/ 20
723

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký,

phần 4

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


Tập 10


6.3. Chánh Tông Phần


Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp đoạn lớn thứ hai của kinh A Di Đà trong Hệ Niệm Pháp Sự, tức phần Chánh Tông. Đoạn lớn này là một bộ phận trọng yếu nhất của kinh A Di Đà; được chia thành ba đoạn vừa (trung đoạn):

1) Đoạn thứ nhất là “quảng trần bỉ độ y chánh diệu quả dĩ khải tín” (trình bày rộng rãi về diệu quả y báo và chánh báo của cõi kia để khơi gợi lòng tin).

2) Đoạn thứ hai là “đặc khuyến chúng sanh ưng cầu vãng sanh dĩ phát nguyện” (đặc biệt khuyên chúng sanh nên phát nguyện cầu vãng sanh).

3) Đoạn thứ ba là “chánh thị hành giả chấp trì danh hiệu dĩ lập hạnh” (dạy hành giả chấp trì danh hiệu để lập hạnh).

Phần Chánh Tông cũng là ba đoạn tương ứng với Tín, Nguyện, Hạnh. Cả ba đoạn này đều khá dài; nay chúng ta học tập một đoạn.


6.3.1. Rộng bày diệu quả y báo, chánh báo để khởi tín


Xin hãy xem kinh văn từ:


Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc?”

利弗。彼土何故名為極樂。

(Xá Lợi Phất! Cõi ấy vì sao có tên là Cực Lạc?)


Đấy là đoạn bắt đầu cho đến:


Chư Bồ Tát chúng diệc phục như thị. Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc

độ, thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

菩薩眾亦復如是。舍利弗。彼佛國土。成就如是功德莊嚴。

(Các vị Bồ Tát cũng giống như vậy. Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế đó).


Chúng ta lại phải chia [đoạn lớn này] thành những tiểu đoạn để nghiên cứu, học tập.


6.3.1.1. Minh định tông chỉ: Tín nguyện trì danh


Tiểu đoạn thứ nhất là “Tín nguyện trì danh, nhất kinh yếu chỉ, tín nguyện vi Huệ hạnh, trì danh vi Phước hạnh” (Tín nguyện trì danh là tông chỉ trọng yếu của kinh, tín nguyện là hạnh thuộc về Huệ, trì danh là hạnh thuộc về Phước). Học tập kinh này, trước hết phải nhận biết chính xác mới hòng nhận thức chính xác, hiểu rõ ràng. Ở phần trên, tôi đã báo cáo cùng quý vị sự thù thắng của bản kinh này, mười phương chư Phật cùng tán thán! “Tuyệt đối viên dung, siêu tình ly kiến, chẳng thể nghĩ bàn”. Tông chỉ trọng yếu của bản kinh này là giềng mối để ta học tập, trong nhà Phật nói: Cương lãnh tu hành, tổng nguyên tắc tu hành chính là “tín nguyện trì danh” hay Tín - Nguyện - Hạnh. Tín - Nguyện là Huệ, tức là thiện căn như đã nói ở phần trên. Trì Danh là phước! Người chịu niệm Phật là có phước. Không thể niệm Phật là vì sao? Vì bạc phước! Đúng là có không ít người, dạy họ niệm một câu Phật hiệu sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật”, thậm chí đơn giản hơn một chút là bốn chữ A Di Đà Phật, họ cũng chẳng thể niệm được.

Nếu chẳng nghiên cứu, thảo luận kinh điển thì chúng tôi chẳng nói; nhưng nếu nghiên cứu, thảo luận kinh điển, tự bản thân chúng ta phải hiểu rõ, phải biết rõ tướng trạng ấy là tướng trạng bạc phước; ta thường nói là “không có phước báo”. Trong mười hai thời, chấp trì danh hiệu; đó là phước báo thù thắng khôn sánh, phước báo hiếm có trong thế gian. Chúng ta thấy có rất nhiều người nghèo khổ, suốt ngày miệng chẳng lìa A Di Đà Phật, tay chẳng lìa xâu chuỗi, một ngày niệm mười vạn tiếng. Niệm rất siêng năng, nhanh lẹ! Tôi nghe nói trước khi vãng sanh độ hai, ba tháng, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ mỗi ngày niệm Phật mười sáu vạn câu. Ngài là một vị Kim Cang Thượng Sư bên Mật Tông, lúc lâm chung nhất tâm niệm Phật, nêu khuôn phép, làm gương cho chúng ta, chúng ta phải biết như thế. Đấy là Ngài đại từ đại bi thị hiện.

Các vị hãy chú tâm suy nghĩ, có phước báo thế gian, xuất thế gian nào lớn bằng phước báo niệm Phật hay chăng? Quý vị tìm không ra. Ai là người có phước báo? Nếu chú tâm quan sát, đó là người “tay chẳng lìa xâu chuỗi, miệng chẳng lìa Phật hiệu”. Người như vậy phước báo lớn nhất. Vì sao biết? Người ấy trong một đời này sẽ sanh về thế giới Cực Lạc làm Phật, ai sánh bằng người ấy được? Đừng nói là trong nhân gian không ai sánh bằng, Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương trên trời cũng không có cách gì sánh bằng được! Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương còn là phàm phu trong sáu đường, chưa ra khỏi lục đạo, chẳng niệm Phật! Người ấy chịu niệm Phật, vãng sanh ngay trong một đời này; thực sự hiểu rõ, thực sự minh bạch, thực sự giác ngộ, quyết định tu tập pháp này. Trong thế gian này, dù có cho họ vinh hoa, cho họ hưởng thụ thế nào, người ấy đều chẳng thích thú. Hứng thú, chí hướng của người ấy là sống qua ngày tháng, thật thà niệm Phật! Đấy phải là người chân chánh giác ngộ, triệt để giác ngộ thì mới có thể làm được như vậy!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20