/ 48
888

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 13

Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hòan Nguyên Quán, tờ thứ tư, hàng thứ hai: “Duy liễu nhân chi sở liễu”. Câu nói này vẫn chưa giảng xong, chúng ta tiếp tục nói qua Tam Nhân Phật Tánh.

“Chánh nhân Phật tánh” đã giới thiệu qua rồi. Chánh nhân Phật tánh là “ly nhất thiết tà phi chi trung chánh chân như dã”, hay nói cách khác, nó là nhân của pháp thân, cho nên tiếp theo ngài nói “y chi thành tựu pháp thân chi quả đức cố danh chánh nhân Phật tánh”. Vậy thì chứng được pháp thân chính là Phật quả, thông thường chúng ta gọi là thành Phật, thế nên ở trong kinh Hoa Nghiêm lúc nào thì chứng được pháp thân? Tôi nghĩ rất nhiều đồng tu đều đã từng nghe quá quen tai, nghe nhiều rồi đều biết, trong nhà Phật thường nói “phá một phẩm vô minh, chứng được một phần pháp thân”, vậy phá một phẩm vô minh là vào lúc nào vậy? Lúc được viên giáo sơ trụ thì cái phẩm vô minh này liền phá. Vậy vô minh có bao nhiêu phẩm? Chiếu theo kinh Hoa Nghiêm đã nói, 41 vị pháp thân đại sĩ phá một phẩm vô minh, chứng được một phần pháp thân, phá hai phẩm vô minh, chứng được hai phần pháp thân, kỳ thật hàm nghĩa chân thật trong đó chúng ta cần phải hiểu được.

Vô minh là gì? Hiện tại chúng ta đã học nhiều năm đến như vậy, cũng luôn xem có ấn tượng cụ thể. Vô minh là khởi tâm động niệm, không khởi tâm không động niệm thì vô minh không còn. Không khởi tâm không động niệm, cái này gọi là phá căn bản vô minh chứng pháp thân, đây gọi là chánh nhân Phật tánh. Phía sau 40 phẩm vô minh rốt cuộc là có hay không có? Nếu như nói là có, chúng ta có thể thể hội được, khởi tâm động niệm đều không còn thì còn có vô minh gì nữa? Khởi tâm động niệm không còn nữa thì họ vào được pháp giới bình đẳng, không có cao thấp, cho nên vấn đề này làm cho người mới học chúng ta luôn là có sự hoài nghi, vô minh làm sao phải đoạn từng phẩm từng phẩm? Làm gì có nhiều phẩm vậy? Phân biệt chấp trước từng phẩm từng phẩm mà đoạn, khởi tâm động niệm vừa đoạn chẳng phải là tất cả đều đoạn rồi hay sao? Vì sao còn có thể đoạn chứ? Đại sư Thanh Lương ở trong  kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta, 41 phẩm này là nói vô minh tập khí, chúng ta liền hiểu rõ, vô minh tuy là đoạn rồi, tập khí chưa đoạn, tập khí sâu mỏng không đồng nhau, cho nên Phật nói 41 phẩm cấp.

Tập khí không dễ hiểu, cái gì gọi là tập khí? Đại đức xưa dùng bình rượu, bình rượu đựng rượu, rượu thì thí dụ cho vô minh, khi rượu đỗ hết rồi, bình rượu chà sạch trơn, đích thực là một giọt rượu cũng không còn, thế nhưng ngửi vào trong cái bình đó thì vẫn còn mùi vị của rượu. Đem cái này thí dụ là tập khí, vậy thì chúng ta liền hiểu rõ, vô minh đoạn rồi thì liền thành Phật, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Bồ-tát sơ trụ thật đã thành Phật, vô thỉ vô minh họ đã đoạn rồi, thế nhưng có tập khí. Tập khí không cách gì đoạn, nếu như có biện pháp, các vị nghĩ xem, vậy thì lại khởi tâm động niệm rồi. Khởi tâm động niệm thì vô minh hiện tiền. Vô minh đoạn dứt rồi, vậy làm sao có thể tái hiện tiền? Tái hiện tiền chẳng phải lại đọa lạc rồi sao? Có khởi tâm động niệm liền rơi vào trong mười pháp giới, không khởi tâm không động niệm thì không còn mười pháp giới. Mười pháp giới không còn hiện ra là cảnh giới gì? Trong kinh đại thừa nói với chúng ta là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, chúng ta gọi là bốn độ. Từ bên trên mà nói, thứ nhất là cõi Thường Tịch Quang, thứ hai là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, thứ ba là cõi Phương Tiện Hữu Dư, thứ tư là cõi Phàm Thánh Đồng Cư.

Hiện tại chúng ta rất rõ ràng,  Thường Tịch Quang Tịnh Độ chính là Phật tánh, chính là pháp tánh. Trên bộ kinh này của chúng ta ở cái đoạn này nói “Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể”, đó là Thường Tịch Quang. Có tập khí của khởi tâm động niệm, Thường Tịch Quang liền biến thành cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm có hiện tượng vật chất, có hiện tượng tinh thần, thế nhưng trong Thường Tịch Quang không có, việc này các vị phải nên biết. Trong Thường Tịch Quang không có hiện tượng vật chất, cũng không có hiện tượng tinh thần, một mảng quang minh cho nên gọi là Đại Quang Minh Tạng. Phía trước của câu này nói “phi sanh nhân chi sở sanh”, tất cả vạn pháp đều có sanh nhân, chỉ riêng Thường Tịch Quang không có sanh nhân, chính là tự tánh không có sanh nhân, không có khởi nguồn. Có khởi nguồn thì có chỗ cùng, cho nên nó đích thực là bất sanh bất diệt. Thích Ca Mâu Ni Phật minh tâm kiến tánh liền đem việc này nói với chúng ta.

/ 48