/ 20
624

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

Phần 9

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Tập 25

 

  Chư vị đồng học!

  Chúng ta xem tiếp tiểu đoạn thứ năm:

  “A Di Đà Phật thị vạn đức hồng danh, dĩ danh triệu đức, khánh vô bất tận. Cố tức dĩ chấp trì danh hiệu vi Chánh Hạnh, bất tất cánh thiệp quán tưởng, tham cứu đẳng hạnh, chí giản dị, chí trực tiệp dã” (A Di Đà Phật là vạn đức hồng danh, dùng danh để chiêu vời đức không còn sót chút nào. Vì thế, bèn lấy chấp trì danh hiệu làm Chánh Hạnh, chẳng cần phải tu kèm thêm các hạnh quán tưởng, tham cứu..v.v.. [Trì danh niệm Phật] hết sức đơn giản, dễ dàng, hết sức thẳng chóng). Tiểu đoạn này chỉ cho chúng ta thấy chỗ thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của pháp môn này, đúng là pháp khó tin, quá dễ dàng, quá đơn giản; bởi thế, rất nhiều người được biết đến pháp này nhưng không thể nào tiếp nhận được.  

  Danh hiệu A Di Đà Phật là vạn đức hồng danh, nghĩa là sao? Danh hiệu ấy là danh hiệu của tự tánh, là danh hiệu của Tánh Đức. A Di Đà Phật là tiếng Phạn, nếu chiếu theo mặt chữ để dịch nghĩa ra thì A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật dịch là Giác, hoặc là Trí; dịch nghĩa toàn bộ danh hiệu sang tiếng Hán là Vô Lượng Trí hoặc Vô Lượng Giác. Quý vị hãy suy nghĩ danh hiệu này, Vô Lượng Trí là bản thể của tự tánh; Vô Lượng Giác là đức dụng của tự tánh, bao quát hết sạch! Bởi thế, cổ đức gọi danh hiệu này là “vạn đức hồng danh”, tức danh hiệu [nêu lên] toàn thể đại dụng của Chân Như tự tánh.

  “Dĩ danh triệu đức, khánh vô bất tận” (Dùng danh hiệu để chiêu vời đức trọn chẳng còn sót): Danh nhất định phải tương ứng với Thực. Chúng ta niệm danh hiệu này để chiêu vời đức của ai? Chiêu vời đức của tự tánh, chiêu vời lấy tánh đức của chính mình. Nói cách khác, dùng một câu danh hiệu để kêu gọi, lay tỉnh tự tánh, tìm lại Tánh Đức của chúng ta. Thể và Dụng trong tự tánh của chúng ta không hề bị mất, chỉ bị gì? Bị mê mà thôi! Dùng một câu Phật hiệu này để phá vỡ cái ải mê muội, hòng chuộc lại Thể và Dụng của tự tánh. Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, ắt mới chết sạch ý tưởng so đo, khiêm hư sát đất chấp trì danh hiệu, mới hiểu danh hiệu này và pháp môn này; mà cũng chẳng thể tìm đâu ra pháp môn nào khác thù thắng hơn được pháp môn này; đã thế, pháp môn này lại rất dễ dàng, rất đơn giản!

   Tất cả hết thảy mọi thứ trong khắp hư không pháp giới đều bao gồm trọn vẹn trong danh hiệu này, “khánh vô bất tận” (trọn không còn sót). Trong Phật pháp có hai câu nói nếu như chúng ta thực sự có thể lãnh hội được thì quý vị sẽ hiểu rõ [vì sao nói “khánh vô bất tận”]: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”; hai câu này chúng ta nghe đã quen tai, cũng như nói quen miệng, nhưng chúng có nghĩa là gì vậy? Người thực sự hiểu được không nhiều, đó là toàn thể pháp giới đấy. Con người hiện tại bảo là vũ trụ; còn trong Phật pháp gọi là pháp giới. Chữ “pháp giới” hay hơn chữ “vũ trụ” nhiều, vì sao? Trong danh từ “vũ trụ” không có “linh tri”, trong pháp giới có “linh tri”. Pháp giới sống động, vũ trụ chết cứng. Vì thế, từ ngữ “pháp giới” hay hơn “vũ trụ”. Phạm vi của vũ trụ không lớn như pháp giới, bởi lẽ, pháp giới trùng trùng vô tận. Pháp giới không có lớn - nhỏ, không có đến - đi, không có sau - trước, không có sanh - diệt, không có hữu - vô, mầu nhiệm đến mức cùng tuyệt, chẳng thể nghĩ bàn! Chữ “vũ trụ” không chứa đựng những tư tưởng ấy.

  Danh tướng trong Phật học rất thù thắng! Danh dùng để chiêu vời đức. Danh hiệu A Di Đà Phật là tổng danh hiệu (danh hiệu chung, danh hiệu tổng quát). Nói theo danh từ, thuật ngữ trong Phật pháp, danh hiệu ấy là tổng danh hiệu, [có nghĩa là] danh hiệu của tất cả hết thảy chư Phật đều lưu xuất từ danh hiệu này, danh hiệu của tất cả hết thảy Bồ Tát cũng lưu xuất từ danh hiệu này; tất cả hết thảy danh hiệu của hết thảy chúng sanh vẫn không thể tách rời được danh hiệu này. Đó chính là điều được phô diễn bởi kinh Hoa Nghiêm, chúng tôi đã đọc thấy như vậy trong phẩm Như Lai Danh Hiệu. Bởi vậy, “tức dĩ chấp trì danh hiệu vi Chánh Hạnh” (liền lấy chấp trì danh hiệu làm Chánh Hạnh). Tu pháp môn Tịnh Độ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới phải tu như thế nào? Chánh Hạnh, tức phương pháp tu hành chánh thức, chính là Niệm Phật. Phật pháp phải phá chấp trước, nhưng pháp môn này lại dùng chấp trước, tức là chấp trước danh hiệu; ngoại trừ danh hiệu ra, tất cả hết thảy những thứ chấp trước khác đều buông xuống, không còn chấp trước nữa, chỉ chấp trước danh hiệu mà thôi! Giữ gìn sao cho niệm niệm không đánh mất danh hiệu này là Trì (持); niệm niệm đều là A Di Đà Phật, đó chính là Trì. Hãy nhớ kỹ! A Di Đà Phật là “Vô Lượng Trí, Vô Lượng Giác”; nói cách khác, niệm niệm giác chứ không mê, niệm niệm chánh chứ không tà, niệm niệm tịnh chứ không nhiễm, đó là tự tánh A Di Đà! tự tánh Tam Bảo, Tam Bảo là nhất thể, một nhưng ba, ba mà một!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20