/ 48
766

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 6

Xin chào các pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người! Hôm nay chúng ta tiếp tục học Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hòan Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ.

Lần trước chúng ta học đến “Kim lược minh thử quán, tổng phần lục môn”. Trước tiên nêu tên có sáu đoạn. Chúng ta đã học tập bốn đoạn, đến “hành tứ đức”. Hôm nay chúng ta xem đến điều thứ năm “nhập ngũ chỉ” và điều thứ sáu “khởi lục quán”. Thiên văn tự này là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành của kinh Hoa Nghiêm. Phía trước chúng ta học đến điều thứ tư. Lần trước chỉ còn lại thời gian của một ngày, vì mọi người giảng mười lợi ích nghe kinh trên kinh Hoa Nghiêm. Vì sao ngay đây thêm vào đoạn này? Là bởi vì vào hiện tại có rất nhiều người đã xem nhẹ việc giảng kinh nghe kinh, cho nên chúng ta đặc biệt xem lại. Phật Bồ-tát tổ sư đại đức hết lời khuyên bảo nhắc nhở chúng ta, khích lệ chúng ta phải phát tâm giảng kinh. Giảng kinh có bốn loại lợi ích; khuyên bảo chúng ta nghe pháp, nghe kinh có mười loại lợi ích; cho nên dùng hai giờ đồng hồ tỉ mỉ giới thiệu cho mọi người. Thiên văn chương này tuy không xem là quá dài, ngày trước chúng ta đã từng giảng qua một lần, đã dùng chín mươi sáu giờ đồng hồ, nói được rất tường tận. Đây là lần giảng thứ hai. Lần giảng thứ hai chúng ta lãnh ngộ càng sâu đối với thiên văn chương này, có thể thời gian cũng sẽ không ngắn hơn lần trước, càng giảng tỉ mỉ thì chúng ta càng có thể có được thọ dụng.

Chúng ta đều biết thế giới hiện nay rất là hỗn loạn, chân thật là loạn thế danh thật tướng giả, tai nạn quá nhiều. Căn nguyên của động loạn này là gì? Là chúng ta không tường tận đối với vũ trụ nhân sanh, thấy sai, nghĩ sai, do đó ngôn hạnh của chúng ta nơi nơi đều có sai lầm. Kết quả của sai lầm chính là tai nạn. Nhân sanh vũ trụ quan chính xác, trong Phật pháp gọi là thật tướng các pháp. Chư pháp là tất cả pháp, bao gồm hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh tinh thần. Chân tướng là gì? Ở trong thiên văn chương này thảy đều nói đến, nói được đến mức chúng ta không thể không bội phục. Đại sư Hiền Thủ đã nói đều là khai thị rất quan trọng trên Kinh Hoa Nghiêm. Thế Tôn vì chúng ta khai thị, trước tiên nói với chúng ta “Nhất Thể”. Cái Nhất thể này chính là trong triết học đã nói, bản thể của vũ trụ nhân sanh, vũ trụ từ do đâu mà có, sinh mạng từ do đâu mà ra. Đó là vấn đề lớn, triết học và khoa học mãi cho đến hiện tại đều không thể định luận, vẫn không thể giải quyết, thế nhưng trong kinh Hoa Nghiêm đã nói cho chúng ta nghe rất rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Kinh Hoa Nghiêm có nói sai không vậy? Chúng ta có thể khẳng định là không hề nói sai. Chúng ta dựa vào đâu mà tin tưởng? Dựa vào phương pháp mà nó đã dùng. Phương pháp của nó không giống như phương pháp khoa học ngày nay của chúng ta. Phương pháp khoa học luôn không rời khỏi số học, số học cao thâm, đều dùng máy móc để quan sát, như kính viễn vọng thiên văn dùng để quan sát đối với  thế giới hoằng quan, kính hiển vi cao tần dùng để giúp chúng ta quan sát Vi quan. Khoa học gia dùng máy móc, dùng số lý, còn Phật Bồ-tát không dùng những thứ này, các ngài dùng cái gì? Dùng tâm thanh tịnh.

Phật nói với chúng ta, then chốt nhất trong học Phật chính là buông bỏ.

Tôi rất là may mắn, tôi tiếp xúc Phật pháp khi còn rất trẻ, năm 26 tuổi và cũng ngay năm đó tôi quen biết với đại sư Chương Gia. Thầy Phương Đông Mỹ dạy tôi nhận biết Phật giáo, tôi liền thỉnh giáo với đại sư Chương Gia là có phương pháp nào mau chóng giúp cho tôi khế nhập cảnh giới hay không? Việc này rất quan trọng. Đại sư Chương Gia nói với tôi “nhìn được thấu, buông được xuống”. Thế là chúng ta thâm nhập đại thừa, sau mấy mươi năm mới chân thật hiểu rõ, hơn nữa trong kinh điển đã ghi chép, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta thị hiện tu hành chứng quả chính là nhìn thấu buông bỏ; tổ sư đại đức, như Lục Tổ Huệ Năng vì chúng ta hiện thân nói pháp, cũng chính là nhìn thấu buông bỏ. Đại sư Chương Gia không hề dối gạt tôi. Trên kinh đại thừa đã nói, bạn đầy đủ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn chính là phàm phu sáu cõi, không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi. Việc này thì phiền phức, đời đời kiếp kiếp trôi lăn trong luân hồi.

Cái khổ trong luân hồi, hiện tại chúng ta là ở nhân gian, đích thân cảm nhận được. Nếu như chúng ta tỉ mỉ xem qua thế gian này, có rất nhiều người đang trải qua đời sống vô cùng thống khổ, không có thực phẩm, không có quần áo, còn phải thêm những tại nạn tự nhiên và bệnh truyền nhiễm. Nếu như y theo cách nói của đại sư Trí Giả, đại sư ngài giảng Kinh Pháp Hoa nói cho chúng ta nghe “Bách giới thiên như”. Ở trên kinh Phật giảng cho chúng ta nghe mười pháp giới, trong mỗi pháp giới đều đầy đủ có mười pháp giới, mười nhân mười là một trăm, gọi là bách giới, mỗi giới đều có thập như thị. Thập như thị là nói nhân quả. Một trăm pháp giới nhân cho mười chính là thiên như, “bách giới thiên như”. Chúng ta ở nhân gian tỉ mỉ mà quan sát, có Phật nhân gian, có Bồ-tát nhân gian, có nhân thiên nhân gian, có địa ngục nhân gian. Từ ngay chỗ này có thể thể hội được cái khổ của sáu cõi. Phật quy nạp lại giảng cho chúng ta nghe có ba khổ, có tám khổ.

/ 48