/ 20
615

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,

Phần 7

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


Tập 19


Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp đoạn cuối cùng của phần “hàng cây diễn pháp”. Để tổng kết kinh văn, đức Phật bảo:


Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

舍利弗。其佛國土。成就如是功德莊嚴。

(Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế).

Ở phần trên, tôi đã thưa cùng quý vị đại ý của đoạn tổng kết. Nói chung, đức Thế Tôn kỳ vọng chúng ta sẽ sanh lòng tin sâu đậm chẳng nghi ngờ đối với hết thảy sự trang nghiêm trong thế giới Tây Phương, chúng được thành tựu bởi hạnh nguyện của A Di Đà Phật, cũng như do “tịnh nghiệp của mỗi hành nhân vãng sanh Tịnh Độ cảm thành, chỉ do Thức biến”. Tâm Phật và tâm chúng sanh dung hợp thành một thể, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn! Cuối cùng, chúng tôi nói: “Toàn Lý thành Sự, toàn Sự tức Lý, toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh” (toàn bộ Lý chính là Sự, toàn bộ Sự chính là Lý, hoàn toàn khởi tu nơi tánh, toàn bộ tánh dốc hết nơi tu). Bốn câu này bàn luận đến mức cùng tuyệt, tức là “Tánh và Tu không hai”, Tánh Đức và Tu Đức dung hợp thành một Thể. Đạo lý này hết sức sâu xa, nhưng nếu luận trên mặt sự tướng tu học của Tịnh Độ thì lại vô cùng “thiển hiển” (rõ ràng, dễ hiểu). Nói tới chỗ này chính là thâm - thiển bất nhị (sâu và cạn chẳng hai).

Câu cuối cùng chính là lời cảm thán thiết tha của đại sư Ngẫu Ích: “Nại hà, ly thử Tịnh Độ, biệt đàm duy tâm Tịnh Độ, cam đọa thử tức điểu không chi tiếu dã” (Sao lại lìa Tịnh Độ này để bàn riêng lẽ duy tâm Tịnh Độ, cam chịu tiếng chê ‘thử tức điểu không’). Hết sức cảm thán! Đây là lời trách những kẻ chẳng chất phác, thật thà niệm Phật, coi rẻ pháp môn Niệm Phật, thích “đàm huyền thuyết diệu” (bàn luận những chuyện huyền diệu). Nếu bảo là Có thì thật ra, kẻ ấy chưa hiểu được lý Diệu Hữu. Nếu nói là Không, kẻ ấy cũng chẳng biết đạo lý Chân Không; toàn là nghe lỏm nói mò đó thôi! Nói chung, không thoát khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước! Cuối câu nói trên đây, Tổ nêu thí dụ: “Thử tức” là tiếng chuột kêu, “điểu không” là chim bay trên không chẳng lưu lại dấu tích. Dùng những hình ảnh này để tỷ dụ: Dùng Thử Tức[1] để tỷ dụ những kẻ nói Có nhưng chẳng biết lý Diệu Hữu; dùng Điểu Không để tỷ dụ những kẻ ưa thích nói Không, nhưng thực sự chẳng hiểu thế nào là Chân Không. Chân Không và Diệu Hữu là một, chứ không phải hai.

Trong kinh điển Đại Thừa, đức Phật thường giảng: “Tướng có, tánh không; từ trong Không sanh ra Có, Có trở về Không”, sanh ra rồi quay về, trong thực tế, chúng ta không có cách gì hiểu được, tốc độ [diễn biến] quá nhanh. Vì thế, đức Phật nói là “bất sanh, bất diệt”. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: “Như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán” (Như sương cũng như chớp, nên thường quán như vậy). Kinh Lăng Nghiêm giảng: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Ngay chỗ này xuất sanh, ngay nơi này diệt mất). Sanh - diệt hầu như đồng thời, bởi thế gọi là “bất sanh, bất diệt”. Niệm thứ nhất vừa diệt, niệm thứ hai bèn sanh tiếp theo ngay. Niệm thứ hai vừa diệt, niệm thứ ba liền sanh tiếp theo ngay. Tốc độ nhanh chóng, chẳng những phàm phu không thể biết, kinh Đại Thừa nói ngay cả hàng Thất Địa Bồ Tát cũng không biết, từ Bát Địa Bồ Tát trở lên mới thấy được. Dùng công phu định lực rất sâu như vậy thì Bát Địa Bồ Tát mới thấy được cái tướng Động cực kỳ vi tế ấy (tướng Động ấy chính là vô minh, là nghiệp tướng vô minh).

Hiện tại các nhà khoa học đã từ phương pháp suy luận Toán Học tìm ra đạo lý này; họ nói Hữu từ đâu mà có? Hữu từ Không sanh ra, “vô trung sanh hữu”. Hữu lại trở về Không trong từng sát-na. Chúng ta nói là từng sát-na, chứ thật ra thời gian tính bằng sát-na vẫn còn dài lắm! Không có cách gì diễn tả được hết! Người “luận Không, bàn Có” chẳng tách khỏi ý thức; nói cách khác, hoàn toàn không rời được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, giống như chuột kêu, như chim bay trên không, chẳng tìm được dấu tích. Đại Sư cảm thán cho những kẻ có duyên phận gặp được pháp môn này, nhưng chẳng chịu thật thà tu tập, thật đáng tiếc!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20