/ 48
878

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 2


Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu! Mời ngồi. Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán. Hôm qua chúng ta học đến “vọng sanh trí lập, bệnh vong tắc dược vong, cử không quyền dĩ chỉ đế”. Hôm nay chúng ta xem tiếp câu phía sau.

Kinh văn: “Tâm thông tắc pháp thông, dẫn hư không nhi thị biến, ký giác ký ngộ, hà trệ hà thông, bách phi tức kỳ phan duyên, tứ cú tuyệt kỳ tăng giảm, cố đắc dược bệnh song mẫn, tịnh loạn cụ dung”.

Câu mở đầu này rất là quan trọng: “tâm thông tức pháp thông”. “Pháp” là vạn pháp, cũng chính là nói vũ trụ nhân sanh, ở trong Phật pháp gọi là khắp pháp giới hư không giới, không có thứ nào không thông đạt. Câu nói này trong một số trường hợp đích thực dẫn đến rất nhiều tranh cãi, nói Thích Ca Mâu Ni Phật khéo khoa trương, khắp pháp giới hư không giới, vô lượng vô biên vô hạn làm sao có thể thông đạt? Không thể nào, cho nên rất khó bảo người tin tưởng. Trên thực tế, chúng ta ở trong đại thừa giáo học tập nhiều năm như vậy, chúng ta tuy là chưa có chứng đắc đối với câu nói này, thế nhưng từ trên sự, từ trên lý chúng ta có thể tiếp nhận, quyết định không có phản đối. Vì sao vậy? Chúng ta biết được tất cả pháp từ do đâu mà sanh. Việc này chúng ta biết trong Phật giáo đại thừa, Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, rời khỏi tâm tưởng không có một pháp có thể được. Đó là thực tướng các pháp. Tất cả pháp đã là từ tâm tưởng sanh, cho nên tâm thông thì làm gì pháp không thông? Làm gì có loại đạo lý này chứ? Cho nên tâm thông thì pháp hoàn toàn thông. Vấn đề của chúng ta ngày nay là ở đâu vậy? Vấn đề của chúng ta ngày nay là tâm không thông, cho nên pháp liền không thông. Đạo lý ở ngay chỗ này.

Tâm vì sao không thông? Trong lòng sanh ra chướng ngại. Phật đã vô số lần nói với chúng ta, chân thật là Phật từ bi đến tột đỉnh, chúng ta có vọng tưởng. Vọng tưởng chính là khởi tâm động niệm, đó là sóng động rất vi tế. Loại sóng động này, thực tế ra mà nói, không có người nào có thể quan sát ra được. Vì sao vậy? Tâm quá thô, cho nên sóng động cực kỳ vi tế thì bạn không cách gì phát hiện. Không những chúng ta không phát hiện ra, Phật nói với chúng ta, A-la-hán cũng không thể, thậm chí đến Bồ-tát cũng không thể. Đến lúc nào thì bạn mới có thể quan sát ra được sóng động vi tế này? Trên kinh thường nói, Bát Địa Bồ-tát. Bát Địa tiếp cận rất gần với quả Phật cứu cánh viên mãn. Bạn xem, Bát Địa đi đến Cửu Địa, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu giác, năm vị thứ. Pháp thân Bồ-tát tổng cộng có 41 vị thứ, chính là 41 giai đoạn, họ đạt đến đỉnh cao nhất. Năm giai đoạn là đỉnh cao nhất. Định lực như vậy họ mới có thể quan sát ra được.

Hiện tại chúng ta từ nơi Bồ-tát Di Lặc biết được tin tức đó. Loại vi tế này ở trong vật lý học hiện tại chúng ta đều không cách gì dò tìm ra được, thời gian của nó quá ngắn. Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm. Trăm ngàn là đơn vị, trăm ngàn là mười vạn, cũng chính là nói 32 ức nhân với mười vạn. Hiện tại thời gian này, đơn vị tính đếm thông thường của chúng ta là dùng giây. Một giây chí ít chúng ta có thể khảy được bốn lần. Khảy bốn lần thì nhân bốn, thì bạn liền biết được tốc độ này là 1280 triệu phần của giây. Ý niệm vi tế như vậy đang tiếp nối nhau không ngừng, niệm trước sanh, niệm sau diệt, sanh diệt không ngừng, chính là cái sóng động này nó không ngừng nghỉ. Cái sóng động này khởi lên thì vũ trụ xuất hiện, cũng chính là đại sư Huệ Năng đã nói trong Đàn Kinh là “năng sanh vạn pháp”. Vì sao năng sanh? Chính là sóng động, chỉ cần tâm động một chút, cực kỳ vi tế như vậy, thì vũ trụ liền xuất hiện, cho nên vũ trụ này không phải là do vụ nổ lớn. Sum la vạn tượng đều hiện tiền, đây là nói y báo. Đồng thời ta cũng xuất hiện, ta là chánh báo. Nhà Phật thường nói y chánh trang nghiêm. Y báo là hoàn cảnh đời sống của chúng ta. Các vị phải biết, chánh báo chỉ nói một mình cá nhân ta, ngoài ta ra bao gồm tất cả mọi người là hoàn cảnh nhân sự trong hoàn cảnh đời sống của chúng ta, cho nên y chánh này, chánh nhất định phải tường tận. Chánh không phải là rất nhiều người. Chánh là ta từ đâu đến. Cho nên trong hoàn cảnh đời sống của chúng ta có hoàn cảnh nhân sự, có hoàn cảnh vật chất, có hoàn cảnh tự nhiên, có thể phân làm ba loại lớn này. Ba loại lớn này đều là vạn pháp, “năng sanh vạn pháp” trong câu này đã bao gồm tất cả.

/ 48