/ 48
459

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 15

Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, tờ thứ tư, hàng thứ năm, chúng ta vẫn là từ hàng thứ hai, đọc lại từ đầu: nhị: “Tự hạ y thể nhị dụng giả”. “Nhất giả hải ấn sum la thường trụ dụng, ngôn hải ấn giả, chân như bổn giác giả, vọng tận tâm trừng, vạn tượng tề hiện”.

Chúng ta chỉ đọc đến chỗ này, trong đây có danh từ thuật ngữ rất quan trọng, chúng ta cũng không thể không đơn giản giới thiệu qua một chút. Cái gì gọi là hải ấn? Trong đoạn này giảng cho chúng ta đến hải ấn Tam Muội. Trong Đại Từ Điển Đinh Phúc Bảo nói với chúng ta: “Phật sở đắc chi Tam Muội danh”, đây là hải ấn Tam muội, là Phật đã chứng được. Phật ở ngay chỗ này, đồng tu học Hoa Nghiêm chúng ta đều biết, chỉ cần vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ba loại phiền não tập khí này đoạn rồi, chính là thành Phật mà trong đại thừa giáo đã nói. Vậy thì lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì hải ấn Tam muội liền hiện tiền, cho nên ông nói Phật đã được Tam muội.

Tam muội cũng là danh từ Phật học, từ âm tiếng Phạn dịch ra, ý nghĩa chính là chánh thọ. Bạn xem, A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề, tam dịch là chánh, muội dịch là thọ. Thọ là hưởng thọ, hưởng thọ bình thường. Phật nói với chúng ta, hưởng thụ của phàm phu trong sáu cõi cũng không ngoài năm loại, cũng có thể nói năm loại lớn, gọi là năm thọ. Năm thọ này là không bình thường, không phải là chánh thọ. Năm loại lớn này, nó nói thân, cái thân thể này của chúng ta có cảm thọ khổ vui, trong hai loại lớn này thảy đều bao gồm trong đó, không phải thọ khổ thì chính là thọ vui. Trên tinh thần là nói tâm, tâm có vui buồn, có ưa thích, có sầu muộn, không luận bạn có bao nhiêu cảnh giới hiện tiền, quy nạp lại cũng không ngoài khổ vui buồn lo. Cũng có trong thời gian ngắn khổ vui buồn lo đều không có, thân cũng không có khổ vui gì, tâm cũng không có vui buồn gì, loại thọ này gọi là xả thọ. Xả thọ là rất tốt, thế nhưng nó không phải thật đã xả, nó lại sẽ khởi lên, thời gian xả được rất ngắn, sáu căn vừa tiếp xúc cùng cảnh giới sáu trần khổ vui buồn lo liền lại xuất hiện, cho nên có xả thọ ngắn ngủi đến như vậy. Nếu như vĩnh viễn giữ được xả thọ, thân không có khổ vui, tâm không có buồn lo, đó gọi là Tam muội. Do đây có thể biết Tam muội là vĩnh hằng, sau khi được thì sẽ không bị mất đi. Khi được rồi mà còn bị mất đi gọi là xả thọ, đó là trong sáu cõi. Cho nên từ A-la-hán trở lên chính là siêu việt ba cõi, từ A-la-hán trở lên liền có Tam Muội. Các ngài có được rồi thì sẽ không thoái chuyển, sẽ không bị mất đi, vậy nên cái Phật được đó là cứu cánh viên mãn. Bởi vì cái A-la-hán được chỉ là họ đem kiến tư phiền não xả đi, trần sa phiền não họ chưa đoạn, vô minh phiền não cũng chưa đoạn, ba loại phiền não lớn này họ chỉ xả có một loại. Thế nhưng một loại thì được chánh thọ phần ít, cho nên họ được là vị bất thoái, hành niệm của họ vẫn là có tiến có lùi, thế nhưng vị thứ thì nhất định không thoái, tuyệt đối sẽ không lùi sụt đến sáu cõi luân hồi, thế nên họ ở trong pháp giới bốn thánh tu hành là không ngừng hướng lên trên cao, họ không thể bị thoái chuyển. Đó là ý nghĩa của Tam muội.

Cái mà Phật có được trong Hoa Nghiêm chúng ta đã nói qua, viên giáo sơ trụ thì có được rồi, cho nên viên giáo sơ trụ chân thật thành Phật. Tại vì sao vẫn nói họ chưa thành Phật mà vẫn gọi họ là pháp thân Bồ-tát? Bởi vì tập khí vô thỉ vô minh chưa đoạn. Tập khí đoạn rồi thì liền gọi họ là Phật quả cứu cánh viên mãn. Phật quả cứu cánh viên mãn cùng sơ trụ Bồ-tát, chúng ta có thể nói có được Tam muội tên gọi như nhau, đều là Hải Ấn Tam muội, một người là được Hải Ấn Tam Muội không có tập khí, một người là được Hải Ấn Tam muội vẫn còn tập khí vô thỉ vô minh đang tồn tại, từ tập khí sâu cạn sơ chứng Hải Ấn Tam Muội. Tập khí vẫn rất sâu, cho nên đó là vị thập trụ. Vậy khi hướng lên trên thập hạnh thì nhạt đi rất nhiều, đến thập hồi hướng, thập địa, càng hướng lên trên thì tập khí càng ít đi, đến Đẳng giác thì vẫn còn có một phần tập khí. Sau khi đoạn phần tập khí đó rồi, đó chính là Phật quả cứu cánh viên mãn. Thế nhưng bạn phải nên biết, vô thỉ vô minh chính là không khởi tâm không động niệm, Bồ tát sơ trụ không khởi tâm không động niệm. Các vị thử nghĩ xem, không khởi tâm không động niệm, đó là pháp bình đẳng, cho nên có thể từ trên lý mà nói, từ trên sự mà nói, Bồ-tát sơ trụ họ cùng với Phật quả cứu cánh đều là bình đẳng. Cho nên Lục Tức Phật của Đại sư Thiên Thai xưng 41 vị pháp thân đại sĩ gọi là “phần chứng tức Phật”, họ là Phật thật, họ không phải là Phật giả, không giống như Phật của mười pháp giới. Phật của mười pháp giới là “tương tợ tức Phật”. Tương tợ là dường như là Phật nhưng họ không phải là Phật thật. Vì sao vậy? Vô thỉ vô minh chưa đoạn, cũng chính là nói họ đoạn phân biệt, chấp trước rồi, tập khí phân biệt, chấp trước cũng đoạn rồi, thế nhưng họ còn khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm chính là vô thỉ vô minh, cho nên họ rất giống Phật, họ không phải là Phật thật. Không khởi tâm không động niệm đó là Phật thật. Thiền tông Trung Quốc chúng ta thường nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Bồ-tát viên giáo sơ trụ liền kiến tánh, liền thành Phật. Những lý sự này chúng ta đều phải rất rõ ràng, rất tường tận.

/ 48