TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 14
Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!
Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hòan Nguyên Quán, tờ thứ tư, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ thứ hai: Nhị “Tự hạ y thể khởi nhị dụng giả, vị y tiền tịnh thể khởi ư nhị dụng. Nhất giả hải ấn sâm la thường trụ dụng, ngôn hải ấn giả, chân như bổn giác dã, vọng tận tâm trừng, vạn tượng tề hiện, du như đại hải nhân phong khởi lãng, nhược phong chỉ tức hải thuỷ trừng thanh vô tượng bất hiện”.
Phía trước chúng ta học qua đoạn thứ nhất “hiển nhất thể”. Cái nhất thể này chính là Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể. Tánh thể của tự tánh là thật, ngoài chỗ này ra đều không phải là thật. Trong Phật pháp nói thật nói giả, tiêu chuẩn của nó rất rõ ràng, rất tường tận. Vĩnh hằng bất biến, bất sanh bất diệt đó là thật. Có sanh có diệt, biến hoá vô thường, đó chẳng phải là thật, chính là giả. Trong thể phía trước chúng ta đã nói qua, nó không phải tinh thần, cũng không phải là vật chất, thế nhưng hiện tượng tinh thần cùng hiện tượng vật chất đều là từ nó biến hiện ra. Hiện tại khoa học gia cũng đã chứng thật điểm này. Khoa học gia cận đại nói với chúng ta, hiện tượng vật chất, vật chất không phải là thật, vật chất từ đâu mà có? Từ không sanh có. Cái phát hiện này rất gần với trên Phật kinh đã nói. Nó làm sao mà sanh? Nguyên nhân nào sanh ra? Ở trên kinh Phật nói với chúng ta, ngay chỗ này “y thể”, thể là không; “khởi nhị dụng”, nhị dụng chính là y báo cùng chánh báo.
Y báo là chúng ta dựa vào hoàn cảnh sinh tồn. Từ cái nhỏ nhất mà nói, chúng ta mặc trên người một bộ quần áo, đó là y báo của chúng ta. Mở rộng ra bên ngoài, chúng ta có y báo của nhân sự. Chỗ này các vị phải biết cho rõ ràng, nói đến chánh báo là nói chính mình, ngoài chính mình ra đều là y báo của chúng ta, y báo cũng chính là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, ngoài tự thân ra thảy đều là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta. Trong hoàn cảnh sinh hoạt có hoàn cảnh nhân sự, thân thiết nhất là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, đều là hoàn cảnh nhân sự trong y báo của chúng ta. Nếu mở rộng ra nữa, mở rộng ra cả nhân loại, thậm chí mở rộng bao gồm tất cả động vật, đều là hoàn cảnh nhân sự của chúng ta. Ngoài cái này ra, trong hoàn cảnh sinh hoạt y báo của chúng ta, có thực vật, hoa cỏ cây cối, có khoáng vật, sơn hà đại địa, lại mở rộng đến các vì sao, hệ tinh cầu, ở trong vũ trụ vô lượng vô biên, bao gồm cả thời gian cùng không gian đều là hoàn cảnh y báo của chúng ta. Y báo từ nơi đâu mà có? Trong đoạn văn này muốn nói với chúng ta nguồn gốc của y báo, cũng chính là nguồn gốc của vũ trụ. Chúng ta phải ghi nhớ, Phật ở trong đại kinh nói với chúng ta, y báo chánh báo này, y báo chủ yếu nói hoàn cảnh vật chất, chánh báo nói hoàn cảnh tinh thần, từ nơi đâu mà có? “Một niệm bất giác mà có vô minh”, chính từ một niệm bất giác mà biến hiện ra. Niệm chính là khởi tâm động niệm, cho nên trong đại thừa giáo thường nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Cái tất cả pháp này chính là y báo cùng chánh báo, trong đó không có số lượng. Trong Phật pháp dùng hình để nói, vô lượng vô biên, vô số vô tận, cái ý này đến phần sau đoạn thứ ba có nói rõ tỉ mỉ hơn.
Một niệm bất giác này thật không dễ hiểu, phía trước chúng ta đã từng nói qua, Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể không sanh không diệt, cho nên ở trong tất cả đại thừa giáo, trong cả thảy vũ trụ nó là bản thể, nó không có sanh diệt, cho nên nó không có sanh nhân, “phi sanh nhân chi sở sanh”. Nếu như trí tuệ Bát Nhã tự tánh hiện tiền, chúng ta có thể hiểu rõ được nó, nó liền chứng minh được bạn có thể chứng được cảnh giới của tự tánh. Trong cảnh giới của tự tánh không có danh từ, cũng không có hình tướng, trí tuệ có thể chứng được, nó đích thực là tồn tại, chỉ riêng nó không sanh không diệt, giống như Đại sư Huệ Năng đã nói, ngày nay chúng ta gọi là “khởi nhị dụng”, chính là câu nói sau cùng của Đại sư Huệ Năng: “năng sanh vạn pháp”. Khi không khởi tâm động niệm thì vạn pháp không sanh, vạn pháp không có. Vạn pháp không có nhưng cũng không thể nói nó không, cho nên nhà Phật gọi là ẩn hiện. Phía trước đã nói phiền não che thì ẩn, trí tuệ hiển lộ thì hiện, cái ẩn hiện này là đệ nhị nghĩa, không phải là đệ nhất nghĩa. Cái ý này rất sâu rất rộng, khi chưa khởi tác dụng, chính là Đại sư Huệ Năng đã nói ở câu thứ ba: “nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Đầy đủ cái gì? Đầy đủ y chánh trang nghiêm, thế nhưng nó không hiển. Hiển là do nguyên nhân gì? Chính là khởi lên một niệm. Một niệm này, thành thật mà nói, chúng ta cũng không hiểu. Chúng ta nghe câu nói này rồi hoặc giả xem thấy hai chữ “nhất niệm” này luôn là nghĩ đến chúng ta đã khởi lên ý niệm, có phải giải thích như vậy không? Không phải giải thích như vậy. Chúng ta khởi lên ý niệm, hiện tướng của ý niệm này quá thô. Phật nói cái niệm này, “một niệm bất giác”, một niệm này thì cực kỳ vi tế. Khoa học gia hiện tại nói, cái hiện tượng này vì sao mà có? Cách nói mới là hiện tượng sóng động, chỗ này nói được rất tương ưng với kinh Phật. Cái sóng động này là sóng động rất vi tế, chúng ta có thể phát hiện được không? Không thể! Tâm của ta quá thô, loại vi tế này không thể quan sát được, phải có thiền định rất sâu.