp hữu lậu, ba thứ này đều có. Các vị thử nghĩ xem, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều đầy đủ, đích thực giống như mười pháp giới cao nhất là Phật, họ lọt xuống phía dưới, bên dưới là sáu cõi, bên dưới là luân hồi, bên dưới của bên dưới là ba đường ác, bên dưới tận cùng là A Tỳ Địa Ngục, liền lọt xuống phía dưới. Cho nên dùng cái này để làm thí dụ, trên thực tế có thể đại biểu mê hoặc, tạo nghiệp, thọ báo, khổ báo ba đường.
Vô lậu thì tốt rồi! Vô lậu là tự tánh, chính là trong "Hoàn Nguyên Quán" chúng ta nói: “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Vào lúc nào thì bạn chứng được? Cái chứng đắc này trong Thiền Tông gọi là: "Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật", là chứng được pháp thân. “Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”, đó là bạn chứng được bản thể pháp giới vô lậu. Trong Giáo Hạ danh từ không giống nhau, cảnh giới thì tương đồng.
Giáo Hạ nói: “Đại khai viên giải”, thông thường chúng ta gọi là nhìn thấu. Nếu không thể triệt để buông xả, bạn làm sao có thể đại khai viên giải. Chỗ này phải chú ý, những lời nói này tuy nhiều, nói đến ngàn lần vạn lần đều là nên nói, vì sao vậy? Chúng ta chưa làm được, mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở chúng ta buông xả. Buông xả chấp trước chính là A La Hán, thành Chánh giác. Buông xả phân biệt bạn là Bồ Tát, bạn thành tựu Chánh đẳng chánh giác. Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, bạn thành Phật rồi, đó là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên chúng ta phải buông xả, không buông xả không được.
Chúng ta tại vì sao không thể buông xả? Vì không nhìn thấu. Vì sao không nhìn thấu? Đối với chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh chưa nhìn thấu, hoàn toàn thấy sai, nghĩ sai. Thấy sai rồi thì gọi là kiến hoặc, chính là kiến giải của bạn mê hoặc. Bạn thấy sai, nghĩ sai rồi gọi là tư hoặc, chính là tư tưởng của bạn sai, hoàn toàn trái với chân tướng sự thật. Có kiến tư nhất định có phân biệt, có vọng tưởng, cho nên bạn ở nơi đâu? Ở nơi sáu cõi. Kiến tư phiền não không thể đoạn hết, thì bạn không thể siêu việt sáu cõi luân hồi. Buông bỏ Kiến hoặc, Tư hoặc, bạn liền ra khỏi sáu đường, siêu việt sáu cõi luân hồi, không phải dựa vào thứ nào khác, hiện ra là cõi nào? Hiện ra là Pháp giới Bốn thánh, cõi Phàm Thánh Đồng Cư không còn, bạn siêu việt rồi, bạn không phải người phàm, bạn là Thánh, siêu phàm nhập Thánh. Tuy là tiểu Thánh nhưng công đức cũng không thể nghĩ bàn, sau này chỉ có hướng nâng lên trên, không còn hướng xuống đọa lạc, bởi vì bạn đã chứng được trong tam bất thoái.
Tam bất thoái, thứ nhất là vị bất thoái. Bạn vĩnh viễn không còn thoái xuống đến vị phàm phu, lưu giữ địa vị này. Sau đó học tiếp buông bỏ phân biệt, buông bỏ vọng tưởng, vậy bạn liền chứng được “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Đây là thể của pháp giới vô lậu, đó mới là chính mình chân thật, bạn liền chứng được.
Chân tánh của chúng ta cùng tánh chư Phật Như Lai và tánh tất cả chúng sanh là một tánh; không chỉ là chúng sanh hữu tình, mà bao gồm chúng sanh vô tình như cây cối hoa cỏ, sơn hà đại địa, hư không pháp giới. Việc này các vị nhất định phải hiểu. Cho nên Thế Tôn trong pháp Đại Thừa thường hay đem thể tánh thí dụ cho đại hải, gọi là tánh hải, chính là chỉ cái thể này. Chúng ta hiện tại mê mất đi tự tánh. Trên Kinh Phật có thí dụ, cũng giống như trong biển lớn nổi lên bọt nước, bọt nước có rời khỏi biển lớn không? Rời khỏi biển lớn có thể biến thành bọt nước không? Bọt nước là vọng, cái tướng này là vọng, nó nương chân mà khởi, nó là từ nước mà nổi lên bọt nước. Khi nổi lên bọt nước nó là nước, bọt nước vỡ rồi vẫn là nước. Đây là chân tướng sự thật. Phật dùng thí dụ này thí dụ vô số chúng sanh chúng ta, mỗi một chúng sanh giống như bọt nước nổi lên trong biển lớn, thế nhưng chính mình mê rồi, không biết chính mình là biển lớn, cho rằng là độc lập, cùng với người khác liền khởi lên phân biệt, liền khởi chấp trước. Vậy là hỏng rồi, đó là mê, càng mê càng sâu.