/ 20
1.070

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

Phần 10

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


Tập 28


Chư vị đồng học!

Xin hãy xem phần “chánh thị hành giả chấp trì danh hiệu dĩ lập hạnh” (dạy hành giả chấp trì danh hiệu để lập hạnh). Phần giảng nghĩa được chia thành chín đoạn, hôm nay chúng ta xem đến đoạn cuối cùng. Đoạn thứ chín là “trùng khuyến phát nguyện” (lại khuyên phát nguyện). Chúng tôi đọc kinh văn một lượt:


Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn, nhược hữu chúng sanh văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện sanh bỉ quốc độ.

利弗。我見是利。故說此言。若有眾生。聞是說者。應當發願。生彼國土。

(Này Xá Lợi Phất! Ta thấy điều lợi ấy nên nói như thế này: Nếu có chúng sanh nghe nói như vậy, hãy nên phát nguyện sanh về cõi nước ấy).


Kinh văn nói “ngã kiến thị lợi” (ta thấy điều lợi ấy), [tổ Ngẫu Ích giảng] “thị Phật nhãn sở kiến, cứu tận minh liễu dã” (là do chính mắt đức Phật thấy, thấu hiểu rốt ráo). Đây không phải là cái thấy của người tầm thường, mà là do chính Thích Ca Mâu Ni Phật đích thân thấy. Điều này rất quan trọng, chúng ta chớ vô tâm hời hợt đọc lướt qua. Điều Thích Ca Mâu Ni Phật trông thấy được, nói thật ra, chúng ta chẳng thể thấy được, [đức Phật thấy được] lợi ích hết sức lớn lao! Chúng ta coi tiếp đoạn văn [trong sách Yếu Giải], rốt cuộc điều lợi ích ấy chính là gì vậy? “Thị lợi giả, hoành xuất ngũ trược, viên tịnh tứ độ, trực chí Bất Thoái vị, thị vi bất khả tư nghị công đức chi lợi” (Điều lợi ích ấy là vượt thoát [cõi nước] ngũ trược theo chiều ngang, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, đạt thẳng đến địa vị Bất Thoái, đấy là lợi ích công đức chẳng thể nghĩ bàn). Lợi ích tuyệt diệu như vậy đó! Trong hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, không có gì hơn được lợi ích này! Vô lượng vô biên pháp môn của hết thảy chư Phật trọn khắp pháp giới hư không giới đều chẳng thể sánh bằng lợi ích này. Chúng ta được hạnh ngộ pháp này quả thật chẳng phải là chuyện dễ!

Thứ nhất là “hoành xuất ngũ trược”, quý vị phải nhớ kỹ điều này! Bất luận tu học pháp môn nào khác cũng chẳng thể “hoành xuất” (vượt khỏi tam giới theo chiều ngang); nói cách khác, quý vị tu học nhất định phải tiến lên từng bước một, giống như đi học: Tiểu học, sơ trung (trung học đệ nhất cấp, cấp hai), cao trung (trung học đệ nhị cấp, hay cấp ba), đại học, nghiên cứu sinh, tiến lên dần dần. Mỗi một giai đoạn gồm một năm học, hai năm học, ba năm học, bốn năm học. Phương pháp ấy gọi là “thụ xuất” (vượt thoát [tam giới] theo chiều dọc), khó lắm! Rất ư là khó! Nay pháp môn này thật đặc biệt, hoành xuất! Nay chúng ta đang mang thân người, phía trên cõi người là cõi trời, tức Dục Giới Thiên. Quý vị phải biết Dục Giới Thiên gồm Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, tiến lên từng bước một. Nay chúng ta không cần phải như thế, từ nhân đạo vượt ngang ra khỏi tam giới (hoành xuất), thoát khỏi lục đạo luân hồi, có đạo lý như vậy hay chăng? Vì thế, pháp môn này được gọi là pháp khó tin, thực sự khó tin lắm!

Vượt thoát bèn đến đâu vậy? Phi phàm lắm! Giống như đi học, nay chúng ta đang học tiểu học, tiểu học là lớp Một, không cần học lớp Hai, chúng ta thoát ra bèn học ngay lớp dành cho nghiên cứu sinh. Chẳng phải là không có người như vậy, nhưng hiếm lắm, phải là đứa trẻ thiên tài kia! Thế nhưng chúng ta không phải là thiên tài, dẫu chẳng phải là thiên tài mà vẫn vượt cấp được, đã vượt cấp học ngay vào lớp nghiên cứu sinh, mà còn thực sự thành tựu nữa kia, chẳng thể nghĩ bàn! Bởi thế, câu “ngã kiến thị lợi” (ta thấy điều lợi này) ở phía trước [đoạn kinh văn vừa nói trên đây] hết sức quan trọng. Vì sao? Đức Phật phải nêu chứng minh cho chúng ta thấy; nếu không phải do chính đức Phật nói, chúng ta sẽ chẳng thể tin nổi pháp môn này. Vì sao? Vì không tìm được căn cứ để lý luận! Nay chúng ta tin lời A Di Đà Phật, nhưng thật ra trên mặt căn cứ lý luận chúng ta vẫn hồ đồ, vẫn không biết. Thế nhưng chúng ta tin lời Thích Ca Mâu Ni Phật chắc chắn là chân thật: “Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất vọng ngữ giả” (Như Lai là bậc nói lời chân thành, nói lời thành thật, nói đúng như sự thật, không nói lời gạt gẫm, không nói dối). Chắc chắn Ngài chẳng lừa dối chúng ta, chúng ta nghe lời Ngài, thực hành theo lời Ngày dạy, chắc chắn không lầm. Thế là tốt! Thực sự có phước báo, người như vậy thực sự có thiện căn, người như vậy thực sự phi phàm, chư Phật, Bồ Tát đều tán thán, hoành siêu mà!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20