/ 20
553

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

Phần 8

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Tập 22

 

  Chư vị đồng học!

  Xin xem tiếp tiết thứ hai của đoạn thứ hai “nhất sanh thành Phật” (thành Phật trong một đời) [trong sách Yếu Giải]:

  “Kinh vân: Di Đà Niết Bàn, Quán Âm tức bổ Phật vị, hiệu Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, quốc danh Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm, kỳ Phật diệt hậu, Đại Thế Chí Bồ Tát tức bổ Phật vị, hiệu Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai” (Kinh dạy: Đức Phật Di Đà nhập Niết Bàn, ngài Quán Âm liền kế tục thành Phật, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, cõi nước tên Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm. Sau khi đức Phật ấy diệt độ, Đại Thế Chí Bồ Tát liền kế tục làm Phật, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai). Đoạn kinh này thuyết minh Tây Phương Cực Lạc thế giới quả thật thù thắng khôn sánh, không giống với các cõi Phật phương khác. Thông thường, các cõi Phật khác sau khi Phật diệt độ nói chung sẽ có một khoảng thời gian [không có Phật], thời gian ấy dài hay ngắn không giống nhau. Nói chung, sẽ giống như trong thế giới Sa Bà của chúng ta, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, Bổ Xứ Bồ Tát nay đang ở trên trời Đâu Suất; thọ mạng trên cõi trời Đâu Suất hết rồi, Ngài mới đến thị hiện thành Phật trong thế gian này. Thọ mạng trong cõi trời Đâu Suất rất dài. Chúng ta biết một ngày trên trời Đâu Suất bằng bốn trăm năm trong nhân gian. Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: Một ngày trên trời Đao Lợi bằng một trăm năm dưới trần, thọ mạng của Đao Lợi Thiên là một ngàn năm. Dạ Ma Thiên nhiều gấp bội: Một ngày trên Dạ Ma Thiên bằng hai trăm năm trong nhân gian; thọ mạng là hai ngàn năm. Trời Đâu Suất lại tăng gấp bội: Một ngày trên Đâu Suất bằng bốn trăm năm trong nhân gian; thọ mạng là bốn ngàn năm.

  Chư vị cứ tính ra là biết ngay: Một ngày bằng bốn trăm năm, mỗi năm lại có ba trăm sáu mươi lăm ngày mà [thọ mạng] lại có đến bốn ngàn năm lận; vì thế, trong kinh Di Lặc Hạ Sanh nói: Đại khái nếu tính theo năm tháng trong nhân gian thì thọ mạng cõi trời Đâu Suất là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm. Sau năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, Di Lặc Bồ Tát mới từ cõi trời Đâu Suất giáng sanh thị hiện thành Phật trong nhân gian. Đâu Suất Thiên là Tri Túc Thiên, là nơi cư trụ của Bổ Xứ Bồ Tát. Vì vậy, nói thật ra, thời gian có Phật trong thế gian này của chúng ta rất ít, thời gian không có Phật rất dài. Quý vị thấy pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm, phải năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, Di Lặc Bồ Tát mới giáng sanh; trong đêm tối dài dằng dặc ấy, chúng sanh đau khổ thay!

  Thế nhưng, Phật, Bồ Tát hết sức từ bi, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, Di Lặc Phật chưa xuất sanh, trong khoảng thời gian đó làm thế nào đây? Chúng ta thấy trong kinh Địa Tạng, Thích Ca Mâu Ni Phật đã ủy thác Địa Tạng Bồ Tát thay Phật giáo hóa chúng sanh. Sứ mạng của Địa Tạng Bồ Tát rất lớn, trong một thời gian dài dằng dặc như vậy phải giúp đỡ chúng sanh khốn khổ, hoạn nạn. Chúng ta thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới khác xa thế giới của mình: A Di Đà Phật thị hiện nhập bát Niết Bàn, Quán Âm Bồ Tát lập tức thị hiện thành Phật. Quán Âm Bồ Tát thành Phật, thế giới ấy không gọi là Cực Lạc nữa, mà đổi thành thế giới Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm. Quán Âm Bồ Tát có đức hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai. Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta tiên đoán sự kiện trong vô lượng kiếp sau. A Di Đà Phật vô lượng thọ, mà A Di Đà thành Phật đến nay mới chỉ mười kiếp; nói cách khác, Ngài mới thành Phật chưa lâu. Thế giới Cực Lạc hết sức thù thắng!

  Quán Âm Bồ Tát thị hiện thành Phật, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai. Sau khi lão nhân gia nhập diệt, Đại Thế Chí Bồ Tát lại thị hiện thành Phật tiếp theo liền. Lúc đó, chẳng gọi là Đại Thế Chí Bồ Tát, mà gọi là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai. Thật đấy! Công đức bảo vương của Bồ Tát thù thắng khôn sánh, quý vị thấy Ngài tu tập, tích lũy công đức trong vô lượng kiếp lần vô lượng kiếp, thị hiện gương sáng cho chúng ta thấy. Cớ sao chúng ta không thể tích cực đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức? Tuy Pháp Thân Bồ Tát đã chứng đắc tâm tánh đến mức cùng cực, Ngài vẫn vì hết thảy chúng sanh thị hiện tu đức, từ bi đến mức độ cùng cực; dạy dỗ chúng ta, làm gương cho chúng ta thấy. Nếu chúng ta không giác ngộ, chẳng thể lãnh hội, làm sao xứng đáng với Phật, Bồ Tát đã vì chúng ta thị hiện, diễn nói?

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20