Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
Phần 14
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Tập 40
7. Chú Vãng Sanh
Chư vị đồng học!
Xin xem tiếp phần sau kinh Di Đà có Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni. Câu này phải đọc như thế này “Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản, Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni”, thường gọi là chú Vãng Sanh. Thông thường tụng kinh Di Đà xong, mọi người thường niệm ba biến hoặc bảy biến chú Vãng Sanh. Nếu chiếu theo truyện ký ghi chép thì phải niệm hai mươi mốt biến, ba lần bảy là hai mươi mốt biến, kinh truyện nói như vậy. Con người hiện tại thích giản lược, hai mươi mốt biến giản lược thành bảy biến, nay bảy biến giảm thành ba biến.
Chúng tôi dựa theo lời giải thích của Liên Trì đại sư trong Sớ Sao để giới thiệu khái lược ý nghĩa bài chú này. Đại sư giải thích ý nghĩa bài chú này như sau: “Dĩ chú phụ kinh” (đem chú ghép thêm vào kinh), kinh Di Đà vốn không có chú này, do chú này cũng nói về việc vãng sanh, nên tổ sư đại đức đem bài chú này (bài chú này không dài) ghép vào sau kinh. “Dĩ chú phụ kinh, kinh đắc chú nhi di hiển” (đem chú ghép thêm vào kinh, kinh có thêm chú càng rõ ràng). Chữ “kinh” ở đây là kinh A Di Đà, được bài chú Vãng Sanh ghép thêm đằng sau thì kinh ấy càng thêm rõ rệt. Chú là mật chú, hiển mật viên dung, thể hiện ý nghĩa: Kinh là hiển thuyết, chú là mật thuyết. Nói “dĩ kinh tiên chú” (kinh được đặt trước chú), kinh đặt ở đằng trước, chú đặt ở sau, “chú đắc kinh nhi dũ linh” (chú được kinh [giảng rõ] càng linh), chú là chú của kinh, kinh là kinh của chú. Chú này có ý nghĩa gì? Ý nghĩa của bài chú đều nằm gọn trong kinh, kinh là hiển thuyết, chú là mật thuyết, “giao tương vi dụng” (dùng lẫn cho nhau), kinh và chú hỗ trợ nhau, thành toàn lẫn nhau. “Ưng kết thích dã” [nghĩa là] hãy nên giải thích như vậy!
Trước hết, hãy nói về xuất xứ của bài chú này. “Thử chú tường kiến Bất Tư Nghị Thần Lực Truyện” (Chú này thấy [ghi chép] tường tận trong Bất Tư Nghị Thần Lực Truyện). Đây là xuất xứ của bài chú này, chú được chép trong Bất Tư Nghị Thần Lực Truyện. Sách nói: “Trì thử chú giả, diệt tội vãng sanh” (trì chú này, diệt tội vãng sanh). Ý nghĩa này rất hy hữu, trong Hiển giáo chúng ta nói vãng sanh Tây Phương Cực Lạc là “đới nghiệp vãng sanh”, chú này lại có thể diệt tội vãng sanh, há chẳng phải là viên mãn hơn kinh ư? Do vậy, quả thật có người không niệm kinh Di Đà, chuyên trì chú Vãng Sanh. Trì chú có được linh nghiệm hay không? Trước kia, tôi giảng kinh ở Đài Bắc, có một vị cư sĩ bảo ông ta hoàn toàn tuân theo những gì Bất Tư Nghị Thần Lực Truyện đã nói, niệm chú Vãng Sanh ba mươi vạn biến. Ông ta niệm đủ ba mươi vạn biến, không thấy có cảm ứng, đến hỏi tôi. Ông ta nói: “Thưa pháp sư! Chú này không linh!” Thật ra, chẳng phải chú không linh! Cùng một đạo lý, như trong phần trước chúng tôi đã nói về kinh, quý vị có hiểu hay không? Chú cũng giống như vậy đó, quý vị có hiểu hay không? Nếu không hiểu thì chỉ là học khẩu ngữ, khó lòng lắm!
Chú linh như thế nào? Nói thật ra, từ cổ đến nay thần chú không được giải thích. Người Ấn Độ nghe cũng không hiểu, bởi nó chẳng phải là tiếng Phạn. Trước kia, thầy Lý từng bảo tôi thầy đã từng học Mật, học suốt tám năm. Thầy bảo: Quá nửa thần chú là ngôn ngữ của lục đạo. Khi Phật giảng kinh, thuyết pháp, thần linh trong lục đạo đều đến nghe, đại khái thính chúng [trong lục đạo] còn nhiều hơn loài người chúng ta. Chúng ta mắt thịt không thấy họ, chứ Phật, Bồ Tát, A La Hán đều có thể thấy được họ. Phải biết đạo tràng giảng kinh của Phật, ngoại trừ thiên long bát bộ ra, quỷ thần trong sáu nẻo đều thực sự đến nghe kinh. Họ đều có năng lực nghe hiểu những ý nghĩa trong lời thuyết pháp của đức Phật. Đúng là như kinh Đại Thừa thường nói: “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải” (Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo mỗi loại đều hiểu) Như vậy, âm thanh thuyết pháp của Phật là Viên Âm, tức là âm thanh viên mãn, bất luận loài chúng sanh nào đến nghe Phật thuyết pháp đều hiểu được, tựa hồ như nghe Phật đang nói bằng chính ngôn ngữ của loài mình. Đó là thần lực chẳng thể nghĩ bàn!