TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 4
Thứ tư trong lục môn là “hành tứ đức”.
Kinh văn: “Tứ hành tứ đức. Nhất giả tùy duyên diệu dụng vô phương đức. Nhị giả oai nghi trụ trì hữu tắc đức. Tam giả nhu hòa chất trực nhiếp sanh đức. Tứ giả phổ đại chúng sanh thọ khổ đức”
Bốn hành tứ đức, một là “tuỳ duyên diệu dụng vô phương đức”, hai là “oai nghi trụ trì hữu tắc đức”, ba là “nhu hoà chất trực nhiếp sanh đức”, bốn là “phổ đại chúng sanh thọ khổ đức”. Đây là nói rõ tu pháp môn Hoa Nghiêm, trong sáu môn đây là môn thứ tư, ba môn phía trước là nhìn thấu, ba môn phía sau là buông bỏ, cho nên tổng nguyên tắc cũng không ngoài nhìn được thấu, buông được xuống. Vì sao bạn có thể buông bỏ? Chính là bởi vì bạn nhìn được thấu bạn mới chịu thật buông bỏ. Cho nên nhìn thấu ở trước, buông bỏ ở sau.
Thứ nhất trong hành tứ đức là “tùy duyên diệu dụng vô phương đức”
Người sơ học Phật, thực tế mà nói thì chúng ta hiện tại chân thật là thuộc về sơ học, sơ học bắt đầu học từ đâu vậy? Sơ học là buông bỏ trước, sau đến nhìn thấu. Bạn không buông bỏ được thì bạn không thể nhìn thấu. Buông bỏ một phần thì bạn khám phá một phần, buông bỏ mười phần thì bạn khám phá mười phần, sau đó bạn mới có thể chân thật hiểu được rõ ràng. Cái buông bỏ đó gọi là triệt để buông bỏ, cho nên Hoa Nghiêm không phải là pháp phổ thông, trong Phật giáo Trung Quốc gọi nó là Pháp Nhất Thừa, cũng gọi nó là Nhất Phật Thừa. Trên kinh Phật có Đại thừa, Tiểu thừa (tiểu thừa có ba thừa là Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác), đó là pháp nhất thừa, như trên kinh Pháp Hoa đã nói “chỉ có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”. Việc này nói rõ chư Phật Bồ-tát ứng hoá ở thế gian dạy chúng ta cái gì? Dạy chúng ta một đời chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn, đây mới là thật. Giúp cho bạn ở ngay một đời chứng được quả A-la-hán, chứng được quả Bích Chi Phật, chứng được quả vị Bồ-tát, đây không phải là bổn ý của chư Phật, đó là gì vậy? Đó là do căn tánh của chúng ta quá thấp kém, phiền não tập khí quá nặng, không cách gì ở ngay trong một đời chứng được quả Phật, mà phải dần dần nâng lên cao, từng bước từng bước đi lên cao.
Hoa Nghiêm đã là Nhất Thừa thì chúng ta liền biết, nó không phải là tiệm giáo, cũng không phải đốn giáo, nó là viên giáo. Đại sư Thiên Thai nói “Tạng-Thông-Biệt-Viên”, nó là Viên giáo. Đại sư Hiền Thủ giảng Tiểu Thỉ Chung Đốn Viên, cho nên Hoa Nghiêm là Viên giáo. Câu đầu tiên trong thiên văn chương này, Đại sư liền nói với chúng ta “Mãn giáo nan tư”, nói mãn giáo, nói viên tông, Thế Tôn 49 năm nói ra địa vị của tất cả pháp thì Hoa Nghiêm là Phật giáo cứu cánh viên mãn, cho nên nhìn thấu của Ngài thì chẳng phải là một việc đơn giản. Hôm qua chúng ta học tập Hiển Nhất Thể, Khởi Nhị Dụng, Thị Tam Biến, đó là nhìn thấu. Nhìn thấu cái gì? Nhìn thấu vũ trụ, nhìn thấu nhân sanh. Trong Đốn giáo, Thiền tông, đó chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Kiến tánh thì liền thành Phật. Thành Phật vẫn còn phải buông bỏ hay sao? Phải! Vẫn còn phải buông bỏ. Muốn buông bỏ vọng tưởng tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay thì không có bất cứ phương pháp nào khác là hoàn toàn tùy thuận tự nhiên. Đến được cảnh giới này, khẳng định sẽ cùng với tất cả chúng sanh khắp pháp giới hư không giới khởi lên tác dụng cảm ứng tương thông. Như trong Phẩm Phổ Môn, Bồ-tát Quán Thế Âm đã nói: “Thiên xứ mong cầu thiên xứ ứng”. Cái chữ “Thiên” đó không phải là chữ số, mà là khắp pháp giới hư không giới, chúng sanh nơi nào có duyên với Ngài, hiện tại đang ở trong khổ nạn, hoặc giả là có tâm cầu Phật Bồ-tát giúp đỡ, hoặc giả là vô ý (vô ý cũng có cầu gọi là minh cầu, đó là ngay trong đời quá khứ có duyên phận thù thắng với Phật Bồ-tát, hiện tại đang đọa lạc ngay trong khổ nạn, tuy là không có cầu nhưng có duyên với Phật Bồ-tát), Ngài tự nhiên liền sẽ khởi cảm ứng.
Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Phật ứng bằng cách nào vậy? Trong “hành tứ đức”, điều thứ nhất đã nói là “tùy duyên diệu dụng vô phương đức”. Duyên là chúng sanh, chính là cảm của chúng sanh. Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Tùy chính là ứng, đồng thời ở các nơi khác nhau, khắp pháp giới hư không giới. Các vị hãy nhớ, đồng thời ở các nơi khác nhau, Phật Bồ-tát mỗi mỗi đều khởi lên tác dụng ứng hóa, một người cũng không sót lọt. Đó là tùy duyên.