/ 20
882

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký

phần 2

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


Tập 04


6. A Di Đà Kinh

6.1. Giải thích tựa đề kinh


Chư vị đồng học!

Xin xem Đệ Nhất Thời Pháp Sự. Trước phần Đệ Nhất Thời Pháp Sự, đọc ba lượt Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát, tôi đã giới thiệu cùng quý vị rồi. Đoạn văn lớn kế tiếp đó là tụng kinh, tụng Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Cũng cần phải đem toàn văn bản kinh này giới thiệu giản lược cùng quý vị, bởi lẽ, trong phần pháp sự Hệ Niệm này, chúng tôi đã tỉnh lược [phần giải thích] huyền nghĩa kinh A Di Đà; nhưng phần đầu [của kinh này] là đề mục kinh, phải giảng qua đề mục kinh cái đã.

Trong kinh đã nêu rất rõ, kinh này vốn có tên là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh (稱 讚 不 可 思 議 功 德 一 切 諸 佛 所 護 念 經). Đó là tên gốc của bản kinh này, danh xưng ấy do chính đức Thế Tôn nói ra. Từ tựa đề kinh, chúng ta có thể thấy được nghĩa thú[1] của bộ kinh này. “Xưng Tán” có năng xưng tán và sở xưng tán. Năng xưng tán (người xưng tán) là “nhất thiết chư Phật” (hết thảy chư Phật), chứ chẳng phải ai khác, thực sự chẳng thể nghĩ bàn, sở xưng tán (cái được xưng tán) là “bất khả tư nghị công đức”, tức là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Công là “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn”; Đức là “đới nghiệp vãng sanh, đốn siêu viên chứng”. Ở đây, chúng tôi lại phải giải thích sơ lược như sau: “Nhất thiết chư Phật” là nói mười phương ba đời, chẳng sót một đức Phật nào. Chẳng phải một đức Phật xưng tán hay một vài đức Phật xưng tán, chẳng phải vậy! Mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều xưng tán. Ngoài ra còn có nghĩa là bốn mươi mốt địa vị Phần Chứng Phật cũng đều xưng tán. Đây là hiểu theo nghĩa rộng, ý nghĩa này là thật, chẳng phải giả vậy!

Pháp Thân Bồ Tát có năng lực quán sát căn cơ, trí huệ, đức năng, thần thông rất gần với Như Lai, các Ngài tiếp dẫn hết thảy chúng sanh, đều có năng lực quán sát những kẻ đó từ xưa đến nay, thấy được đời đời kiếp kiếp trong quá khứ của kẻ đó. Vì sao thấy được? Vì đối với người đã minh tâm kiến tánh, thời gian và không gian không còn nữa. Không có không gian nên chẳng có xa - gần; không có thời gian nên chẳng có quá khứ, hiện tại, vị lai. Dẫu là đời quá khứ trong bao kiếp lâu xa cũng giống hệt như ở trước mắt, rõ ràng, rành rẽ, hết sức minh bạch. Biết kẻ ấy trong đời đời kiếp kiếp thuở quá khứ đã từng học những gì, hiện tại gặp gỡ bèn dạy kẻ ấy tu học pháp môn tương ứng với những điều kẻ đó đã học trong quá khứ, kẻ ấy sẽ học rất hào hứng, chẳng cảm thấy khó khăn chi, lại tiến bộ rất nhanh. Vì sao? Trong A Lại Da Thức đã có chủng tử rồi!

Lúc thiện tri thức dạy kẻ đó pháp môn ấy, chủng tử tập khí trong A Lại Da Thức bèn phát khởi. Người tu hành chứng quả có năng lực ấy, những vị đại đức chưa chứng quả không có năng lực đó; nhưng nếu như đã từng dạy dỗ trong một thời gian dài, tiếp xúc nhiều người, vị đó sẽ có kinh nghiệm phong phú, giống như những kẻ xem tướng đoán mạng, trong một đời người ấy đã gặp bao nhiêu người, gặp người nhiều quá, cũng có phần nào năng lực phân tích, nhưng phương pháp quán sát căn cơ của họ chẳng thể mười phần chuẩn xác. Những ai thực sự có học vấn, thực sự có công phu, gần như đương nhiên là phải có khả năng phỏng đoán đúng tới sáu bảy phần. Vị đó chỉ dạy, đề nghị quý vị tu học pháp môn nào; nếu quý vị thực sự nghiêm túc nỗ lực tu học thì cũng sẽ có thành tựu. Đó là từ kinh nghiệm của vị ấy; nếu chẳng có kinh nghiệm, sẽ khó lòng làm được!

Chúng ta gặp được một vị thiện tri thức chẳng phải là chuyện dễ. Cổ nhân thường nói đó là “duyên thầy trò”, thầy trò có duyên phận cũng là có thể gặp gỡ, chứ chẳng thể cầu được. Thật vậy, thế tục thường nói “quý vị do vận hên bèn gặp”. Có người suốt đời mong gặp thiện tri thức, cầu gặp được một vị thầy tốt, mà suốt đời chẳng gặp, vì chẳng có duyên phận. Nói đúng ra, cốt lõi của cái duyên phận ấy là quý vị có chân thành ham học hay không. Đấy chính là nhân tố trọng yếu nhất! Tâm chân thành ham học, biết đạo, biết tôn sư trọng đạo, đầy đủ Tín - Giải - Hạnh; chưa cần nói đến Chứng, tối thiểu là có thể tin, có thể hiểu, có thể y giáo phụng hành. Có đủ những điều kiện đó, đương nhiên là có khả năng gặp được chân thiện tri thức. Nhà Phật thường nói: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (Trong cửa Phật, chẳng bỏ một ai), đó là Cảm. Chính bản thân ta phải có đủ những điều kiện ấy là Cảm; hễ có Cảm thì Phật, Bồ Tát liền Ứng. Nói tóm lại, pháp thế gian hay xuất thế gian đều chẳng ngoài đạo lý cảm ứng.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 20