/ 48
325

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 22

Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, tờ thứ năm, hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ câu sau cùng. Chúng ta đem kinh văn đọc qua mấy câu đối chiếu chỗ này: “Lương dĩ phi chân lưu chi hạnh, vô dĩ khế chân, hà hữu sức chân chi hạnh, bất tùng chân khởi”.

Đoạn kinh văn này là một đoạn nhỏ trong đoạn thứ hai. Đoạn thứ hai là nói “pháp giới viên minh tự tại dụng”, đó là nói khởi nguồn của sinh mạng. Cái sinh mạng này không phải nói người khác, là nói chính mình, cũng chính là nói ta từ nơi đâu đến, thiền tông có một câu nói “mặt mũi trước khi cha mẹ chưa sanh ra”, chúng ta trước khi cha mẹ chưa sanh mặt mũi sẵn có là thế nào? Đó là thuộc về “Hoàn Nguyên Quán”, đoạn thứ hai trong sáu đoạn lớn. Đoạn thứ nhất là nói bản thể, là nói tự tánh. Vào năm Thích Ca Mâu Ni Phật 30 tuổi, ngài ở dưới cội Bồ Đề đêm nhìn sao sáng, đại triệt đại ngộ, gọi là minh tâm kiến tánh. Tánh là cái gì? Ngài đã nói ra, ngài nói được rất tường tận, chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Ở Trung Quốc vào một ngàn ba bốn trăm năm trước, cũng có một vị Phật giáng sanh ở Trung Quốc, vì chúng ta làm thí nghiệm, chính là lục tổ đại sư Huệ Năng của Thiền Tông. Ngài 24 tuổi minh tâm kiến tánh, tánh là cái gì? Đại sư Huệ Năng nói ra năm câu rất đơn giản. Đại sư Huệ Năng không biết chữ, hiện tại chúng ta gọi là không có văn hoá, Thích Ca Mâu Ni Phật là người có văn hoá, ngài còn ra ngoài tham học 12 năm, thế nhưng đại sư Huệ Năng thì không có, không biết chữ, không hề có đi học, học Phật rồi cũng chưa nghe qua một ngày kinh, không cần phải nói một bộ, một ngày cũng chưa nghe, thỉnh thoảng từng đoạn đứt khoảng nghe người ta đọc Kinh Kim Cang, ngài vừa nghe thì thông hiểu. Ngài ở chỗ Hoà thượng Hoằng Nhẫn - ngũ tổ tám tháng. Các vị phải nên biết, tám tháng đó ngài ở trong nhà bếp giã gạo bửa củi, không hề bước vào giảng đường, cũng không hề bước vào thiền đường. Ngày sau cùng ngũ tổ truyền pháp, nửa đêm canh ba triệu kiến ngài vào trong phòng phương trượng, vào canh ba bước vào không có người biết, Hoà thượng Hoằng Nhẫn giảng cho ngài nghe đại ý Kinh Kim Cang, nhất định sẽ không có quyển kinh, vì sao vậy? Vì ngài không biết chữ, giảng đến “ưng vô sở trụ, nhi san kỳ tâm” thì ngài liền hoát nhiên đại ngộ, cũng là minh tâm kiến tánh.

Đại sư Huệ Năng kiến tánh cùng Thích Ca Mâu Ni Phật kiến tánh là cùng một cảnh giới, đều gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Thích Ca Mâu Ni Phật là dùng thân phận của Phật xuất hiện ở thế gian, đó chính là trong Phổ Môn Phẩm đã nói đáng dùng thân Phật để độ thì ngài liền hiện ra thân Phật để nói pháp. Đại sư Huệ Năng ở Trung Quốc, đó là đáng dùng thân Tỳ Kheo để độ thì ngài liền hiện ra thân Tỳ Kheo để nói pháp. Các vị không nên có cái nhìn khác biệt, đây là bình đẳng. Đại sư Huệ Năng nghe được Hoà thượng Hoằng Nhẫn giảng đến “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” thì ngài liền ngộ nhập, ngài cũng liền nói ra tâm đắc, ngài nói rất đơn giản, nói ra năm câu. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói một bộ Kinh Hoa Nghiêm, năm câu nói này nội dung hoàn toàn giống với Kinh Hoa Nghiêm. Năm câu nói không ít, Kinh Hoa Nghiêm không nhiều, năm câu nói này triển khai ra chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm rút gọn lại chính là năm câu nói này. Chỗ này chúng ta phải ghi nhớ. Nếu người ta hỏi bạn, Kinh Hoa Nghiêm nhiều đến như vậy là giảng nói cái gì? Bạn liền đem năm câu nói của Đại sư Huệ Năng nói ra thì không sai. Câu thứ nhất, bạn xem, “nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”, câu thứ hai “nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”, câu thứ ba chính là “vốn tự đầy đủ”, câu thứ tư là “vốn không dao động”, câu thứ năm là “năng sanh vạn pháp”. Bạn xem, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, một chút lôi thôi cũng không có, rất là thích hợp với khẩu vị của người Trung Quốc.

Người Trung Quốc thì sợ phiền phức, không luận là ngôn ngữ, không luận là văn tự, bạn xem từ xưa đến nay, bốn điều kiện yêu cầu gọi là “giản yếu tường minh”, ngôn ngữ có thể làm được bốn cái chữ này là ngôn ngữ số một, văn chương viết được phù hợp cái tiêu chuẩn này là văn chương đệ nhất. Giản là đơn giản, Yếu là thiết yếu, Tường là tỉ mỉ, Minh là rõ ràng, bạn xem thấy phải đơn giản, phải thiết yếu, lại phải tỉ mỉ, lại phải rõ ràng, “Giản Yếu Tường Minh”. Khi Huệ Năng khai ngộ nói ra năm câu nói này thật gọi là “giản yếu tường minh”. Người Ấn Độ không như vậy, người Ấn Độ thích lôi thôi, ưa thích tường tận rõ ràng, giảng giải một cách tỉ mỉ, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật giảng cho họ một bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, nội dung chính là năm câu nói mà đại sư Huệ Năng đã nói. Có thể nói năm câu nói này là tổng cương lĩnh của Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm là nói tỉ mỉ cho năm câu nói này.

/ 48