/ 48
343

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 28

Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, kinh văn tờ thứ năm, xem ở hàng sau cùng: “Thí giới nhẫn tấn cập thiền định, trí tuệ phương tiện thần thông đẳng”. 

Phía trước chúng ta học đến “trí tuệ”, đây là Bồ-tát tự hành hóa tha mười Ba La Mật, cũng gọi là mười độ. Sáu điều phía trước trên kinh đại thừa thường gọi là lục độ, chỗ này mọi người rất quen thuộc. Hiện tại phía sau lục độ lại thêm vào phương tiện nguyện lực trí, hợp thành mười Ba La Mật. Đây là Bồ-tát Văn Thù ở trên hội Hoa Nghiêm dạy bảo các Bồ-tát cương lĩnh tu hành. trong kinh Bát Nhã, Thế Tôn  thường nói với chúng ta, Bồ-tát từ sơ phát tâm thẳng đến Như Lai địa, khóa mục học tập chính là mười loại này, hoặc giả nói lục độ. Ý nghĩa của thập độ cùng lục độ trên thực tế không có khác biệt, nói phía sau lục độ phương tiện nguyện lực trí đều thuộc về Bát Nhã Ba La Mật, nó liền bao gồm ở trong đó, nói mười độ là đem trí tuệ triển khai. Trí tuệ Bát Nhã là thể, Bát Nhã là thể; phương tiện, nguyện, lực, trí là đức dụng của Bát Nhã, có thể có dụng. Trong pháp đại thừa Phật lại thường nói, trí tuệ có hai loại, một loại là thật trí, trí tuệ chân thật, một loại gọi là quyền trí. Quyền trí chính là phương tiện khéo léo. Trong mười Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật là thật trí; phương tiện, nguyện, lực, trí là quyền trí. Ngoài ra một danh từ, trên kinh có nói “căn bản trí, hậu đắc trí”, căn bản trí chính là Bát Nhã Ba La Mật; phương tiện, nguyện, lực, trí là thuộc về hậu đắc trí. Chúng ta lại dùng một lời dễ hiểu hơn để nói, mọi người liền hiểu, căn bản trí là lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cái này hoàn toàn không có, trí tuệ Bát Nhã trong tự tánh liền hiện tiền, đó là căn bản trí, trí tuệ chân thật. Hậu đắc trí là cái gì? Hậu đắc trí thì có một chút giống tri thức mà hiện tại chúng ta thường gọi, ở trong đó có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vậy thì Bồ-tát ở ngay trong cuộc sống thường ngày giáo hóa chúng sanh, chẳng phải là giống y như phàm phu chúng ta hay sao? Đúng vậy, không hề khác nhau, tuy không hề khác nhau cũng đích thực có hai thứ, hai thứ này là gì vậy? Giác và mê. Phàm phu không giác, thật có phân biệt chấp trước; Bồ-tát, A-la-hán giác ngộ rồi, tuy là biểu diễn có phân biệt chấp trước, trên thực tế trong lòng họ không có, chỗ này không như nhau. Trên biểu hiện có cái gì giống? Giống như biểu diễn trên sân khấu. Biểu diễn trên sân khấu thì căn cứ cái gì? Căn cứ kịch bản, trong kịch bản viết bảo bạn cười, đến lúc thì bạn phải cười, bảo bạn khóc đến lúc thì bạn phải khóc, đó không phải là thật, là giả, là giả bộ thôi. Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian chính là biểu diễn ở trên sân khấu. Phàm phu chúng ta thì sao? Phàm phu cho cái biểu diễn là thật, thật có phân biệt, thật có chấp trước, khác nhau ở ngay chỗ này. Thế nên người chân thật giác ngộ, họ thấy ra được, học rất tường tận, phàm phu chúng ta không nhìn thấy ra, rồng rắn lẫn lộn. Phật Bồ-tát hòa quang hồng trần với phàm phu, chúng ta không có trí tuệ thì không thể thấy ra được. Năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật ở đời, sau khi khai ngộ vì mọi người giảng kinh nói pháp 49 năm, thế nên ở Trung Quốc, chư Phật Bồ-tát thị hiện làm tổ sư đại đức, làm Tỳ Kheo, làm Tỳ Kheo Ni, làm trưởng gia cư sĩ, làm ra rất nhiều tấm gương tốt để cho chúng ta xem, thân phận của họ không bộc lộ, chúng ta không hề biết! Thân phận vừa bộc lộ thì họ liền ra đi, họ quyết không lưu lại thế gian. Trong nhiều thời đại, ngay trong những người tu hành, chúng ta xem thấy ở trong điển tích, đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái sanh; Hòa Thượng Phong Can chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai là A Di Đà Phật tái sanh; Hàn Sơn, Thập Đắc là hóa thân của Văn Thù Phổ Hiền, thân phận bộc lộ thì các ngài liền ra đi. Triều nhà Tống cùng thời với Nhạc Phi, thời đại của Tống Cao Tông, Hòa Thượng Bố Đại của Phụng Hóa Chiết Giang là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc, ngài là chính mình tuyên bố, nói với mọi người ngài là Bồ-tát Di Lặc, nói xong thì ngài liền đi. Đó là thật, không phải là giả. Nếu như chính mình nói, họ là Phật gì đó, Bồ-tát gì đó tái sanh, nói rồi mà lại không chịu đi, đó là giả, không phải là thật. Không luận là chính mình tuyên bố, hoặc là người khác tuyên bố giùm họ, nói rồi thì liền đi.

