Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,
Phần 11
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Tập 31
Chư vị đồng học!
Xin xem tiếp đoạn Tây Phương trong phần Sáu Phương Chư Phật, trước hết chúng tôi đọc kinh văn một lượt:
Xá Lợi Phất! Tây phương thế giới hữu Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Tịnh Quang Phật. Như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thực ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh”.
舍利弗。西方世界。有無量壽佛。無量相佛。無量幢佛。大光佛。大明佛。寶相佛。淨光佛。如是等恆河沙數諸佛。各於其國。出廣長舌相。遍覆三千大千世界。說誠實言。汝等眾生。當信是稱讚不可思議功德一切諸佛所護念經。
(Xá Lợi Phất! Thế giới phương Tây có Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Ðại Quang Phật, Ðại Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Tịnh Quang Phật. Hằng hà sa số chư Phật như thế đó, mỗi vị ở trong nước mình, hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực: “Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm này”).
Trong đoạn này, đức Thế Tôn nêu danh hiệu của bảy vị Phật trong các thế giới ở phương Tây. Quý vị thấy trong hai phần trên đều là năm vị Phật, ở chỗ này đột nhiên lại kể tên bảy vị Phật. Trong pháp hội Di Đà, con số Bảy tượng trưng cho viên mãn, như trong phần trước chúng ta đã thấy “thất trùng la võng, thất trùng hàng thụ, thất trùng lan thuẫn” (bảy tầng lưới mành, bảy tầng hàng cây, bảy tầng lan can). “Bảy” ở đây không phải là con số mà hoàn toàn nhằm biểu thị pháp, biểu thị sự viên mãn. Con số Bảy biểu thị viên mãn vì bốn phương, trên, dưới, thêm vào chính giữa thì sẽ là viên mãn. Kinh Hoa Nghiêm dùng con số Mười để biểu thị viên mãn, Mười là con số, từ một đến mười, đó là con số viên mãn. Từ mười đến một trăm, từ một trăm đến một ngàn đều nhằm biểu thị sự viên mãn. Kinh Di Đà dùng số Bảy để biểu thị viên mãn; chúng ta thấy trong kinh Vô Lượng Thọ có bảy, có mười sáu, có hai mươi mốt, có hai trăm mười ức đều nhằm biểu thị sự viên mãn, đều chẳng thể hiểu chúng chỉ là những con số. Thế giới Cực Lạc ở phương Tây, cho nên liệt kê danh hiệu bảy vị Phật ở phương Tây.
Vị Phật thứ nhất là Vô Lượng Thọ Phật. Vô Lượng Thọ Phật có phải là giáo chủ của Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Cũng có thể nói như vậy! Nhưng như trong phần trên đã nói, phương Tây có Hằng hà sa số chư Phật, trong số hết thảy chư Phật, có rất nhiều vị Phật đồng danh đồng hiệu. Dẫu đồng danh đồng hiệu, nhưng Vô Lượng Thọ Phật của Tây Phương Cực Lạc thế giới được đặc biệt tôn kính, là do ý nghĩa nào? Trong phần trên, tôi đã thưa cùng quý vị rồi, thế giới Cực Lạc không phải là một thế giới bình thường, mà là thế giới như thế nào? Giống như hết thảy chư Phật lập một ngôi trường ở đó, ngôi trường ấy là trường học của Phật, Bồ Tát. Hết thảy chư Phật giống như gia trưởng (người chủ trong gia đình), hết thảy chúng sanh giống như con cái; con cái muốn thành Phật, thành tựu trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, tướng hảo viên mãn thì phải đến đó học. Vì thế, lập ra một ngôi trường như vậy!
A Di Đà Phật làm hiệu trưởng của ngôi trường ấy, Quán Âm và Thế Chí giống như chủ nhiệm giáo vụ, chủ nhiệm huấn đạo. Vị hiệu trưởng ấy được hết thảy các gia trưởng tôn kính. Chắc từ tỷ dụ này quý vị hiểu rõ vì sao không một vị Phật nào lại chẳng tôn kính, tán thán A Di Đà Phật, vì sao? Chư Phật có tôn trọng thì đệ tử chư Phật mới tôn trọng; gia trưởng có tôn trọng thì con cái mới tôn trọng. Vì thế, chư Phật (gia trưởng) phải đứng ra nêu gương, dẫu Phật Phật đạo đồng, các vị Phật hoàn toàn bình đẳng, không có sai biệt, nhưng để biểu thị pháp, để giáo hóa chúng sanh nên hết thảy chư Phật đặc biệt tôn kính vị hiệu trưởng ấy. Đạo lý là như vậy đó! Vì thế, trong đoạn này, kinh văn liệt kê bảy đức Phật để biểu thị sự viên mãn.
Vị Phật thứ nhất là Vô Lượng Thọ Phật. Chúng ta thấy Vô Lượng Thọ là thọ mạng vô lượng. Thọ là một loại phước báo, người Hoa thường nói “ngũ phước lâm môn” (năm thứ phước vào cửa), phước bậc nhất trong năm phước là Thọ. Từ xưa, tổ sư đại đức khi giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ, nói đức bậc nhất (đức tánh to lớn nhất) của Tây Phương Tịnh Độ là gì? Thọ mạng trường cửu! Có thọ mạng trường cửu thì chúng ta tu hành chứng quả mới không khó; chẳng hạn như nói theo kinh này, phàm phu từ Sơ Phát Tâm đến khi tu thành Phật quả phải trải vô lượng kiếp; hàng Pháp Thân Bồ Tát từ Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo tu cho đến khi viên mãn Phật quả phải mất ba A-tăng-kỳ kiếp. Những con số ấy đều là con số thiên văn, không cách nào tính toán được! Đức Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vô lượng lần vô lượng thọ, hãy nên giảng như thế nào?