TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 23
Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!
Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, tờ thứ năm, đếm xuống hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu sau cùng. Chúng ta đem kinh văn đọc qua một đoạn đối chiếu chỗ này: “Hoa Nghiêm Kinh Vân, nghiêm tịnh bất khả tư nghì sát, cúng dường nhất thiết chư NhưLai, phóng đại quang minh vô hữu biên, độ thoát chúng sanh diệc vô hạn, thí giới nhẫn tấn cập thiền định, trí tuệ phương tiện thần thông đẳng, như thị nhất thiết giai tự tại, dĩ Phật Hoa Nghiêm Tam muội lực”.
Đây là đoạn kinh văn sau cùng của đoạn nhỏ. Phía trước đã nói là “pháp giới viên minh tự tại dụng”, đoạn này là nói chánh báo. Tự tánh một niệm bất giác nó liền hiện tướng. Phía trước đoạn thứ nhất nói cho chúng ta nghe hiện y báo, đó là danh từ của Phật học, dùng lời hiện tại mà nói chính là hiện vũ trụ, vũ trụ xuất hiện. Các vị phải nên biết, vũ trụ cùng chính chúng ta đều không phải là thật, đều là giả, đều là từ trong tự tánh, là do một niệm bất giác, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói chính là sóng động cực kỳ vi tế, khi vừa động nó liền hiện tướng. Khi không hiện tướng thì trong tự tánh, như Đại sư Huệ Năng nói là “vốn sẵn đầy đủ”, đó là khi không hiện tướng, khi hiện tướng thì “năng sanh vạn pháp”. Vũ trụ từ đâu mà đến? Thế giới từ đâu mà có? Vạn pháp từ đâu mà có? Phía trước chúng ta đều đã học qua rồi.
Cái đoạn này là chánh báo, chánh báo là nói chính chúng ta, ta từ đâu mà đến. ở Thiền tông Trung Quốc, ngày trước các vị thường hay nghe đến trong tông môn gọi là “mặt mũi sẵn có trước khi cha mẹ chưa sanh ra” là thế nào? Mặt mũi sẵn có là tự tánh, bất giác thì liền khởi động, chúng ta gọi là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm thì ta cùng cả thảy vũ trụ đồng thời xuất hiện, y báo chánh báo đồng thời xuất hiện, chỗ này trong Phật pháp gọi là duyên khởi của vũ trụ vạn pháp, nói được rất là hay. Nếu như cái sóng động này dừng rồi, vũ trụ cùng ta không còn nữa, cho nên nó là giả. Phía trước đã nói qua tường tận với các vị, cái hiện tướng này là tướng tiếp nối tướng gần giống nhau, rất giống trong phòng chiếu phim hiện tại chúng ta. Hiện tại đại khái không dùng phương thức cũ, phương thức cũ của điện ảnh là phim nhựa, cuộn phim, dùng phim nhựa thì rất dễ dàng thấy được, nó là từng tấm từng tấm, một tấm là một bức ảnh, một giây có 24 lần sanh diệt, chúng ta thấy hình ảnh trên màn bạc thì cho đó là thật, rất giống như thật, làm sao biết được nó là từng tấm không như nhau. Tấm phía trước cùng tấm phía sau hoàn toàn không hề giống nhau, nó là hai cái, không có tấm nào là hoàn toàn như nhau, nó gần giống, cho nên tướng tiếp nối tướng, gần như nhau. Vũ trụ hiện tiền chúng ta cùng vạn vật chúng sanh và thân mạng của chúng ta cũng giống y như tướng tiếp nối tướng trong phim ảnh vậy, tốc độ còn nhanh hơn, nhanh đến trình độ nào vậy? Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, cũng chính là 320 triệu. Nếu như dùng giây để tính, vậy một giây chúng ta có thể khảy bốn lần, lại nhân cho bốn, chính là 1280 triệu phần của giây, tốc độ như vậy đang xuất hiện. Mỗi một niệm “niệm niệm thành hình, hình đều có thức”. Niệm niệm thành hình là y báo, chính là vũ trụ vạn vật, hình giai hữu thức chính là chánh báo, kiến văn giác tri, thọ, tưởng, hành, thức, y chánh trang nghiêm tốc độ quá nhanh, thông thường chúng ta gọi là khoảng sát na. Trên thực tế sát na rất không dễ gì thể hội, chúng ta từ trước đến giờ chưa từng nghĩ đến khoảng sát na tốc độ đã là 1280 triệu của một giây. Đó là đem thật tướng các pháp nói ra cho chúng ta nghe. Trong phần tổng kết đại sư nói với chúng ta: “chân cai vọng mạt, hành vô bất tu, vọng triệt chân nguyên, tướng vô bất tịch”, dùng cái này để làm tổng kết. Chúng ta dùng thuật ngữ thông thường để nói các vị dễ dàng thể hội, bốn câu này của ngài trên thực tế chính là nói với chúng ta “chân vọng không hai, chân vọng là một”, đặc biệt ở trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán để cho chúng ta sâu sắc thể hội được cảnh giới này.
Sau cùng đại sư vận dụng mấy câu kệ trong kinh Hoa Nghiêm. Trên kinh Hoa Nghiêm nói, “Nghiêm tịnh bất tư nghì sát”. “Sát” là cõi Phật, sát này là chỉ cái gì? Chỗ này chỉ cõi Thật Báo Trang Nghiêm của tất cả chư Phật, là chỉ cõi này, mở rộng ra đó là bao gồm mười pháp giới của tất cả Chư Phật Như Lai, hiện tại thông thường chúng ta gọi là mười pháp giới của thế giới Ta Bà chúng ta. Ở trên Kinh Hoa Nghiêm nói thì không phải một thế giới, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật đều là một niệm bất giác, chính là khởi tâm động niệm biến hiện ra, không có trước sau, việc này nhất định phải nên biết, không có rộng hẹp, cho nên chân thật gọi là không thể nghĩ bàn. Cái không thể nghĩ bàn này chính là không có trước sau. Không có trước sau thì là không có thời gian, không có rộng hẹp thì là không có không gian, thời gian không gian đều không tồn tại, đều không phải là thật, thế nhưng ta xuất hiện rồi, cho dù là ta đang giác hay đang mê. Nếu như đang giác thì chúng ta gọi họ là Chư Phật Như Lai, nếu như đang mê thì chúng ta gọi họ là Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên giác hoặc giả là sáu cõi chúng sanh, không luận ở bất cứ vị trí nào họ nhất định phải làm như vậy, trang nghiêm thanh tịnh cõi nước Phật, vì sao vậy? Tánh đức tự nhiên sẽ lưu xuất ra, tự nhiên lưu lộ, cho nên Phật pháp thường gọi pháp vốn như vậy, pháp tự nhiên nó chính là như vậy, là tánh đức lưu lộ ra. Tánh đức phía sau chúng ta còn phải nói đến, có bốn loại đại đức đại năng: “tuỳ duyên diệu dụng, oai nghi hữu tắc, nhu hoà chất trực, thay chúng sanh khổ”, đó là bốn tánh đức của tự tánh, cho nên nó nhất định là trang nghiêm Tịnh Độ, hơn nữa thế nào vậy? “Cúng dường Như Lai”, chỗ này nói cúng dường Như Lai. “Như Lai” này là nghĩa rộng, vì sao vậy? Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, có thứ nào không phải là Như Lai? Trong đây có Như Lai giác ngộ, có Như Lai Vọng Tận Hoàn Nguyên, vẫn có vọng chưa tận, vẫn chưa thể hoàn nguyên, đó chính là chúng sanh trong mười pháp giới.