/ 48
650

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 7

Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu! xin mời ngồi.

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, đoạn thứ sáu cũng là đoạn sau cùng: “khởi lục quán”. “Quán” chính là nhìn thấu. Phía trước giảng ngũ chỉ, “y Chỉ tu Quán”. Đại đức xưa nói với chúng ta, vì sao phải tu chỉ? Đối trị tâm phàm phu tham đắm thế gian, không chịu buông bỏ, thì không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi. Sáu cõi luân hồi chính là nói thế gian, thực tế mà nói, sáu cõi là quá khổ. Sáu cõi từ nơi đâu mà có? Chính là từ chấp trước mà ra. Chúng ta có thể buông bỏ chấp trước thì không có sáu cõi. Tại vì sao chúng ta không thể buông bỏ được? Không biết được chân tướng sự thật, cho rằng cái thấy trước mắt, cái nghe được, cái tiếp xúc được đều là chân thật, không biết được nó là hư huyễn không thật. Cho nên sáu cõi đối với chúng ta mà nói, chúng ta ở trong cảnh giới hư huyễn này đã tạo thành sự cố chấp quá sâu, người không học Phật đương nhiên họ không thể tiếp nhận. Chúng ta học Phật đã học mấy mươi năm rồi, có thể tiếp nhận hay không? Không dám nói không thể tiếp nhận, vì sao vậy? Là vì Phật nói, ở trên kinh Kim Cang Phật nói Như Lai là ngũ ngữ giả:

  • Chân ngữ. Lời nói của ngài là chân thật, không hề giả dối.
  • Thật ngữ.
  • Như ngữ. Như là hoàn toàn tương ưng với chân tướng sự thật.
  • Bất dị ngữ.
  • Bất cuồng ngữ.

Cho nên chúng ta tin tưởng lời Phật nói là chân thật. Lời Phật nói là thật, tuy nhiên không phải cảnh giới của chúng ta, chúng ta vẫn cho rằng cảnh giới này là thật, do đó Phật đã hết lời khuyên bảo chúng ta buông bỏ, chúng ta vẫn cứ không chịu buông bỏ, đó là chân tướng sự thật trước mắt. Có mấy người chịu buông bỏ? Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, rõ ràng nhất chúng ta chỉ xem thấy được có một người, là đại sư Huệ Năng tổ thứ sáu của Thiền tông, Ngài buông bỏ. Buông bỏ thì thành Phật. Buông bỏ không chỉ không có sáu cõi, mà mười pháp giới cũng không còn. Tuy là không có, thế nhưng đại sư Huệ Năng vẫn cứ trụ thế hơn 70 năm, việc này nói rõ cái thế gian này đang tồn tại, dường như không phải giả. Sự việc này luôn khiến cho chúng ta mê hoặc. Thế nên đại sư Huệ Năng sau khi khai ngộ, chúng ta muốn hỏi, cái  thế giới trước mắt này là thật hay là giả? Trong đại thừa giáo Phật nói cho chúng ta nghe rất nhiều, không thể nói là thật, cũng không thể nói nó là giả, vì sao vậy? Tướng có, tánh không, sự có, lý không. Chỗ này rất khó hiểu.

Như hiện tại chúng ta xem màn hình tivi vậy, hình ảnh trong màn hình, bạn nói nó có hay là không có? Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát từ chỗ này, vì sao vậy? Vì đó là cảnh giới tương tợ, là một thí dụ rất hay. Nếu như  bạn nói nó là thật, chúng ta tắt kênh đó đi thì âm thanh hình ảnh liền không có, cho nên bạn không thể nói nó có. Nếu như bạn nói nó không có, bạn mở kênh đó ra, âm thanh, hình ảnh lập tức hiện tiền. Hoàn cảnh sự thật cũng giống như màn hình vậy, màn hình chúng ta thí dụ nó là pháp tánh, đầy đủ tất cả pháp, năng sanh tất cả pháp, khi nó không hiện tướng thì bạn không thể nói nó không có, bạn vừa mở kênh ra thì liền có, cho nên nó đầy đủ tất cả pháp. Thí dụ tivi có thể thâu nhận được mấy chục kênh đài, mấy trăm kênh đài. Ở trong Phật pháp nói tự tánh của chúng ta có bao nhiêu kênh đài? Không có hạn lượng, vô lượng vô biên, vô số vô tận, dùng lời của khoa học hiện tại mà nói, khoa học gia cho rằng tầng không gian duy thứ khác. Cho nên từ trên lý luận mà nói, không gian duy thứ khác cũng là vô lượng vô biên, vô tận vô số. Cái tivi này của chúng ta cũng là như vậy, trên địa cầu này phát sóng, sóng của kênh đài là có hạn lượng, nếu như đem khắp pháp giới hư không giới, bao gồm tất cả tinh cầu đều bao quát ở trong đó, vậy thì kênh đài này chúng ta đích thực cũng là vô lượng vô biên, vô tận vô số. Đây là lời thật. Máy móc của chúng ta ngày nay vẫn chưa đủ tinh xảo, vẫn chưa thể nhận được tín hiệu viên mãn, chỉ có thể nhận được một bộ phận, cục bộ. Cái đạo lý này chính do đại sư Huệ Năng sau khi khai ngộ đã nói ra năm câu. Đó là chân tướng.

Sau khi thấu hiểu chân tướng, cái thân thể này ở thế gian này cũng được, không ở thế gian này cũng được, họ được tự tại, ở thế gian này không chướng ngại, không ở thế gian này cũng không chướng ngại, chúng ta thường nói sống chết tự tại, không có sống chết. Buông bỏ là thọ dụng, là tự tại. Chỗ này không phải là người thông thường có thể lý giải, cũng không phải là người thông thường có thể tưởng tượng ra được. Bạn không chịu buông bỏ thì hiện tượng luân hồi liền đi theo bạn, thì bạn không cách gì siêu việt, đó là một sự việc rất đau khổ. Cho nên Phật dạy chúng ta phải tu chỉ, phải học thuộc buông bỏ, đồng thời có thể xả kiến giải sai lầm của A La Hán, Bích Chi Phật, vì sao vậy? Hai loại người này họ thật đã buông bỏ, thật đã không còn chấp trước với thế xuất thế pháp, thật không chấp trước thì sáu cõi không còn, cho nên họ siêu việt sáu cõi. Bồ-tát thì khác, Bồ-tát thật buông bỏ, thật buông bỏ nhưng thân thể của họ vẫn còn ở thế gian này, vì sao vậy? Vô ngại, pháp giới không chướng ngại. Tiểu thừa sau khi chứng quả, họ không đến thế gian, họ không vào sáu cõi, việc không đến cũng là chướng ngại. Chúng ta đến là chướng ngại, họ không đến cũng là chướng ngại. Bồ-tát là chân thật được tự tại, ở thế gian này, như trong Đại thừa đã nói là “làm mà không làm, không làm mà làm”. Họ làm cái gì? Giúp đỡ chúng ta lìa khổ được vui, họ không hề vì mình. Các vị phải nên biết, các ngài chính mình quyết định là phá bốn tướng như trên kinh Kim Cang đã nói. Không những không có bốn tướngmà bốn kiến cũng không có. Bốn kiến là tập khí. Không bốn tướng là “không ngã tướng, không nhân tướng, không chúng sanh tướng, không thọ giả tướng”, thế nhưng cũng không ngại chúng sanh chấp trước ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, không chướng ngại, họ ở trong đó dùng vô số phương tiện để giúp đỡ chúng sanh.

/ 48