/ 600
600

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 591

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 13.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 776, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem câu thứ hai.

“Trong phước thứ nhất, đã bao hàm thập thiện. Quán Kinh chỉ thị rằng: Muốn sanh vào cõi nước này, phải tu tam phước. Do đây có thể biết, tu thiện trồng phước, là tu các pháp thanh tịnh, tuyệt đối không được lơ là”.

“Các loại tu phước thiện”, Hoàng Niệm Tổ dẫn chứng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, một đoạn kinh văn trong Tịnh Nghiệp Tam Phước. Tam phước ở trước chúng ta đã học, trong phước thứ nhất bao hàm có thập thiện. Trong phước thứ nhất bao hàm ba nền tảng của Nho Thích Đạo. Hiếu thân tôn sư thực hành trong Đệ Tử Quy, học Đệ Tử Quy chữ nghĩa không nhiều. Tuy lưu truyền từ rất lâu, nhưng trong thời cận đại chúng ta đều lãng quên đi truyền thống này. Đặc biệt là nền giáo dục nhi đồng này, rất dễ lãng quên, không ai biết đến. Mãi đến mười mấy năm lại đây mới có người nhắc đến.

Lúc đó tôi ở Singapore, thấy cuốn sách này tôi liền nghĩ đến: Bao nhiêu năm nay, tôi đã đi qua biết bao nhiêu quốc gia, tiếp xúc với những người Hoa kiều học Phật. Tại gia học Phật không thể thực hành Thập Thiện Nghiệp Đạo, người xuất gia không thực hành được Sa Di Luật Nghi, Phật pháp suy đồi chính là vì vậy. Nếu giới luật không còn nghĩa là không có ai siêng năng học tập, Phật pháp vì vậy mà suy yếu.

Nhân Vương Kinh nói rất hay: Có người nói nhưng không có ai thực hành, đây là thời mạt pháp. Có người nói, có người thực hành, nhưng không có người chứng quả, đây gọi là tượng pháp. Có người nói, có người thực hành, có người chứng quả, đây gọi là chánh pháp. Nghĩa là nói pháp vận của Thế Tôn do con người, chứ không do thời đại. Trong kinh cũng nói đến 1000 năm chánh pháp, tượng pháp 1000 năm, mạt pháp mười ngàn năm, đây là từ trên đại đa số người mà nói. Trên thực tế trong mạt pháp có chánh pháp, trong chánh pháp cũng có mạt pháp. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Nếu ở khu vực này đến người giảng kinh cũng không có, đây gọi là diệt pháp, Phật pháp bị tiêu diệt.

Thời cổ đại, bất luận là thế pháp hay xuất thế pháp, không ai không coi trọng truyền nhân. Ngạn ngữ xưa có câu: “Bất hiếu có ba, vô hậu lớn nhất”, hậu là gì? Hậu là người kế thừa, không phải nói quý vị con cháu nhiều. Con cháu nhiều như vậy mà không có ai kế thừa, gia đình này cũng sẽ bại vong. Gia đình tuy con cháu ít, nhưng có hiền nhân, thật sự có thể kế thừa gia đạo, gia nghiệp, gia học, gia đình này đương nhiên hưng thịnh. Có một người là có thể hưng thịnh.

Vì có trí tuệ này, có nhận thức này, nên người trong thời cổ đại đối với việc giáo dục cho thế hệ sau, họ đem nó đặt ở vị trí quan trọng nhất trong đời người, truyền thừa tông môn, nhất định phải có hiền nhân. Tiêu chuẩn của thánh hiền quân tử ngày xưa, làm sao để giáo dục đời sau thành thánh hiền quân tử, có thể dạy thành chăng? Có thể, tuyệt đối không có vấn đề. Thánh hiền đích thực là đạo tạo ra, Phật Bồ Tát cũng từ giáo dục mà ra.

Trong lịch sử chúng ta thấy Trung quốc mấy ngàn năm xuất hiện không ít thái bình thịnh thế, quan sát tường tận xem sao lại xuất hiện thịnh thế? Có thánh vương, có hiền thần, nhất định là xuất hiện thịnh thế. Nếu vua không phải là thánh nhân, thần không phải là hiền nhân, xã hội sẽ động loạn, nhân dân tật khổ, gặp nhiều thiên tai. Điều này từ trên lịch sử có thể chứng minh, do đó chúng ta lãnh hội một cách sâu sắc, dạy học vô cùng quan trọng. Dạy điều gì? Dạy họ thành thánh thành hiền, trở thành quân tử. Trong Phật pháp là dạy họ thành Phật, thành Bồ Tát, thành A la hán. Mục đích dạy học không phải cầu phú quý, phú quý tự nhiên có trong đó. Không phải cầu phú quý, mà cầu làm thánh hiền quân tử, cầu làm Phật Bồ Tát. Bởi thế mấy ngàn năm nay, lý niệm giáo huấn của tổ tông thuần chánh, sung mãn trí tuệ chân thật, lợi ích chân thật như trong kinh này nói.

Trong giai đoạn lịch sử thời sự cận đại này, cuối cùng thời nhà thanh. Nhà Thanh suy đồi, không có thánh vương. Sau thời Gia Khánh, quả thật đời này không như đời trước. Thái hậu Từ Hy chấp chánh, bỏ quên truyền thống văn hóa, không tôn trọng Nho Thích Đạo, diễn biến thành xã hội ngày nay. Mọi người đối với Nho Thích Đạo rốt cuộc là gì hoàn toàn không biết. Không những không hề thấy, mà cũng không hề nghe nói đến.

/ 600