580

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,

phần 5

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

Tập 13

 

  Chư vị đồng học!

  Trong phần Y Báo giảng đến:

 

  Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc. Cố danh Cực Lạc.

  其國眾生。無有眾苦。但受諸樂。故名極樂。

  (Chúng sanh trong cõi ấy không có các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên có tên là Cực Lạc).

 

  Loại thứ nhất trong “chúng khổ” (các khổ) là Khổ Khổ. Trong Khổ Khổ có tám thứ: Sanh, lão, bệnh, tử, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội – bảy thứ này là quả báo của Khổ; nỗi khổ cuối cùng là nói tổng quát, khổ rốt cuộc từ đâu có? Đức Phật dạy: Ngũ Ấm Xí Thạnh (năm Ấm hừng hực). Ngũ Ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc là vật chất, thân thể của chúng ta là một phần vật chất thuộc về Sắc, [thân thể thuộc] Sắc pháp. Nay ta gọi Tưởng, Thọ, Hành, Thức là “tinh thần”. Tất cả hết thảy động vật, chúng ta gọi là “hữu tình chúng sanh”, đều là thân Ngũ Ấm. Nói cách khác, sanh mạng là do tinh thần và vật chất tổ hợp thành. Vật chất là nhục thể (cái thân xác thịt); vì thế, phải gánh chịu sanh - lão - bệnh - tử; nơi tinh thần luôn phải hứng chịu những nỗi khổ cầu bất đắc (cầu chẳng được), ái biệt ly (thương yêu mà bị chia lìa), oán tắng hội (chán ghét mà cứ phải gặp gỡ).

  Thọ - Tưởng - Hành - Thức, Thức là thân nhân duyên của hết thảy khổ. Phật pháp nói trong A Lại Da Thức chứa đựng các chủng tử tập khí, những chủng tử ấy là thân nhân duyên của hết thảy khổ, vui. Tưởng, Hành là Sở Duyên Duyên, là Vô Gián Duyên[1]. Thọ (受) là quả báo, Thọ là gì? Quý vị cảm nhận, chịu khổ, chịu vui. Quý vị gây tạo thiện duyên, thiện nhân, bèn có lạc thọ. Nếu tạo tác ác nhân, ác duyên, những gì quý vị cảm nhận là khổ thọ. Toàn bộ tam giới chẳng ra khỏi định luật này. Nói thật ra, bọn phàm phu chúng ta chẳng biết đến đạo lý này, đâu có hiểu trong thế gian có chuyện này. Đức Phật xuất hiện trong thế gian nói cho chúng ta biết chân tướng của nhân sanh.

  Thực sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta mới hòng được cứu, mới biết mình phải nên làm gì. Hết thảy chúng sanh dù thọ sanh trong đường nào, cũng đều có nhân duyên. Phật pháp gọi cái dẫn ta đi đầu thai trong một đường nào là “dẫn nghiệp”. Nghiệp lực làm chủ tể, tự mình chẳng làm chủ được, nghiệp lực lôi ta đi. Nhất định phải hiểu sự việc này! Phật, Bồ Tát chẳng thể làm chủ cho chúng ta; Thượng Đế, vua Diêm La cũng chẳng thể làm chủ cho ta. Ai làm chủ tể? Nghiệp lực làm chủ tể, nghiệp chướng lôi ta đi!

  Quý vị sanh vào nhân đạo, rốt cuộc là do nghiệp lực gì? Đức Phật dạy chúng ta: Trong đời trước, ta đã từng tu Ngũ Giới, Thập Thiện. Nghiệp lực Ngũ Giới, Thập Thiện dẫn ta đầu thai vào nhân đạo. Sanh vào thiên đạo là thượng phẩm Thập Thiện, lại còn phải có Tứ Vô Lượng Tâm: Từ - Bi - Hỷ - Xả; tu thượng phẩm Thập Thiện, do nghiệp lực ấy lôi kéo, sanh vào Dục Giới thiên. Dưới đó là ba ác đạo. Tâm tham không chán, nghiệp lực ấy dẫn sanh vào đường ngạ quỷ, quỷ tham lam! Tâm sân khuể dẫn vào đường địa ngục, ngu si dẫn vào đường súc sanh. Đó là dẫn nghiệp, dẫn quý vị sanh vào một đường nào đó.

  Sanh vào một đường nào đó xong, hiện nay trên thế giới này có gần bảy mươi ức người, những người ấy sanh vào địa cầu này đều được mang thân người. Nói cách khác, trong đời quá khứ họ từng đã tu Ngũ Giới, Thập Thiện, đời này được thân người; nhưng được làm thân người rồi, ngay trong một đời này, có người hưởng thụ vinh hoa phú quý, có người cả đời chịu khổ thọ nạn, bần cùng, hèn hạ, là do nguyên nhân gì? Đức Phật gọi đó là “mãn nghiệp”. Nghiệp có hai thứ:

1) Một là dẫn nghiệp, dẫn quý vị sanh vào một con đường nào đó.

2) Mãn nghiệp là tình trạng cuộc sống của một đời trong đường đó, tức cuộc sống tinh thần và cuộc sống vật chất của quý vị. Đó là gì? Phật pháp nói là do quý vị tu phước hay tạo nghiệp trong quá khứ.

Điều trọng yếu nhất trong việc tu phước là Bố Thí; bởi thế, bố thí chẳng bị thiệt thòi. Trong đời quá khứ, quý vị thường thích tu Tài Bố Thí, trong một đời này sẽ được giàu có. Nói cách khác, nhất định được hưởng cuộc sống vật chất rất tốt, nhưng chưa chắc quý vị thông minh, trí huệ. Thật đấy! Chúng ta thấy trong thế gian này có rất nhiều chủ xí nghiệp rất giàu có, thậm chí còn chưa học đến Trung Học, chỉ học xong Tiểu Học, hoặc tốt nghiệp Sơ Trung (cấp 2, Trung Học Đệ Nhất Cấp), nắm giữ gia tài ức vạn. Trong kinh, đức Phật giảng đó là do trong quá khứ tu phước nhưng không tu huệ, tức là tu Tài Bố Thí, chẳng biết tu Pháp Bố Thí. Có của cải, nhưng không thông minh, trí huệ.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net