Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 600
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 18.09.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 788, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất.
Duy Ma Kinh Gia Tường Sớ nói: “Pháp nhãn tịnh, tiểu thừa có pháp nhãn, đại thừa cũng có pháp nhãn. Tiểu thừa pháp nhãn tức sơ quả thấy pháp Tứ Đế, gọi là pháp nhãn. Đại thừa pháp nhãn là sơ địa biệt giáo được chân vô sanh pháp, nên gọi là pháp nhãn”. Biệt giáo sơ địa chính là viên giáo sơ trụ. “Ngày nay kinh này chỉ tiểu thừa pháp nhãn tịnh. Như Cảnh Hưng nói: Pháp nhãn tịnh, tức dự lưu quả- sơ quả. Tịnh Ảnh Sớ lại nói: Thấy Tứ Thánh Đế, gọi là tịnh pháp nhãn. A na hàm là quả thứ ba trong bốn quả của Tiểu thừa. Các lậu đã tận, tâm được giải thoát. Như Kinh Duy Ma nói: Tám ngàn tỳ kheo không thọ các pháp, lậu tận ý giải”.
“Chú giải của Triệu công nói- Triệu công là đại sư Tăng Triệu- Lậu tận, 98 kiết lậu đã tận, ý được giải thoát, thành A la hán. Là chỉ phiền não đoạn tận, tâm ý giải thoát, chứng quả A la hán. Cho thấy trong kinh nói đến pháp nhãn tịnh và các lậu đã tận, đều chỉ Thanh văn thừa”, đều là nói đến tiểu thừa. Đoạn kinh văn ở trước là tiểu thừa từ sơ quả đến tứ quả, nói cảnh giới của họ, đây là Thế Tôn giảng kinh đến đoạn sau cùng.
“Thiên nhân thế gian, có một vạn hai ngàn ức na do tha chúng sanh, viễn ly trần cấu, được pháp nhãn tịnh”. Chứng sơ quả, có nhiều người như vậy chứng tiểu thừa sơ quả, đương nhiên không phải ở địa cầu này. Địa cầu đến ngày nay mới 70 ức người, nhưng ở đây có một vạn hai ngàn ức na do tha, con số này vô cùng lớn, đây là chỉ ở đâu? Ít nhất là chỉ thế giới Ta bà, thế giới Ta bà là nơi giáo hóa của Đức Thế Tôn, là khu vực ngài hóa độ chúng sanh. Khu vực này là tam thiên đại thiên thế giới, đây là một tam thiên đại thiên thế giới.
Tam thiên là lấy núi Tu di làm trung tâm, đây là một tinh hệ lớn. Ngày xưa đích thực có rất nhiều người ngộ nhận, cho rằng đơn vị thế giới là hệ mặt trời. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ học khoa học, khi chúng tôi gặp nhau ông đã đưa ra vấn đề này. Ông nói đơn vị thế giới không phải hệ mặt trời, trong kinh nói rất rõ ràng: Trung tâm của tinh hệ này là núi Tu di, mặt trời chạy quanh eo núi Tu di. Núi Tu di ở giữa, còn mặt trời xoay chuyển xung quanh. Theo cách nói này, đơn vị thế giới là hệ ngân hà. Trung tâm của hệ ngân hà, hiện nay các nhà khoa học phát hiện là một hắc động cực lớn, nghĩa là núi Tu di trong kinh Phật nói. Hắc động này sức mạnh vô cùng lớn, đến ánh sáng cũng bị nó thu hút vào, có sức hút rất lớn. Sang năm đúng lúc ngân hà đối tề, đây là hiện tượng thiên văn, cũng rất khó gặp được, đại khái phải hơn hai vạn năm mới gặp được một lần. Trung tâm ngân hà, mặt trời, địa cầu sắp thành một đường thẳng. Đây là ngày xưa người Maya lâu ngày quan sát được, lúc đó họ chưa có máy móc, nhưng họ đối với thiên văn rất quen thuộc, mà quan sát rất tinh vi.
Vấn đề này nó có tính chu kỳ, một đơn vị là một hệ ngân hà, một tiểu thiên thế giới là một ngàn hệ ngân hà. Lại lấy 1000 hệ ngân hà này làm đơn vị, tiểu thiên thế giới. 1000 tiểu thiên thế giới gọi là trung thiên thế giới. Lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, 1000 trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. 1000 đại thiên thế giới, vì nó có tiểu thiên, trung thiên, đại thiên, nên gọi nó là tam thiên đại thiên thế giới, trên thực tế là một đại thiên thế giới. Có bao nhiêu hệ ngân hà? 1000 nhân 1000 lại nhân 1000 là mười ức. Mười ức hệ ngân hà là khu vực giáo hóa của Đức Thế Tôn, nơi ngài giáo hóa, rất lớn!
Nếu từ trên hệ ngân hà lớn như vậy để xem, chữ số này không lớn, mới “một vạn hai ngàn ức na do tha chúng sanh”, được pháp nhãn, nghĩa là chứng sơ quả. Nghe Đức Phật giảng kinh này, họ chứng được quả Tu đà hoàn. “20 ức chúng sanh”, 20 ức là ít, rất ít, “được quả A na hàm”. A na hàm là tam quả, tam quả của tiểu thừa. “6800 tỳ kheo các lậu đã tận, tâm được giải thoát”, đây là chứng A la hán. Cho thấy càng đi lên nhân nhân số càng ít, còn hàng chứng sơ quả vô cùng nhiều. Đây là nghe kinh đạt được lợi ích giai đoạn thứ nhất, trước tiên nói đến tiểu thừa.