/ 600
648

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 596

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 15.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 784, hàng thứ 7 từ dưới đếm lên, từ câu “Thế Tôn từ bi chỉ dạy pháp phương tiện nhất trong các pháp phương tiện, càng hiển lộ viên đốn trong các pháp viên đốn”, ở trước chúng ta học đến đây, bây giờ chúng ta xem đoạn văn tiếp theo:

“Trực tiếp dùng pháp tín nguyện trì danh rộng nhiếp lục độ vạn hạnh. Viên mãn thu nhiếp thập đại nguyện vương, trực tiếp đi vào một câu Phật hiệu, nhiếp tận vô biên hành môn của Phổ Hiền, quy về nhất hành tam muội của Văn Thù”. Trong kinh nói đến pháp phương tiện trong các pháp phương tiện, viên đốn trong viên đốn, chính là tín nguyện trì danh, đích thực không có gì viên hơn, không có gì đốn hơn. Pháp này rộng nhiếp lục độ vạn hạnh. Pháp tín nguyện trì danh, sáu ba la mật của Bồ Tát đều bao hàm trong đó. Vì danh hiệu bao gồm hết tất cả pháp thế xuất thế gian.

Các bậc cổ đức thời Tùy Đường từng nghiên cứu, lúc Đức Phật còn tại thế, giảng kinh thuyết pháp 49 năm. Trong tất cả các kinh điển này, có bộ kinh nào có thể đem tất cả pháp mà ngài nói trong 49 năm, bao gồm hết vào trong đó, mà không sót một pháp nào? Đích thực họ đã tìm ra, hầu như là mọi người đều thừa nhận, chính là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, trong đại thừa gọi là pháp luân căn bản. Tất cả pháp Đức Phật nói trong suốt 49 năm, đều là cành lá trên gốc rễ này.

Ngày xưa thành lập nên 10 Tông phát của đại thừa và tiểu thừa, 10 Tông này giống như thân cây, nhánh sanh ra từ thân, nhánh sanh cành, cành sanh lá. Bởi vậy mỗi lá cây, chúng ta từ từ đi tìm kiếm, đều có thể tìm ra gốc rễ, đều từ một gốc rễ sanh ra, gốc rễ này chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Sau cùng Kinh Hoa Nghiêm, thập đại nguyện vương quy về Cực Lạc, tức trở về vô lượng thọ, nên Vô Lượng Thọ là chỗ quay về của Kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm nhiếp thu tất cả pháp, Vô Lượng Thọ đương nhiên cũng nhiếp tất cả pháp. Bởi thế lục độ vạn hạnh, thập đại nguyện vương đều ở trong một câu danh hiệu, trực tiếp đi vào một câu Phật hiệu. Câu Phật hiệu này là Nam Mô A Di Đà Phật. “Nhiếp tận vô biên hành môn của Phổ Hiền”, giải môn và hành môn đều bao hàm hết trong câu Phật hiệu này, bởi vậy công đức Phật hiệu không thể nghĩ bàn, công đức Phật hiệu không gì sánh được, không có pháp nào bằng. Vì thế chúng ta phải tu vô lượng trí tuệ, vô lượng phước báo, tu từ đâu? Niệm Phật là tu được tất cả. Điều này rất nhiều người không biết. Dùng phương pháp này tu phước, dùng phương pháp kia tu phước, thua xa một câu Phật hiệu. Nếu không phải thâm nhập kinh tạng, làm sao ta biết được? Nhưng câu Phật hiệu này phải dùng tâm chân thành để niệm, thật sự là một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Tất cả thiện pháp thế xuất thế gian đến quả vị Phật là viên mãn, đúng là không thể nghĩ bàn.

“Quy về nhất hành tam muội của Văn Thù”, nhất hành tam muội ở trước cũng đã học, thời gian dài có thể không nhớ, ở đây chúng ta ôn tập lại một lần nữa. Đoạn này trích dẫn ra từ Phật Học Đại Từ Điển, thuật ngữ là: “Tâm định trong nhất hành mà tu tam muội, lại gọi là chân như tam muội hoặc nhất tướng tam muội”. Ở đây nghĩa là tâm định vào một nơi, tam muội nghĩa là thiền định. Định vào một vấn đề, hoặc định vào một tướng đều được. Chân như nghĩa là thật tướng các pháp, tức là tự tánh, cũng chính là pháp tánh. Tâm định vào đây, không động, đây gọi là nhất hành tam muội.

Trong Tam Tạng Pháp Số nói- bốn là quyển thứ tư: “Nhất hành tam muội là chỉ chuyên vào nhất hành, để tu tập chánh định. Ở đây có hai loại lý và sự: Lý nhất hành tam muội là nhất lý của định tâm quán chân như”. Văn Thù Bát Nhã Kinh quyển hạ, nó có hai quyển thượng và hạ, trong này có một đoạn kinh văn nói như vậy: “Pháp giới nhất tướng, hệ duyên pháp giới, gọi là nhất hành tam muội”. Pháp giới sai biệt vạn phần, đó là tướng, tướng sai biệt. Pháp giới nhất tướng là thật tướng, nhất tướng là tướng gì? Là không tướng. Ta quan sát vạn sự vạn pháp giữa vũ trụ, nó là không tướng. Quán bằng cách nào? Bây giờ chúng ta được nhiều tiện lợi, như đối thoại của Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc trong Bồ Tát Xứ Thai Kinh. Đức Phật hỏi: “Tâm hữu sở niệm”, mấy niệm, mấy thức, mấy tướng? Đức Phật đưa ra câu hỏi này, Bồ Tát Di Lặc trả lời rằng: Một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình nghĩa là tướng. Niệm niệm đều có hình, “hình đều có thức”, Bồ Tát trả lời một cách rất rõ ràng minh bạch.

/ 600