/ 20
701

Trung Phong Tam Thời

Hệ Niệm Pháp Sự Giảng Ký,

Phần 12

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không 

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

  Chư vị đồng học!

  Xin xem tiếp tiểu đoạn cuối cùng của phần Sáu Phương Phật:

“Di Đà thị Pháp Giới Tạng Thân, cố nhất niệm, nhất thiết niệm, niệm nhất Phật, tức niệm nhất thiết Phật. Cực Lạc thị pháp giới tạng độ, cố nhất sanh, nhất thiết sanh, sanh Cực Lạc nhất độ, tức sanh nhất thiết chư Phật quốc độ dã” (Di Đà là Pháp Giới Tạng Thân, vì thế niệm một là niệm hết thảy, niệm một vị Phật chính là niệm hết thảy Phật. Cực Lạc là pháp giới tạng độ, vì thế sanh về một là sanh hết thảy, sanh về một cõi Cực Lạc chính là sanh về cõi nước của hết thảy chư Phật). Tiểu đoạn này là lời khai thị của Ngẫu Ích đại sư, nói rất hay, phá trừ triệt để mọi nghi vấn đối với thế giới Cực Lạc. Vì sao phải niệm A Di Đà Phật? Vì sao phải sanh về thế giới Cực Lạc? Từ trước đến nay chưa có ai giảng rõ ràng, minh bạch được như vậy. Mười phương chư Phật rất nhiều, vì sao chỉ niệm mình A Di Đà Phật? Do câu nói này bèn minh bạch. Mười phương Tịnh Độ cũng rất nhiều, sao lại chỉ riêng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ? Lời giải đáp của Ngẫu Ích đại sư rất hay: “Di Đà là Pháp Giới Tạng Thân”. Trong kinh Đại Thừa thường nói đến Pháp Tánh Thân, Pháp Tánh Độ; Pháp Giới Tạng Thân chính là Pháp Tánh Thân, đấy chính tên gốc của Pháp Thân Phật!

Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) cũng là tên gốc của Pháp Thân. Nếu dịch ý nghĩa của danh hiệu ấy sang tiếng Hán thì Tỳ Lô Giá Na chính là Biến Nhất Thiết Xứ (trọn khắp mọi nơi). A Di Đà Phật nếu dịch sang tiếng Hán là Vô Lượng, hết thảy đều vô lượng: Vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng. Con người hiện tại cầu vô lượng của cải, vô lượng tướng hảo, vô lượng phước báo, cái gì cũng đều là vô lượng, sự vô lượng ấy trọn khắp hết thảy mọi chỗ! Bởi thế, Tỳ Lô Giá Na và A Di Đà Phật đều là đức hiệu của Pháp Giới Tạng Thân; niệm một Phật hiệu này là niệm tất cả hết thảy Phật hiệu, nhất định phải biết điều này! Tỳ Lô Giá Na chỉ là “trọn hết thảy mọi nơi”, cái gì “trọn hết thảy mọi nơi”? Nội dung của chữ A Di Đà rất phong phú, đã phô bày rõ những ý nghĩa ấy. Những danh hiệu chư Phật khác chỉ là Báo Thân hay Ứng Hóa Thân của Pháp Giới Tạng Thân. Mười phương cõi nước khác đều là Báo độ, là Phương Tiện độ, là Đồng Cư độ. Tạng Thân là Pháp Tánh Thân, Tạng độ là Pháp Tánh Độ, tức Thường Tịch Quang Độ. Do vậy, niệm một danh hiệu Phật này là niệm tất cả hết thảy Phật!

Giống như hiện nay chúng ta là quốc gia dân chủ, trước kia là thời đại đế vương; chúng ta nói đến danh hiệu Tổng Thống là nói đến tất cả văn võ bá quan trong một nước, vì Tổng Thống là bậc nhất. Niệm danh hiệu của những vị Phật, Bồ Tát khác giống như gọi tên bộ trưởng, tỉnh trưởng, huyện thị trưởng, ý nghĩa là như vậy đó. Thế giới Cực Lạc là Pháp Giới Tạng Độ, giống như nói đến tên một quốc gia; [như nói] Trung Quốc thì tất cả hết thảy những tỉnh, huyện, thành phố của Trung Quốc há chẳng đều được tính gộp trong ấy hay sao? Niệm danh hiệu những cõi Phật khác giống như niệm tên một tỉnh, niệm tên một thành phố, như chúng ta nói đến Bắc Kinh, nói đến Thượng Hải, nói đến Giang Tô, chỉ là một địa khu, chứ không phải là toàn quốc.

Như vậy, nói đến thế giới Cực Lạc giống như nói về toàn thể, A Di Đà Phật là tên gốc của hết thảy chư Phật, không vị Phật nào lại chẳng vô lượng thọ, vô lượng giác ngộ, vô lượng đức năng, vô lượng trí huệ, vô lượng tướng hảo, mọi đức Phật đều là như vậy. Vì thế, đức Thế Tôn dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật, dạy chúng ta nhất định phải sanh về Cực Lạc Tịnh Độ. Đạo lý là ở chỗ này, đúng là “nhất niệm, nhất thiết niệm; nhất sanh, nhất thiết sanh” (niệm một là niệm hết thảy, sanh về một là sanh về hết thảy). Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là sanh về hết thảy các cõi Phật. Phải là người đại thiện căn, đại phước đức mới hòng làm được!

Thế nào là đại thiện căn, đại phước đức? Đối với pháp môn này, nếu ai có thể tin tưởng, có thể nhận hiểu, thực sự chịu thực hành thì người như vậy chính là đại thiện căn, đại phước đức. Gặp được Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu [pháp môn này] cho chúng ta, lại gặp được rất nhiều thiện tri thức đem pháp môn này giới thiệu cho mình, đấy chính là đại nhân duyên mà trong một đời này chúng ta được gặp gỡ! Gặp gỡ rồi lại có thể tin tưởng, hiểu biết, có thể thực hành, thực sự chẳng dễ dàng! Đây chính là kinh nghiệm của bản thân tôi. Tôi học Phật từ phương diện triết học, chứ không phải từ mặt tôn giáo, theo đuổi Phật giáo trên phương diện học thuật. Sau khi theo đuổi, mới dần dần nhận ra rất nhiều cái hay của Phật pháp, Phật pháp rộng lớn mênh mông, tinh túy, sâu thẳm, sanh khởi lòng ngưỡng mộ vô hạn; do vậy, mới nghiêm túc học tập!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20