/ 600
621

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 599

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 17.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 788, hàng thứ nhất.

Duy Ma Kinh Gia Tường Sớ nói: “Pháp nhãn tịnh, tiểu thừa có pháp nhãn, đại thừa cũng có pháp nhãn. Pháp nhãn tiểu thừa tức sơ quả thấy được pháp Tứ Đế, gọi là pháp nhãn”. Ở trước chúng ta học đến đây.

Pháp nhãn Tiểu thừa, sơ quả sẽ đạt được, họ đạt được điều gì? Thấy được pháp Tứ Đế. Chúng ta cũng biết được pháp Tứ Đế, trong kinh điển đại tiểu thừa nói rất nhiều, danh tướng đều rất quen thuộc, không xa lạ chút nào. Chúng ta có pháp nhãn chăng? Không có. Người ta là chứng ngộ, còn chúng ta là giải ngộ. Chúng ta là tri thức, người ta là cảnh giới thân chứng, điều này không giống nhau. Ở trước chúng ta nói rất nhiều, quan trọng nhất là buông bỏ, những lý sự này chúng ta đều biết rõ, nhưng không buông bỏ được. Trong kinh điển đại tiểu thừa Đức Phật nói rất nhiều, thực tế mà nói phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm.

Lúc Đức Thế Tôn ở dưới cội bồ đề, làm thí nghiệm cho chúng ta. Từ hành nghi một đời của ngài để quan sát, 19 tuổi ngài từ bỏ vương vị, từ bỏ cuộc sống phú quý trong cung đình, đây là buông bỏ phiền não chướng. Ngài biểu diễn cho chúng ta thấy là một phần tử tri thức, hiếu học đa văn. 19 tuổi ra đi tham học đến 30 tuổi, 12 năm. Học thuật Tôn giáo của Ấn độ, ngài đều từng tham học qua, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, vì sao vậy? Vì đó chỉ là tri thức, nghe nhiều, nghiên cứu thảo luận, đều thuộc phạm vi tri thức, như ngày nay người ta thường nói. Cho nên lại biểu diễn một lần nữa cho chúng ta thấy, ngài nhập định dưới cội bồ đề, buông bỏ tất cả sở học của 12 năm, đây là buông bỏ sở tri chướng. Đây là hai loại lớn chướng ngại việc thành Phật, hai loại chướng ngại: phiền não chướng, sở tri chướng. Lần này ngài buông bỏ sở tri chướng, kết quả là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Chúng ta nên nhớ rằng, vấn đề này không phải học mà được, không liên quan đến quảng học đa văn. Nên trong quá trình dạy học, trong tất cả kinh luận đại tiểu thừa Đức Phật thường dạy chúng ta: Sở dĩ làm chúng sanh, vì chúng sanh không trở về được cội nguồn, không kiến tánh, vấn đề chính là ba loại chướng ngại. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi nó là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thông thường trong kinh điển đại thừa gọi nó là vô minh phiền não, nghĩa là vọng tưởng. Trần sa phiền não là phân biệt. Kiến tư phiền não là chấp trước, chính là ba loại này. Nếu buông bỏ được ba loại này, ta sẽ thành tựu, đồng thời buông bỏ ba loại. Đức Thế Tôn biểu diễn là cùng một lúc buông bỏ, ngài Huệ Năng biểu diễn cho chúng ta thấy, cũng là cùng một lúc buông bỏ. Đây là hàng thượng thượng căn, một nghe ngàn ngộ. Chúng ta nên nhớ, ngài Huệ Năng chưa từng đi học, không biết chữ, người bây giờ gọi là người không có văn hóa. Gia cảnh vô cùng bần hàn. Cha qua đời sớm, ngài với mẹ sống nương nhau. Mỗi ngày vào núi đốn củi gánh vào thành bán, tiền bán được đi mua gạo mua rau đem về nuôi mẹ già, cuộc sống rất gian khổ, là nhờ vào lao lực để sống.

Hiện nay nghề bán củi này không còn, bây giờ trong bếp dùng điện dùng ga, không dùng củi. Thời kỳ kháng chiến vẫn còn dùng củi, các thành phố tương đối, đều không có nước máy, vẫn nấu lò. Chúng tôi sống trong thời kỳ kháng chiến, bán nước, gánh nước vào thành bán, bán củi, đây là những thứ cần thiết trong cuộc sống. Hình như nghề này họ có khách cố định, họ lo việc củi nước của mấy nhà, đồng nghĩa nói họ bao luôn. Bây giờ nghề này không còn, nghề này rất vất vả. Ngài Huệ Năng dựa vào nghề này để mưu sinh, tuổi tác còn rất trẻ, mới 24 tuổi. Trong lúc đi bán củi ngẫu nhiên nghe được_cầm tiền đi ra, ngẫu nhiên nghe được ở trong phòng, ngài ở ngoài cửa nghe được, ở ngoài cửa sổ nghe có người đọc kinh. Ngài liền đứng nghe một lúc, cảm thấy rất thú vị, nói hay quá. Đợi họ đọc xong, ngài liền đi vào thỉnh giáo: lúc nãy ông đọc gì vậy? Ông ta nói: tôi tụng Kinh Kim Cang. Ngài liền đem mấy câu nghe được, cảm nhận của mình, nói ra chia sẻ với vị cư sĩ này. Ông này nghe xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc, kinh điển này rất thâm sâu, vậy mà ngài hiểu được ý của nó. Đàm luận một lúc, hiểu được hoàn cảnh của ngài, vị cư sĩ này nói: Căn tánh ông lanh lợi, ông nên thân cận Ngũ Tổ. Gia cảnh của ngài thanh hàn, vị cư sĩ này vô cùng khẳng khái, tặng ngài mười lượng bạc để làm phí lo cho gia đình. Ông tìm thêm một vài người đồng tu, giúp ngài chăm sóc mẹ già để ngài yên tâm đi tham học. Mẹ già của ông để chúng tôi chăm sóc. Điều này đối với ngài mà nói, đây là việc vui lớn lao để đến Hoàng Mai gặp Ngũ Tổ. Ngũ tổ hỏi ngài: Ngươi đến đây để cầu điều gì? Ngài thưa với Ngũ tổ: Con muốn làm Phật. Đại khái trong đời Ngũ Tổ chưa gặp được người nào như vậy. Thông thường người ta đều cầu thăng quan phát tài mà đến, hoặc là đến để học tập kinh giáo, nhưng ngài đến là để làm Phật, quý vị xem mục tiêu khác nhau. Ngũ tổ cũng là một bậc siêu tuyệt: Ngươi đến làm Phật, ta sẽ giúp ngươi thành Phật, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.

/ 600