/ 600
621

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 598

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 17.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 786, hàng thứ nhất từ dưới đếm lên, hàng sau cùng:

“Thứ hai, Yếu Giải nói: Trì danh hiệu chân thật không thể nghĩ bàn, tâm tánh có thể trì cũng không thể nghĩ bàn, trì một danh hiệu tức một danh hiệu không thể nghĩ bàn. Trì mười trăm ngàn vạn vô lượng vô số danh hiệu, mỗi danh hiệu đều không thể nghĩ bàn”. Hoàng Niệm Tổ dùng hai đoạn khai thị trong Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích, làm tổng kết của phẩm 47 Phước Huệ Thỉ Văn. Dụng ý này rất sâu, cũng rất hiếm có.

Đoạn khai thị ở trước của đại sư Ngẫu Ích nói rằng: Hàm nghĩa trong danh hiệu của Phật A Di Đà, trên thực tế hàm nghĩa của nó sâu rộng vô lượng vô biên vô tận. Mà trong Kinh Di Đà Thế Tôn dùng hai chữ quang thọ để biểu pháp. Chiếu soi mười phương tượng trưng không gian. Thọ là quá khứ, hiện tại, vị lai, tượng trưng thời gian. Trong thời gian và không gian, tất cả pháp đều bao hàm trong hai chữ này. Danh từ của khoa học là toàn vũ trụ, trong Phật pháp gọi là pháp giới hư không giới.

Nghĩa của quang, là ánh sáng chiếu khắp mười phương, nên ta vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, đồng thời ta sanh đến vô lượng vô biên cõi nước Chư Phật khắp mười phương. Điều này là thật không phải giả. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, mặc dù là cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, họ cũng được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Trong kinh này Đức Thế Tôn nói rằng: Phật A Di Đà lúc ở nhân địa phát 48 lời nguyện, mỗi nguyện đều giúp chúng sanh thành tựu viên mãn Phật đạo. Lại dùng năm kiếp tu hành để thực hiện các nguyện, không có nguyện nào là hư nguyện, không thực hành được. Bởi vậy thế giới Cực Lạc và Phật A Di Đà, cho đến danh hiệu của Phật A Di Đà, đều là bổn nguyện và công đức năm kiếp tu hành thành tựu nên.

Vì sao ngài có thể gia trì quý vị? Gia trì là viên mãn, ở trên đối với Bồ Tát Đẳng Giác, Bồ Tát Đẳng Giác trong mười phương thế giới vãng sanh đến thế giới Cực Lạc rất nhiều, dưới đến địa ngục A tỳ. Công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Chỉ cần ta tin được, thật sự phát tâm muốn sanh đến thế giới Cực Lạc, không có ai không thành tựu. Pháp môn này mới là pháp môn cứu cánh viên mãn của đại thừa, không có chúng sanh nào không được độ, không có chúng sanh nào không viên thành Phật đạo trong đời này, không cần đợi đến đời thứ hai.

Đại sư Ngẫu Ích muốn chúng ta thật sự hiểu rõ ràng minh bạch, phải cố gắng suy nghĩ. Cơ hội này là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được, ngày nay chúng ta gặp được rồi. Cần nắm bắt cơ hội này, nỗ lực học tập, đời này chắc chắn có thể thành tựu. Thậm chí như trong kinh Đức Phật Di Đà nói: Nếu một ngày, hai ngày, ba ngày, chúng ta thấy được, nghe được, thật sự có người thành tựu như vậy. Người năm ba năm thành tựu không sao tính kể, nhiều vô số. Chỉ cần y giáo phụng hành, chỉ cần buông bỏ, thiện căn phước đức nhân duyên của ta đều đầy đủ.

Chúng ta vừa mới đọc đoạn này, không ngừng nhắc nhở chúng ta, công đức danh hiệu thật sự không thể nghĩ bàn. Tâm tánh của chúng ta có thể trì, cũng là chân thật không thể nghĩ bàn. Điều này nói rõ, trì danh niệm Phật phải dùng chân tâm, thế nào là chân tâm? Không có vọng niệm là chân tâm, có niệm không phải là chân tâm. Không có vọng niệm, mà khởi tâm niệm câu Phật hiệu này, đây nghĩa là tâm tánh năng trì. Phật hiệu là trí tuệ đức tướng viên mãn của tâm tánh trong câu Phật hiệu này, cho nên công đức trì danh hiệu không thể nghĩ bàn.

Trên thực tế Phật hiệu nghĩa là tự tánh của mình, ở đây gọi là tâm tánh. Tâm tánh nghĩa là Phật A Di Đà, danh hiệu Di Đà và tâm tánh tương ưng viên mãn. Vì vậy trong kinh điển đại thừa mới nói với chúng ta: Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Ở đây chúng ta nhất định phải ghi nhớ, dùng tâm thanh tịnh trì danh, điều này vô cùng quan trọng. Biết dùng tâm thanh tịnh trì danh. Nói cách khác trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta hiện nay, phải dùng tâm thanh tịnh để sống, phải dùng tâm thanh tịnh để làm việc, phải dùng tâm thanh tịnh để giao tiếp. Chúng ta nghĩ cuộc sống, công việc, giao tiếp đều phiền não phức tạp như vậy, làm sao tâm thanh tịnh được? Thậm chí có người nói, chút tâm thanh tịnh này của chúng ta, hoàn toàn bị nó nhiễu loạn, lời này có đạo lý chăng? Nghe ra hình như rất có lý, trên thực tế thì không, sao lại nói vậy? Lục tổ Huệ Năng từng nói: “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, xưa nay chưa từng bị ô nhiễm, có thể chứng minh.

/ 600