/ 20
454

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,

Phần 13

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Tập 37

 

  Chư vị đồng học!

  Xin xem tiếp phần “y trì danh pháp môn thích Ngũ Trược Ác Thế” (nương theo pháp môn trì danh để giải thích Ngũ Trược Ác Thế). Trong phần trên, chúng tôi đã giảng đến Ngũ Lợi Sử của Kiến Trược, đã giới thiệu về Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, hôm nay chúng ta xét đến điều sau cùng: Tà Kiến.

  “Bát[1] vô nhân quả, nghi ngộ chúng sanh, đọa nhập thâm khanh” (Bài bác, cho rằng không có nhân quả, làm chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, rớt vào hầm sâu). Chúng ta phải chú tâm lãnh hội mấy câu nói này của Ngẫu Ích đại sư. Tà Kiến là gì? Trừ bốn loại kiến giải sai lầm lớn đã nói trong phần trên, tất cả hết thảy những kiến giải lầm lạc đều gộp vào loại này; phạm vi của loại này rất lớn, rất rộng. Nghiêm trọng nhất trong mọi kiến giải lầm lạc là không tin vào nhân quả báo ứng. Nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không” (Vạn pháp đều không, nhân quả chẳng không).

Pháp thế gian và Phật pháp đều được kiến lập trên cơ sở nhân quả, đó là chân lý. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, đó là định luật tự nhiên, chắc chắn không có cách nào thay đổi hay biến đổi định luật tự nhiên. Các nhà khoa học hiện thời rất thông minh, họ muốn biến đổi tự nhiên, cũng đã làm được không ít chuyện. Nay họ nghiên cứu cơ cấu của động vật và thực vật, nhiều nhất là thực vật, biến đổi để đạt được giống tốt. Chúng ta thấy rất nhiều loại cây ăn quả, đúng là qua sự cải thiện của sức người, những loại ấy tăng trưởng rất to, rất ưa nhìn. Chẳng hạn như các loài táo, xoài, chúng ta thấy chúng đã được cải thiện giống loại (cải biến gene), nhưng sau khi cải thiện thì sao? Trái nghịch nguyên tắc tự nhiên, quả thật, nó tăng trưởng rất to, rất ưa nhìn, nhưng phẩm vị trước kia của giống ấy không còn nữa.

Bởi vậy,  loại xoài rất lớn đã được  cải biến gene,  đem so với những

quả thuộc loại thổ sanh thổ trưởng[2], chưa từng cải biến gene, thì loại sau không được dễ coi bằng, nhỏ xíu, nhưng mùi vị khác hẳn. Những thứ thực vật tùy thuận tự nhiên quả thật bổ dưỡng, có lợi đối với con người. Những thứ đã biến đổi gene, con người ăn vào trọn chẳng tốt lành gì, nhưng hiện tại con người vẫn chưa biết. Vì sao mấy năm qua dường như xuất hiện rất nhiều chứng bệnh kỳ quái? Có người hỏi tôi, tôi bèn tùy thuận lời cổ nhân nói để trả lời. Cổ nhân dạy chúng ta: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Chẳng phải là do ăn những thứ đã được biến đổi gene nên mới sanh ra rất nhiều thứ bệnh chưa từng gặp hay chăng? Quý vị thay đổi nguyên tắc tự nhiên, quy luật tự nhiên sẽ đáp trả bằng những tai nạn dữ dằn.

Nay ai nấy đều biết cây cối rừng rậm đóng vai trò cân bằng sinh thái trên địa cầu, tạo sự an toàn cho nhân loại, nó ngăn ngừa lụt lội. Hiện tại con người đã nhận biết: Chặt phá rừng rậm bừa bãi, phá hoại vành đai bảo vệ đất nước, khi nước lũ tràn dâng sẽ hình thành thủy tai. Trong quá khứ có thủy tai, nhưng không dữ dội, không xảy ra nhiều như thế, mà có thể chế ngự được một phần! Như vậy, quý vị muốn biến đổi sinh thái tự nhiên, muốn khống chế sinh thái tự nhiên, nhưng thiên nhiên bèn phản ứng lại, quý vị chịu đựng không nổi!

  Do vậy, cổ thánh tiên hiền, thánh nhân tại Trung Quốc lẫn ngoại quốc dạy chúng ta phải tùy thuận tự nhiên. Tùy thuận tự nhiên là khỏe nhất. Căn bản nhất là thân thể của chúng ta từ lúc sanh ra khỏi bụng mẹ vốn tự nhiên; con người hiện tại cũng muốn thay đổi nó! Thường thấy nhất là đi làm đẹp, đi sửa sắc đẹp, không chịu tùy thuận tự nhiên, cứ muốn thay đổi tự nhiên. Chúng tôi biết rất nhiều trường hợp sau khi sửa sắc đẹp bị những di chứng không thể tưởng tượng nổi, mang lấy rất nhiều đau khổ, rút ngắn tuổi thọ. Đó là gì vậy? Đó là quý vị phải trả giá cho việc phá hoại tự nhiên. Chán ghét tướng mạo, thể chất của mình không tốt đẹp thì có phương pháp để cải biến, dùng phương pháp nào vậy? Vẫn là tùy thuận tự nhiên để biến đổi, như vậy mới là chính xác!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20