/ 20
612

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

phần 6

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Chư vị đồng học!

Chúng tôi giảng tiếp đoạn nhỏ thứ tư Ngũ Căn và đoạn nhỏ thứ năm Ngũ Lực trong phần “thuyết pháp trang nghiêm”. Ngũ Căn và Ngũ Lực có thể cùng gộp lại để giảng, đó là Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ.

Căn (根) có nghĩa là giống như thực vật có rễ. Rễ có thể sanh và trì. Trì (持) là “bảo trì” (gìn giữ), Sanh (生) là có thể sanh trưởng, chữ Căn có nghĩa như vậy. Căn gồm có năm thứ nên gọi là Ngũ Căn, tức Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn, Huệ Căn. Nói đến đây, chúng ta phải nhớ kỹ: Trong phần đầu [của bảy khoa Đạo Phẩm] là ba khoa, có tổng cộng mười hai phương pháp tu học, tức là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Mười hai khoa mục này hết sức quan trọng, thông cả thế pháp lẫn xuất thế pháp.

Tứ Niệm Xứ dạy chúng ta thấy thấu suốt, nhận thức, hiểu rõ chân tướng nhân sinh và vũ trụ, chẳng mê hoặc; bởi thế, chúng thuộc về trí huệ. Chúng tôi nói Tứ Chánh Cần là học tập tích công lũy đức; đoạn ác tu thiện phải căn cứ trên những chuẩn tắc này. Ba mươi bảy Đạo Phẩm là ba mươi bảy công khóa siêu việt thời gian lẫn không gian, cũng như siêu việt hết thảy pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Chúng là nguyên tắc, nguyên lý, giống như công thức trong Toán Học; ứng dụng triển khai của chúng đúng là vô lượng vô biên, không một pháp nào chẳng dựa theo nguyên lý, nguyên tắc này để đạt đến thành tựu viên mãn cả.

Hôm nay, chúng tôi giảng đến Ngũ Căn và Ngũ Lực, kinh Di Đà chỉ nói bắt đầu từ những pháp này. Vì sao vậy? Giảng về đại pháp xuất thế gian. Phần trên là những pháp chung cho cả thế gian lẫn xuất thế gian; nay phải giảng đại pháp xuất thế gian. Chúng ta cầu điều gì? Cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật quả viên mãn rốt ráo. Căn là gì ta phải hiểu rõ! Căn là tự tánh của đương nhân, đương nhân là chính mình, chính bản thân mình, là tự tánh của chính mình; chân tâm, bổn tánh chính là Căn. Trong Phật pháp thường nói hết thảy chúng sanh vốn sẵn là Phật, vốn sẵn là Phật chính là Căn. Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói: “Bản Giác vốn có”, Bản Giác là Căn. “Vốn sẵn thành Phật”“Bản Giác vốn có”, hai câu này cùng một ý nghĩa, cùng nói về một sự. Kẻ học Nho nói: “Nhân chi sơ tánh bản thiện” (Con người lúc đầu vốn là lành), “bản thiện” chính là Căn.

Trong Hệ Niệm Pháp Sự, Trung Phong đại sư nói: “Ngã tâm tức thị A Di Đà Phật, A Di Đà Phật tức thị ngã tâm” (Tâm ta chính là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật chính là tâm ta), “tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm” (tâm chính là Phật, Phật chính là tâm). Tâm và Phật là một, chẳng phải hai. Đó chính là Căn! Tất cả hết thảy thiện pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều sanh từ Căn này. Người thế gian chẳng tin trong thế giới này có người tốt, chúng ta nghe rất nhiều người nói: “Tánh con người đều là thiện”, hay “tánh con người đều là ác”, “người như vậy không có căn!” Chẳng phải không có căn, kẻ ấy chỉ không tin chính mình có Căn, chẳng tin tưởng hết thảy chúng sanh đều có Căn, nên phiền toái rất lớn. Tất cả hết thảy ác niệm, ác pháp, ác nghiệp đều sanh từ đó, nó là gốc của hết thảy tội ác, hết thảy tai nạn. Kẻ ấy chẳng tin tưởng tánh con người vốn lành, chẳng tin hết thảy chúng sanh vốn sẵn thành Phật, chẳng tin “tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm” (tâm chính là Phật, Phật chính là tâm). Chuyện này rắc rối lắm đây!

Kẻ ấy chẳng tin tưởng, ta cũng chẳng thể trách móc hắn được! Nho và Phật giảng rất rõ ràng, rất minh bạch; vì sao kẻ ấy chẳng tin. Tam Tự Kinh nói: “Cẩu bất giáo, tánh nãi thiên” (Nếu không dạy, tánh bèn đổi), “tánh tương cận, tập tương viễn” (tánh vốn gần [điều thiện], nhưng do hoàn cảnh, huân tập mà tánh bèn xa dần [điều lành]). Luận trên phương diện “tánh người vốn lành” thì tất cả hết thảy chúng sanh đều có bổn tánh là lành, đều giống hệt như nhau, vì sao trở thành khác biệt? Biến thành khác biệt là vì tập tánh, chứ chẳng phải là bổn tánh. Nhưng vì các chúng sanh ngỡ tập tánh là bổn tánh, hiểu sai lầm. Sự sai lầm ấy đúng là sai chỉ hào ly, lầm đến ngàn dặm. Chẳng dễ dàng đâu! “Cẩu bất giáo, tánh nãi thiên” (nếu không dạy, tánh bèn thay đổi [theo chiều hướng xấu]). Nếu chúng ta gặp được thầy tốt dạy dỗ, chúng ta sẽ hiểu rõ, sẽ giác ngộ. Chúng ta khẳng định tự tánh của chính mình vốn lành, tâm mình đích xác là Phật, khẳng định chính mình có chân tâm.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20