/ 600
607

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 592

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 777, hàng thứ ba từ dưới đếm lên. “Phước Tuệ Thỉ Văn Đệ Tứ Thập Thất”.

Sau khi Đức Thế Tôn nói xong, liền dụng kệ tụng để nói lại ý trước. Đây là từ bi tột cùng, sợ chúng ta chưa có ấn tượng sâu sắc, nên sau khi nói xong liền dụng kệ tụng để nói lại, hy vọng thêm chút ấn tượng. Đây là giáo huấn sau cùng của kinh này.

“Trong đó nói lại rõ về thị phi, chọn lọc làm rõ thị phi, trong hiển thị này tán thán ba vấn đề”. Đây là đặc biệt nói rõ cho chúng ta, thế nào là đúng, thế nào là ngộ nhận, để chúng ta có năng lực từ bỏ sai lầm, giữ vững những điều đúng đắn. Trong khi hiển thị tán thán về ba việc.

Thứ nhất: “Tín vãng sanh”. Nhất định phải tin, vì sao chúng ta không phát nguyện được, không niệm Phật lâu được? Vì có hoài nghi, không tin vào việc vãng sanh. Không tin thế giới Cực Lạc, sẽ tin vào luân hồi sanh tử trong lục đạo, không cách nào giải quyết được vấn đề này. Trong kinh nói rất rõ ràng, nghĩa là tám vạn bốn ngàn pháp môn trong Phật pháp đại thừa, cũng không dễ giúp chúng ta ra khỏi luân hồi ngay trong đời này. Không ra khỏi luân hồi rất khổ, rất đáng thương! Điều này quả thật hết cách, huống gì kiếp nạn đang ở trước mắt.

Con người sống trong thế gian này, quả thật sống quá đau khổ. Chúng ta hồi tưởng lại 30 năm trước, hòa bình an định hơn xã hội chúng ta bây giờ. 30 năm trước nữa, càng tốt đẹp, đó là lúc kháng chiến vừa thắng lợi. Nếu trở về 30 năm trước, xã hội càng hạnh phúc, càng hài hòa. Tuy xã hội Trung quốc quân phiệt cắt cứ, chiến tranh chưa có hồi kết. Lúc đó chiến tranh phạm vi nhỏ, người bị họa hại vì chiến tranh không nhiều lắm, đại đa số đều có thể an cư lạc nghiệp. Đây chính là nói đời này không bằng đời trước. Người Trung quốc nói 30 năm là một đời, so sánh 30 năm 30 năm như vậy, ngày càng cực khổ, ngày càng đáng thương, không thể không biết.

Thật không dễ gì gặp được phương pháp này, không tin coi như xong, đời này trôi qua vô ích.

Thứ hai là phải tin “Phật trí nan tư”. Trí tuệ của Phật không thể nghĩ bàn. Thật ra trí tuệ của Phật ta cũng có, trí tuệ chúng ta cũng không thể nghĩ bàn. Nhưng vì bây giờ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên dù có trí tuệ, có đức năng và tướng hảo, nhưng tất cả đều không thể hiện tiền, không đạt được lợi ích. Đức Phật dạy chúng ta, nếu ta buông bỏ được ba thứ này sẽ được thành Phật, sẽ viên mãn. Nói thì rất đơn giản, nhưng ta buông không được, không buông được không tránh khỏi được luân hồi.

Thứ ba là phải tin “niệm Phật được độ”. Phải tin rằng dùng phương pháp niệm Phật này, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc liền được độ. Đây là ba vấn đề mà trong phẩm kinh này nói rõ. Bây giờ chúng ta xem kinh văn:

“Nhĩ thời Thế Tôn, nhi thuyết tụng viết:

Nhược bất vãng tích tu phước tuệ,

Ư thử chánh pháp bất năng văn

Dĩ tằng cúng dường chư Như Lai

Tắc năng hoan hỷ tín thử sự

Ác kiêu giải đãi cập tà kiến

Nan tín Như Lai vi diệu pháp

Thí như manh nhân hằng xứ ám

Bất năng khai đạo ư tha lộ”.

Đây là đoạn thứ nhất, có hai bài kệ: “bốn câu đầu, chính là nói rõ tên phẩm Phước Tuệ Thỉ Văn của phẩm này. Cũng tức trong kinh, nếu có chúng sanh, trồng các gốc thiện, đã từng cúng dường vô lượng Chư Phật. Do nhờ oai lực của Đức Phật này gia trì, có thể đạt được pháp môn rộng lớn như vậy, nhiếp thủ thọ trì. Trong đó trồng các gốc thiện, tức là đời trước tu phước tuệ. Nếu không phải đời trước tu, thìc đối với pháp này không thể nghe được”. Chúng ta xem đoạn này trước.

Đoạn này nói với chúng ta, quả thật Phật pháp khó nghe. Thực tế mà nói, chúng ta nghiệp chướng sâu nặng. Ác là ác nghiệp, kiêu là kiêu ngạo, giải đãi, tà kiến, nên tuy gặp được nhưng không có lợi ích.

Chúng ta vô cùng may mắn, gặp được một trường hợp hay, đó là cư sĩ Lưu Tố Vân. Nghe được Phật pháp, tu hành mười năm lại có được thành tựu lớn như vậy, như trong kinh điển tiểu thừa nói, là cảnh giới của A la hán: “Những gì đã làm, không chịu quả báo đời sau”. Những gì đã làm, chính là việc niệm Phật liễu sanh tử, bà đã làm thỏa đáng, tuyệt đối không còn trôi lăn trong luân hồi lục đạo, mười năm tu hành.

/ 600