/ 20
725

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

phần 3

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Tập 07


Chư vị đồng học!

Xin xem tiếp Hệ Niệm Pháp Sự, phần A Di Đà Kinh. Lần trước đã giảng đến vị thứ tư trong mười sáu vị tôn giả, nay bắt đầu từ vị thứ năm:


Ma Ha Câu Hy La.

訶俱絺羅。


Vị này là cậu ngài Xá Lợi Phất. Trước kia, Ngài cũng là một nhân vật nổi tiếng trong xã hội, cũng khá tự phụ, thích cùng người khác biện luận. Trước kia, biện luận cùng chị, Ngài luôn chiếm thế thượng phong; từ khi bà chị mang thai, mỗi lần tranh luận Ngài đều thua. Ngài nghĩ: “Không đúng rồi! Thật ra chị mình chẳng có năng lực ấy, không cãi hơn được mình, chắc là đứa bé đang nằm trong bụng phải là một đứa trẻ có trí huệ. Đứa trẻ này sanh ra, nó là cháu ruột mình, mình là cậu nó. Nếu ta biện luận thua nó, còn mặt mũi gì làm cậu nữa!” Bởi thế, bèn đi học đạo, đến các nơi cầu thầy hỏi bạn, trong nhà Phật gọi là “tham học”. Dũng mãnh tinh tấn, ngay cả thời gian để cắt móng tay cũng không có; vì thế Ngài để móng tay rất dài. Người được mọi người kêu là Trường Trảo Phạm Chí (thầy tu Bà La Môn để móng tay dài) chính là Ngài vậy.

Sau này, Xá Lợi Phật sanh ra, quả nhiên trí huệ phi phàm. Sau đấy, Xá Lợi Phất theo học với Thích Ca Mâu Ni Phật, ngài Câu Hy La chẳng phục, tìm Thích Ca Mâu Ni Phật toan tranh luận. Cuối cùng, Ngài chẳng thể không bội phục, cũng phát nguyện xuất gia, làm đệ tử thường tùy của Phật. Ngài là bậc “vấn đáp đệ nhất”, bác học, đa tài, học rộng, nghe nhiều. Từ điểm này, ta thấy Tăng đoàn của Thích Ca Mâu Ni Phật đúng là có đủ mặt những đại biểu thuộc tầng lớp văn hóa tối cao đương thời. Trong phần trên, Ngẫu Ích đại sư đã hé lộ sự thật: Các vị ấy đều là cổ Phật, hoặc Pháp Thân Bồ Tát tái lai, thị hiện đủ cách, hòng báo cho đại chúng trong xã hội biết Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn. Đây thực sự là một pháp môn khó tin. Nếu quý vị có thể tin được, học được, hiểu được thì lợi ích vô lượng vô biên, đúng là chẳng thể kể được hết. Vị thứ sáu là:


Ly Bà Đa.

婆多。


Những vị này đều thuộc loại “đức huệ tài năng”. Ngài là bậc “vô đảo loạn bậc nhất”. Ly Bà Đa (Revata) dịch sang tiếng Hán là Tinh Tú. Trong kinh Di Đà, chúng ta niệm đến những câu “nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo”, ngài Ly Bà Đa đúng là đại diện cho những cảnh giới ấy. Cảnh giới ấy ta cũng thường gọi là “chánh giác chẳng mê”. Ngài thực hiện viên mãn Tam Quy Y, thực sự thực hiện giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm.

Đồng học các nơi thường có người đến hỏi: “Đạo tâm chẳng dễ giữ gìn, thường bị thoái chuyển”. Với những vị đồng học ấy, tôi đều nói lời thành thực sau: “Đúng là rất dễ bị thoái chuyển, làm thế nào giữ cho không thoái chuyển? Quý vị phải tự nghĩ biện pháp!” Vì sao tôi phải nói như vậy? Mỗi cá nhân căn tánh bất đồng, nghiệp duyên bất đồng. Do vậy, không có cách nhất định nào để nói cả! Nếu có một phương pháp [duy nhất], Thích Ca Mâu Ni Phật cần gì phải giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn, phải nói vô lượng pháp môn? Nói một môn là đủ rồi! Căn tánh chẳng tương đồng, cơ duyên chẳng giống nhau vậy!

Về phương pháp mỗi người sử dụng cũng phải thường biến hóa. Ví như chúng ta đi đường, thấy phía trước không thông, bị chướng ngại vật ngăn trở, làm cách nào đây? Chẳng thể tiến thẳng được, thì phải đi vòng, đi quanh, thông hiểu quyền biến! Bản thân mỗi cá nhân có rất nhiều chướng ngại, mình phải có trí huệ, phải có phương tiện. Phương tiện là phương pháp ổn thỏa, tốt đẹp nhất để đột phá chướng ngại thì quý vị mới có thể thành tựu. Theo kinh nghiệm của chính tôi, làm thế nào để chẳng bị thoái chuyển ư? Lên đài giảng kinh! Cả một đời tôi dùng phương pháp này.

Bởi thế, có người nói tôi rất thích giảng, kẻ ấy không thấy rõ, kẻ ấy không hiểu vì sao tôi phải giảng kinh? Giảng kinh nhằm buộc chính mình chẳng thoái chuyển. Trong giai đoạn mới học, tôi đã thưa cùng quý vị rồi đó, vừa mới ra học giảng kinh, giảng một tiếng đồng hồ, phải mất bốn mươi tiếng chuẩn bị, toàn tâm toàn lực chuẩn bị cho công tác lên tòa giảng, không có thời gian, cũng chẳng có tinh thần khởi vọng tưởng. Đấy là một phương pháp rất tốt, tự mình phải dùng phương pháp hữu hiệu để bức bách chính mình thì quý vị mới có thể thành tựu, quyết định chẳng được buông lung, lười nhác.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20