Bồ-tát Vĩnh Minh Diên Thọ là do Phật Định Quang nói ra. Câu chuyện này rất dài, nói ra sẽ chiếm nhiều thời gian. Năm xưa quốc vương là Phật giáo đồ kiền thành, ông tổ chức một vô giá đại hội, chính là tu cúng dường cầu phước. Vô giá chính là không có bất cứ điều kiện nào, chỉ cần là người xuất gia đều có thể đến ứng cúng. Hoàng thượng thiết yến cúng dường pháp sư. Trong cái yến hội này, không ai chịu làm chủ tọa, các bậc hòa thượng cao đức đều nhường nhau, mọi người đều không chịu làm chủ tọa. Từ bên ngoài đi đến một hòa thượng, xem thấy mọi người đều không muốn ngồi ghế chủ tọa, ông liền lên ghế chủ tọa ngồi. Khi ngồi xuống thì mọi người đều ngồi ổn định. Mọi người đều không ai quen biết ông, từ bên ngoài đến, đã là người xuất gia, chính là không có bất cứ điều kiện nào, cho nên cũng không nói chuyện. Trong lòng của quốc vương cũng hơi khó chịu, bởi vì vị trưởng lão ở ngay trong lòng của ông thì không ngồi ghế chủ tọa mà để cho một vị hòa thượng bên ngoài đến ngồi. Sau khi yến hội xong, khi tan tiệc, hoàng đế liền thỉnh giáo với đại sư Diên Thọ, ông nói hôm nay tổ chức vô giá đại hội này, có thánh hiền đến ứng cúng hay không? Đại sư Diên Thọ  nói với ông là có! Ông hỏi người nào vậy? Hôm nay có Định Quang Cổ Phật đến ứng cúng. Ông hỏi là ai? Chính là vị ngồi bên có lỗ tai to, ngồi ngay ghế chủ tọa. Khi vừa nghe nói Định Quang Phật đến ứng cúng thì mau mau phái người đi tìm. Ngài ngồi tĩnh tọa trong một hang động ở trên núi. Thân phận bị bộc lộ, biết được đó là Định Quang Cổ Phật hóa thân đến, quốc vương liền muốn lễ thỉnh ngài. Ngài chỉ nói một câu “Di Dà nhiêu thiệt”, chính là A Di Đà Phật đã nhiều chuyện rồi, vì sao mà bộ lộ cái thân phận của ta, ngài liền ra đi, liền vãng sanh. Những người đi tìm này vội vàng quay về báo cáo, Định Quang Phật đi rồi, ngài nói ra một câu “Di Đà nhiêu thiệt”, vậy thì Vĩnh Minh Diên Thọ chẳng phải chính là A Di Đà Phật hay sao? Đem tin này về báo cáo, khi báo cáo tin tức này, quốc vương nghe được rất hoan hỉ, từ trước không hề biết đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái sanh, vậy còn gì sai sao? Vội vàng dẫn theo người đi lễ lạy đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, vẫn chưa ra khỏi cửa, bên ngoài liền có người đến báo tin, người báo tin vội vàng đến nỗi gần như đụng phải quốc vương. Quốc vương nói khẩn trương đến như vậy có việc gì? Vĩnh Minh đại sư viên tịch rồi. Thân phận vừa bộc lộ thì liền ra đi, đó là thật, không phải giả. Thân phận bộc lộ mà không chịu ra đi thì đó là giả, tuyệt đối không phải là thật, không thể tin tưởng.

/ 48