277

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 44

Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem  “Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán”, Kinh văn tờ thứ bảy, hàng thứ hai sau cùng: "Tức tam thân tức thập thân".

Lần này chúng ta học tập là chọn "Hoa Nghiêm Đại Sớ". Đại sư Thanh Lương đã nói: "Dung tam thế gian thập thân". Chúng ta đã học qua thân thứ năm là Độc Giác. Hôm nay chúng ta tiếp tục xem thứ sáu: "Bồ Tát Thân".

Thứ sáu, Bồ Tát Thân

"Bồ Tát, Phạm ngữ cụ vân". “Cụ” là cụ túc, chính là danh hiệu của hoàn toàn, gọi là "Bồ Đề Tát Đỏa". Người Trung Quốc ưa thích đơn giản, đem chữ “Đề” của Bồ Đề và chữ “Đỏa” của Tát Đỏa tỉnh lượt đi ngữ âm, gọi thành Bồ Tát. Phải nên gọi là Bồ Đề Tát Đỏa. Nếu nói Bồ Tát thì người Ấn Độ xưa không hiểu, nói Bồ Đề Tát Đỏa thì họ hiểu. Đây là Phạn ngữ, ý nghĩa là "Giác Hữu Tình". “Hoa” là Trung Quốc, chúng ta là Trung Hoa, ý nghĩa của Trung Hoa là "Giác Hữu Tình". Phiên dịch là việc không dễ dàng.

Thế Tôn năm xưa cả đời bốn mươi chín năm dạy học nói pháp không có viết thành văn tự. Ấn Độ có văn tự, nhưng không viết thành văn tự, chỉ giảng giải bằng miệng, học trò nêu ra vấn đề, vấn đáp. Mãi đến sau khi Phật Đà diệt độ, những học trò (như Đại Ca Diếp, A Nan) các Ngài phát khởi, hy vọng đem tất cả pháp mà cả đời Phật Đà nói ra ghi chép thành văn tự. Đây là công trình rất lớn. Các vị tưởng tượng xem, bốn mươi chín năm đã nói ghi chép ra quyết không phải là nguyên văn của Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói. Khi Phật sắp tịch diệt, nói với chúng ta Tứ Y Pháp. Tứ Y Pháp này chính là chuẩn tắc.

Tứ Y Pháp, thứ nhất là "Y Pháp Bất Y Nhân". Thực tế mà nói, điều này ngay đến chính Thích Ca Mâu Ni Phật cũng tuân thủ. Pháp là gì vậy? Pháp là pháp tánh, là pháp tướng. Pháp tánh là bản thể, pháp tướng là hiện tượng, nó còn có tác dụng. Bạn xem trên đề Kinh "Kinh Hoa Nghiêm", "Đại Phương Quảng" chính là nói cái ý này. “Đại” là nói pháp tánh, “Phương” là nói pháp tướng, “Quảng” là nói tác dụng: có thể, có tướng, có dụng. Phật vì sao phải tôn trọng nguyên tắc này? Không thể tùy tiện nói bừa, nhất định phải tương ưng với "tướng-thể-dụng" thì mới là chánh pháp. Nếu như trái với "tướng-thể-dụng" thì đó chính là tà pháp, không gọi là chánh pháp. Tùy thuận "tướng-thể-dụng" là tùy thuận tánh đức. Phật nói là từ trong tánh đức tự nhiên mà lưu xuất ra, đây chính là y pháp bất y nhân, không phải Phật tùy tiện nói.

Thứ hai là "Y Nghĩa Bất Y Ngữ". Câu nói này là sống, quan trọng. Quan trọng là muốn chúng ta nương theo ý của Ngài, không nhất định nương theo ngôn ngữ của Ngài. Ngôn ngữ của Ngài nói được nhiều, nói được ít không quan hệ; nói cạn nói sâu nói dài nói ngắn không quan hệ, chúng ta nương theo cái ý của Ngài. Ý nghĩa đúng thì được. Do đây chúng ta có thể biết, khi kết tập Kinh Tạng nhất định tuân thủ nguyên tắc "y nghĩa bất y ngữ" này.

