/ 600
697

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 597

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 16.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 785, hàng thứ bảy:

“Thế Tôn thùy từ, lại khuyên dụ người có trí tuệ, bác học đa văn, nên tin những điều Như Lai dạy đều khế hợp với thật tướng lý thể. Trong kinh như lý mà nói, hoàn toàn chân thật. Nên nói phải tin vào những gì ta dạy là lời nói như thật”, đây là “phước tuệ thỉ văn”, đoạn sau cùng là khuyên dạy. Thế Tôn từ bi vô tận, ở đây chúng ta có thể lãnh hội được.

“Lại khuyên dụ người bác học đa văn, có trí tuệ”. Câu này người trong thời đại chúng ta gọi là phần tử tri thức, đặc biệt là phần tử tri thức cao cấp, phải tin vào những gì Như Lai chỉ dạy, vì sao vậy? Vì phần tử tri thức là người thông minh, không phải người ngu si. Có trí tuệ, có năng lực phân biệt tà chánh thị phi, người thế gian đại đa số không thể tiếp thu. Nói người có trí tuệ cứu cánh viên mãn, không thể tiếp thu điều này, đây là gì? Đây là mê tín. Giống như sự khen ngợi đối với thần trong Tôn giáo, là toàn tri toàn năng. Đặc biệt là người nghiên cứu khoa học, không tiếp thu tư tưởng này. Trên thế gian tuyệt đối không có người nào là toàn tri toàn năng. Tri thức đều là đang tìm kiếm, đang truy tìm.

Quý vị xem mấy trăm năm nay, các nhà khoa học phát hiện ra định luật, cách mấy mươi năm sau các nhà khoa học khác đã lật đổ nó, phát hiện ra định luật mới. Qua mấy mươi năm sau nữa, lại có người lật đổ nó. Bởi thế hiện nay các nhà khoa học cũng thừa nhận, họ nói không có thứ gì là chân lý tuyệt đối. Khoa học đổi mới từng ngày, hai ba mươi năm sau lại có phát hiện mới, cái cũ bị đào thải. Trên thế giới làm gì có người có trí tuệ viên mãn? Vấn đề này thật sự có thể khiêm tốn học tập cổ nhân, không được coi thường cổ nhân, cho rằng những gì cổ nhân biết được đều đã lạc hậu, bây giờ là thời đại khoa học kỹ thuật, tất cả đều trở nên không có giá trị. Tư tưởng này phủ định tất cả những gì của cổ nhân để lại.

Chúng ta rất may mắn, vô cùng may mắn, có thể tiếp xúc được giáo huấn của thánh hiền, tiếp xúc được kinh điển Phật giáo, biết được thật sự có đấng toàn tri toàn năng, là ai? Chính là bản thân chúng ta, vì sao nói như vậy? Trong kinh Đức Phật nói rất hay: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, bản thân chúng ta không biết, bậc toàn tri toàn năng là ai? Chính là bản thân mình. Chúng ta nghe như vậy nhất định lắc đầu, tôi không được, tôi không làm được, quý vị không làm được, vì sao không làm được? Vì quý vị không tin vào bản thân, có toàn tri toàn năng chăng?

Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, biễu diễn cho chúng ta thấy, đại triệt đại ngộ dưới cây Bồ Đề, ngài ngộ điều gì? Ngộ trong tự tánh vốn có đầy đủ trí tuệ đức tướng. Sau khi khai ngộ ngài nói với chúng ta mỗi người đều có, vậy tại sao chúng ta không thể hiện tiền? Đức Phật nói, vì quý vị có chướng ngại, chướng ngại gì? Vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não. Chính ba loại phiền não lớn này đã chướng ngại trí tuệ đức tướng của quý vị, chứ không có mất đi, chỉ vì có chướng ngại nên không hiển lộ được. Chỉ cần buông bỏ chướng ngại, thì trí tuệ đức năng trong tự tánh hoàn toàn hiển lộ ra. Đó là toàn tri toàn năng, vô sở bất tri, vô sở bất năng. Lời này là thật chăng?

Thật hiếm có, vào thời nhà Đường, ở tỉnh Quảng đông xuất hiện đại sư Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của Thiền tông. Ngài không được đi học, không biết chữ, là một hiếu tử, người đặc biệt trung hậu, người nông thôn. Hằng ngày ngài đốn củi gánh vào trong thành bán, bán củi mua một ít gạo một ít rau đem về nuôi mẹ già, cùng mẹ già nương tựa nhau sống qua ngày. Cha qua đời, chỉ còn lại hai mẹ con. 24 tuổi, còn rất trẻ, ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát của Đức Thế Tôn cho ngài, trở thành vị tổ đời thứ sáu của Thiền tông, dựa vào điều gì? Ngài đã buông bỏ. Trên thực tế, trong đời ngài thật sự nghe kinh, chỉ nghe được một lần, một bài giảng nhiều nhất là hai tiếng. Ngài nghe xong thật sự buông bỏ, cùng một lúc buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Đây nghĩa là đại triệt đại ngộ, giống như cảnh giới đại triệt đại ngộ của Đức Thế Tôn dưới cội Bồ Đề. Tất cả pháp mà Đức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 49 năm ngài thông đạt hết. Trên thực tế ngài không biết, nhưng quý vị đem kinh đến hỏi ngài đều biết, nếu không hỏi ngài không biết gì cả, đây là Phật pháp. Quý vị hỏi ngài về những pháp thế gian, ngài thông thạo hết, không có gì không thông triệt. Đây nghĩa là toàn tri toàn năng, đúng là người thật việc thật. Trí tuệ không phải học được, năng lực không phải học mà được, phước báo không phải học mà có, là trong bản tánh chúng ta đầy đủ viên mãn, không thiếu thứ gì.

/ 600