342

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 27

Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, kinh văn tờ thứ năm, xem ở hàng sau cùng: “Thí giới nhẫn tấn cập thiền định, trí tuệ phương tiện thần thông đẳng”.

Trí tuệ.

Câu phía trước chúng ta đã học qua, hôm nay bắt đầu từ “trí tuệ”. Bát Nhã Ba La Mật trong Lục Độ, trong mười độ cũng là Bát Nhã. Chúng ta thấy Thế Tôn thông thường ở trong kinh giáo đại thừa thường nói ý nghĩa của Bát Nhã. “Bát Nhã” là tiếng Phạn, tiếng Hoa là “trí tuệ”, phiên dịch thành ý Trung văn là trí tuệ, vì chiếu rọi tất cả các pháp đều bất khả đắc, mà có thể thông đạt tất cả vô ngại, vì các loại chúng sanh diễn nói chủng chủng pháp vậy.

Bát Nhã, tại vì sao không trực tiếp dịch thành trí tuệ? Chúng ta xem chú giải này rồi liền biết được, trong từ vựng Trung Quốc, hai chữ Trí Tuệ cùng ý nghĩa Bát Nhã của Phạn ngữ là như nhau, thế nhưng có cạn có sâu rộng hẹp không như nhau. Ý nghĩa của Bát Nhã rộng và sâu, người Trung Quốc chúng ta nóii trí tuệ thì mức độ không được sâu đến như vậy. Vậy thì nếu sâu hơn một tầng mà nói, Bát Nhã là từ trong tự tánh lưu lộ ra, không phải do học mà có, cái gọi là khai trí tuệ, trí tuệ khai mở bằng cách nào? Vứt bỏ đi hết những thứ chướng ngại trí tuệ tự tánh, đem chướng ngại vứt bỏ, trí tuệ Bát Nhã tự tánh nó tự nhiên hiện tiền. Chỗ này không như nhau, ngay trong học tập có thể được trí tuệ hay không? Đáp án là không thể nói có, cũng không thể nói không, vì sao vậy? Xem bạn dùng cái tâm gì. Nếu như học tập mà không lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vậy gọi là tri thức, không gọi là trí tuệ. Trí thức cùng trí tuệ là có khác biệt. Nếu như trong học tập của bạn không xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đó là trí tuệ chân thật. Khác biệt chính ngay chỗ này, vì sao vậy? Trong đại thừa giáo Phật thường nói “phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết Bàn”, nếu như các vị tường tận cái ý này, vậy thì quan hệ của phiền não đối với Bát Nhã bạn liền tường tận. Nó là một, không phải là hai, khi giác thì gọi là trí tuệ, khi mê thì gọi là phiền não. Hoặc giả là chúng ta nói một cách khác thì bạn liền dễ dàng hiểu được, Bát Nhã khi có chướng ngại thì nó liền biến thành phiền não, khi không có chướng ngại thì gọi là trí tuệ Bát Nhã. Cái gì chướng ngại vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chướng ngại nó, chỉ cần gặp phải thứ này thì nó liền biến hình, biến thể, liền biến thành phiền não, cho nên nói phiền não tức Bồ-đề, phiền não vừa giác ngộ thì chướng ngại này không còn, đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ triệt để thì Bát Nhã tự tánh liền hiện tiền.

Chúng ta nghĩ đến đại sư Lục tổ Huệ Năng triều đại nhà Đường, ở trong thất phương trượng của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, nghe lão hòa thượng giảng kinh Kim Cang đến “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì ngài chân thật buông bỏ. Ưng vô sở trụ, vô sở trụ chính là buông bỏ. Phàm phu chúng ta là có chỗ trụ, cũng chính là trong lòng của bạn có phiền não. Có phiền não gì vậy? Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, nếu nói thô hơn một chút là có tự tư tự lợi, có danh vọng lợi dưỡng, có tham-sân-si-mạn, có năm dục sáu trần. Có những thứ này thì trí tuệ Bát Nhã của bạn liền biến thành phiền não. Nếu như chúng ta đem những thứ này buông bỏ, vô sở trụ, sự có hay không? Sự không trở ngại, sự sự vô ngại, lý sự vô ngại, không có chướng ngại. Chướng ngại chính là đang vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ cần có những thứ này nó liền sanh ra chướng ngại, không có những thứ này thì không có chướng ngại. Chỉ cần bạn đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ, thì trí tuệ Bát Nhã vốn sẵn đầy đủ trong tự tánh thảy đều hiện tiền.

Trí tuệ này tác dụng thật không thể tưởng tượng, trong Phật pháp gọi là pháp giới hư không giới tất cả chúng sanh, quá khứ, hiện tại, vị lai, không có thứ nào mà bạn không thông đạt, không có thứ nào mà bạn không tường tận, vì sao vậy? Bản năng tự tánh chính là như vậy. Cho nên sau khi đại sư Huệ Năng vừa khai ngộ, ngài đưa ra báo cáo, ngài minh tâm kiến tánh rồi, kiến tánh là như thế nào? Ngài đem nó nói ra, ngài nói: “nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”. Câu đầu tiên liền nói, nào ngờ tự tánh, không hề nghĩ đến tự tánh vốn sẵn là thanh tịnh, chưa từng bị ô nhiễm bao giờ. Ở Phật Bồ-tát là thanh tịnh, ở chúng ta vẫn là thanh tịnh, ở muỗi kiến, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh cũng là thanh tịnh, chân tâm vĩnh viễn là thanh tịnh. Ngày nay chúng ta gọi là ô nhiễm, ô nhiễm là vọng tâm, không phải chân tâm. Vọng tâm là cái gì? Trong danh từ Phật học gọi là A-lại-da, chân tâm bị ô nhiễm thị gọi là A-lại-da. A-lại-da là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung văn gọi là tạng thức. Tạng, chính là tạng của Tam Tạng kinh trong Phật môn chúng ta, ý nghĩa chính là chứa. Thức là thức tâm, là giả không phải là chân tâm. Chân tâm biến thành thức, tác dụng của nó là gì? Tác dụng chính là hàm chứa, hàm chứa là ngày nay chúng ta gọi là ký ức, bạn có thể ghi nhớ lại, những việc quá khứ đều có thể ghi nhớ, cũng giống như kho tư liệu vậy, phòng lưu trữ hồ sơ, từ vô thỉ kiếp đến nay, bạn khởi tâm động niệm tất cả tạo tác, hết thảy nghiệp tập đều lưu lại trong đó, nó là kho lớn, đều chứa ở trong đó. Nếu bạn hiểu được cái đạo lý này, khởi tâm động niệm phải cẩn trọng chú ý, không luận là niệm thiện, niệm ác đều thâu tóm trong đó. Dữ liệu này đưa ra để cho bạn xem, bạn có mang đi cũng mang không nổi. Cho nên hiểu rõ cái đạo lý này, con người không nên khởi lên cái niệm ác, không thể nói trời biết, đất biết, bạn biết, tôi biết, không phải vậy, bạn có kho tư liệu, trong kho tư liệu của bạn rất hoàn chỉnh. Ai có thể lấy nó ra được vậy? Phật, Bồ-tát, A-la-hán đều có cái năng lực này, đều có thể đem ra được những tư liệu này của bạn, để bạn chính mình xem lấy. Loại công án này vào thời xưa có, đây là thật, không phải là giả.