Thứ ba là "Y Liễu Nghĩa Bất Y Bất Liễu Nghĩa". Thế nào gọi là “liễu nghĩa”? Khế cơ khế lý thì gọi là liễu nghĩa. Nếu như nói là khế cơ; khế cơ là mọi người nghe rồi rất hoan hỉ, nhưng nếu như trái với tánh đức thì đây không phải là chánh giáo. Ngày nay bạn dạy người sát đạo dâm vọng; sát đạo dâm vọng là trái với tánh đức, thế nhưng người ưa thích rất nhiều, đây không phải là chánh giáo. Nếu như khế lý không khế cơ, nói ra là Phật nói, không sai, nói ra là đạo lý nhưng người nghe không hiểu, người không thể thấu triệt tường tận thì đương nhiên họ càng không chịu bằng lòng học tập. Đây tuy không phải tà giáo, cũng được xem là chánh giáo, nhưng chúng sanh không được lợi ích, Phật đều không cho phép. Cho nên Thế Tôn chính mình khi còn ở đời cũng là như vậy, dạy Bồ Tát nhất định phải tùy thuận tánh đức, nói ra rất rõ ràng, sẽ không nói quá cao, để người thông thường đều có thể hiểu được.

Phiên dịch Kinh Phật cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Chúng ta hiểu được năm xưa kết tập Kinh Tạng như thế nào rồi thì sẽ không hoài nghi, cho nên kết tập quyết định là chính xác. Hơn nữa kết tập là đại chúng cùng nhau làm. Kết tập lần thứ nhất có năm trăm vị đại A La Hán. Tôn Giả A Nan là đa văn đệ nhất ngay trong đệ tử Phật. Thế Tôn bốn mươi chín năm nói ra tất cả Kinh, A Nan thảy đều nghe. Chúng ta biết, ngày Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo là ngày A Nan sinh ra. Hai mươi tuổi A Nan làm Thị giả của Phật, hay nói cách khác, Thế Tôn nói pháp hai mươi năm đầu Tôn Giả A Nan chưa nghe, thì làm sao có thể nói Tôn Giả A Nan thảy đều nghe hết? Tuy là hai mươi năm đó Tôn Giả A Nan chưa nghe được những đại ý đã nói ra, Thế Tôn dùng thời gian rảnh trong sinh hoạt thảy đều nói với A Nan ngày trước người nào nêu câu hỏi, người nào có vấn đề, giống như là kể chuyện cho nghe vậy, thế là Tôn Giả A Nan toàn bộ đều nghe hết. Sức ghi nhớ của Ngài đặc biệt tốt, đích thực có thể sánh được với máy ghi âm của hiện tại chúng ta. Nghe một lần thì cả đời của Ngài đều không quên, chúng ta gọi là thiên tài đặc biệt. Vì thế, khi kết tập Kinh Tạng, mọi người mời A Nan thăng tòa, đem những gì Phật đã nói trùng tuyên lại một lần cho đại chúng mọi người cùng nghe. Ngài giảng lại, tuyệt đối không có ý riêng của A Nan. Kinh văn vừa mở đầu là “Như thị ngã văn”; “như thị” chính là đúng như vậy, Phật nói ra là đúng như vậy; “tôi” đích thân nghe Phật nói. Trùng tuyên nói ra, mọi người mới tin tưởng. Đồng thời năm trăm A La Hán đều là chúng thường tùy của Phật đều đến nghe, làm chứng minh cho đại chúng đời sau là A Nan nói không hề sai. Họ nghe nghiêm khắc đến mức độ nào vậy? Năm trăm người đều gật đầu đồng ý thì mới có thể viết ra thành Kinh điển. Ngay trong năm trăm người có một người phản đối, nói A Nan lời nói này tôi chưa nghe qua, tôi không biết, thì lời nói này của A Nan sẽ không được viết lại. Một người phản đối thì không được phép ghi lại. Cho nên kết tập Kinh Tạng rất là nghiêm khắc, không phải là tùy tiện. Không nghiêm khắc như vậy thì làm sao lấy được lòng tin đối với đời sau? Người ngàn năm vạn thế mở Kinh Phật ra sẽ không hoài nghi đối với Kinh Phật.