1.290

TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 1

  1. Duyên khởi

Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu! Xin mời ngồi.

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán. Tính đến hôm nay, Tịnh Không tôi đã rời khỏi Đài Loan có đến mười hai năm rồi. Lần đầu trở lại Đài Loan cùng với các vị đồng tu cùng nhau học tập kinh Hoa Nghiêm. Những năm gần đây, kinh Hoa Nghiêm chúng ta lại bắt đầu giảng lại từ đầu, đã giảng được hơn bốn ngàn giờ rồi, phẩm thứ mười bốn còn chưa giảng xong. Theo tiến độ trước mắt như thế này, nếu bộ kinh này giảng được viên mãn thì còn cần phải mười ngàn giờ nữa.

Năm xưa, khi tôi mới bắt đầu học Phật, tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu bộ kinh này cho tôi. Vào lúc đó tôi còn rất trẻ, đối với tôn giáo, nhất là Phật giáo, biết được rất ít, cũng tùy theo số đông mọi người trong xã hội cho rằng đó là mê tín. Nhất là Phật giáo, từ trên biểu hiện bên ngoài thấy họ thứ gì cũng lạy, trong đó thần rất nhiều, cho nên ở trong tôn giáo liền đem nó quy thành đa thần giáo, phiếm thần giáo. Các vị nên biết, đa thần giáo, phiếm thần giáo là thuộc về tôn giáo cấp thấp, tôn giáo cao cấp chỉ có một chân thần. Đó là một số khái niệm khi chúng tôi còn trẻ, cho nên rất bài xích đối với Phật giáo, không dễ gì tiếp nhận. Tôi học triết học với lão sư Phương, mục sau cùng trong giáo trình, lão sư Ngài giảng triết học Phật kinh cho tôi nghe. Tôi rất kinh ngạc. Tôi nói: “Phật giáo là tôn giáo, còn là tôn giáo cấp thấp thì nó làm gì có triết học?” Lão sư Phương nói với tôi: “Chú còn trẻ nên chú không biết. Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà đại triết học, là bậc thánh triết. Kinh Phật là triết học cao đẳng, là đỉnh cao nhất trong triết học thế giới. Học Phật là hưởng thụ cao nhất của nhân sanh”. Thầy đem Phật giáo giới thiệu với tôi như vậy, cho nên tôi liền tiếp xúc kinh điển của Phật. Thầy nói với tôi, Phật giáo chân thật nằm ở trong kinh điển, chú cần phải hạ công phu từ nơi kinh điển. Ngài còn đặc biệt giới thiệu cho tôi chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đó là nhân duyên mà tôi học Phật. Duyên đích thực là rất thù thắng.

Tôi tiếp xúc kinh điển đại khái khoảng hai tháng, chưa đến ba tháng, thì tôi quen với Đại sư Chương Gia. Lão sư Phương không chuyên về Phật học, Ngài nghiên cứu về triết học. Đại sư Chương Gia thì chuyên về Phật học, cho nên kinh điển Phật học thì Ngài biết. Ngài rất là hoan hỉ dạy cho tôi, cũng giống như Phương tiên sinh vậy, mỗi một tuần dạy cho tôi hai giờ. Chủ nhật tôi đến chỗ ở của Ngài, số 8 đường Thanh Điền. Tôi theo học như vậy với Ngài ba năm, cho nên nền tảng Phật học của tôi là Đại sư Ngài xây dựng.

Ngài nói với tôi, Thích Ca Mâu Ni Phật 19 tuổi rời bỏ gia đình ra đi cầu học, 30 tuổi thành đạo, cũng chính là thông thường chúng ta gọi là 30 tuổi khai ngộ, chính  trong Thiền tông gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”. Chúng ta biết được Trung Quốc cũng có một người như vậy, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, cảnh giới hoàn toàn giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, đó chính là Đại sư Lục Tổ Huệ Năng vào thời nhà Đường. Hai vị này thị hiện cho chúng ta, khiến cho chúng ta có sự khải thị rất lớn. Cho nên Phật giáo là giáo dục, không phải là tôn giáo. Thích Ca Mâu Ni Phật 30 tuổi sau khi thành đạo, việc thành đạo này nếu dùng lời nói thông thường hiện tại chúng ta mà nói chính là học tập tốt nghiệp rồi, học tập đạt đến viên mãn, không còn thứ gì để học nữa, đến được đỉnh cao rồi, Ngài liền bắt đầu dạy học. Đương nhiên cảnh giới mà Ngài ngộ nhập không phải phàm phu chúng ta có thể tiếp nhận, cho nên Ngài phải nói với ai? Hiện tại nhà khoa học thừa nhận, khoảng vũ trụ này đích thực có tầng không gian duy thứ khác. Những sinh mạng ở tầng không gian duy thứ cao thông minh hơn rất nhiều so với chúng ta, trí tuệ cao hơn chúng ta, sức định cao hơn chúng ta, cho nên Phật liền thị hiện ở trong định tuyên giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đã giảng bao lâu vậy? Có một số kinh nói giảng trong hai thất (hai thất là 14 ngày), cũng có kinh nói giảng trong ba thất (ba thất là 21 ngày), thì Ngài giảng xong. Bộ kinh điển này được Bồ-tát Đại Long, đó cũng là một Bồ-tát Đẳng Giác, không phải là người thông thường, đem cất vào Long Cung. Mãi đến 600 năm sau, Bồ-tát Long Thọ có một nhân duyên đặc thù, Bồ-tát Đại Long tiếp rước Ngài đến Long Cung, đến tham quan kinh Hoa Nghiêm mà Ngài đã cất giữ.