/ 48
545

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 8

Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu! Xin mời ngồi.

Mời xem Vọng Tận Hòan Nguyên Quán, đoạn thứ nhất trong bổn văn. Trước tiên chúng ta đem đoạn văn này đọc qua một lần.

Kinh văn: “Nhất hiển nhất thể giả, vị tự tánh thanh tịnh viên minh thể nhiên thử tức thị Như Lai tạng trung pháp tánh chi thể, từ bổn dĩ lai tánh tự mãn túc, xứ nhiễm bất cấu, tu trị bất tịnh, cố vân tự tánh thanh tịnh”.

Trước tiên chúng ta học đoạn này. Đoạn này trước tiên nói đến cho chúng ta nghe “Như Lai Tạng”. Cái gì là Như Lai tạng? Trước tiên chúng ta đơn giản giới thiệu qua một chút, đây là một danh từ chuyên của Phật giáo đại thừa. Gọi Như Lai tạng là nói chân như ở trong phiền não. Chân như ra khỏi phiền não, rời khỏi phiền não gọi là pháp thân, cũng chính là nói nó mang theo phiền não thì gọi là Như Lai tạng. Như Lai là gì vậy? Chính là trong đoạn văn này đã nói “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”, đó chính là chân như bổn tánh. Mục đích học Phật là gì? Chỗ này chúng ta không thể nào không rõ ràng, mục đích học Phật không phải là thăng quan phát tài, cũng không phải cầu khoẻ mạnh sống lâu, mà là cầu minh tâm kiến tánh. Kiến tánh chính là kiến tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Nếu như là thấy tánh rồi, con người này chúng ta liền gọi họ là Phật, họ liền thành Phật. Đây là một việc lớn.

Cái gì gọi là tánh? Đây là việc mà trước tiên chúng ta phải làm cho rõ ràng, cho tường tận. Ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật ở Ấn Độ vì chúng ta thị hiện kiến tánh, chúng ta xem thấy trong kinh giáo thường nói Thế Tôn ngài đêm nhìn sao sáng bỗng nhiên khai ngộ, đó chính là nói ngài đã kiến tánh. Tánh là thế nào vậy? Quốc sư Hiền Thủ căn cứ trên kinh Hoa Nghiêm đã nói, chính là câu nói này: “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Cái thể này chính là trong triết học đã nói là bản thể của vũ trụ vạn hữu. Vũ trụ vạn sự vạn vật từ nơi đâu mà có? Luôn có được cái gốc, vạn sự vạn vật đều là từ nơi đó mà sanh ra. Cái xuất sanh này, cái năng sanh này, bản thể của nó ở trong Phật pháp gọi là tự tánh. Tự tánh không phải là vật chất, cũng không phải là tinh thần, hay nói cách khác, nó không có hiện tượng vật chất, cũng không có hiện tượng tinh thần, thế nhưng nó nơi nào cũng có, lúc nào cũng có, ngay đến thời gian cùng không gian cũng là từ nó mà sanh ra, không có nó thì thời gian cùng không gian cũng không còn. Trên thực tế thời gian không gian không phải là thật, hiện tại khoa học gia cũng vừa phát hiện, việc này chúng ta không thể không bội phục. Nếu như không có thời gian thì không có trước sau, khi không có không gian thì không có xa gần, đó mới gọi là chân tướng sự thật. Đây là trước tiên nói ra cội gốc bản thể năng hiện vũ trụ năng sanh vạn vật. Cái thể này là một, là một thể, chính là cả thảy vũ trụ, tất cả chúng sanh toàn là từ nó sinh. Sự việc này phải làm cho rõ ràng, cho tường tận thì mới biết được quan hệ người với người, quan hệ người với đại tự nhiên, người quan hệ với cả vũ trụ, cái quan hệ này chính là luân lý của người Trung Quốc đã nói. Luân lý là nói quan hệ, cái quan hệ này bạn thảy đều tường tận. Là quan hệ gì vậy? Vốn là một thể, nếu như chúng ta nói một nhà, nó còn thân thiết hơn một nhà nữa, bởi vì nó là một thể, cho nên quan hệ đôi bên rất mật thiết. Chúng ta mê mất đi tự tánh, không biết được nguồn gốc của vũ trụ là gì, khởi nguồn của sinh mạng là gì, đều không biết, cho nên mê rồi. Sau khi mê rồi thì không nhận rõ được cái quan hệ này, cũng có thể nói là nhận biết sai lầm, nhận biết sai lệch, cho nên sanh ra rất nhiều những tư lự kiến giải trái ngược với sự thật, ở trong Phật pháp thảy đều gọi là tà tri tà kiến, tri kiến bất chánh, chính là cách nghĩ cách nhìn của mình sai lầm, cho nên cách làm của chúng ta sanh ra sai lầm. Sau khi vừa sai lầm thì liền bóp méo đi chân tướng sự thật. Mức độ của sự sai lệch đó không đồng nhau, đây chính là mười pháp giới mà trên kinh đã nói. Trong mười pháp giới có pháp giới Phật, pháp giới Bồ-tát, mức độ thay đổi cõi này không lớn. Nếu nói pháp giới ngạ quỷ, pháp giới súc sanh, pháp giới địa ngục, thì mức độ sai lệch cõi này quá lớn. Không luận mức độ sai lệch này bao lớn, bản thể của nó vốn dĩ chưa hề thay đổi. Cái bản thể này chúng ta gọi nó là Như Lai Tạng, cũng chính là chân như, chân như bổn tánh. Vì sao có thể sanh ra những thế giới này? Phía sau cần phải thảo luận cái vấn đề này.

/ 48