/ 600
595

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 590

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Giải

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 12.09.2011

Địa điểm: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống.

Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 776, hàng thứ nhất, bắt đầu đọc từ câu Di Đà Yếu Giải.

Di Đà Yếu Giải có chép rằng: “Đức Phật dùng đại nguyện để làm nhân cho chúng sanh nhiều thiện căn, dùng đại hạnh để làm duyên cho chúng sanh nhiều phước đức. Khiến người tín, nguyện, trì danh, mỗi niệm, mỗi niệm thành tựu công đức như thế. Nhưng những điều đó đã thành tựu, chứ chẳng phải ngày nay hay tương lai mới thành tựu”.

Câu khai thị này của Đại sư Ngẫu Ích, vô cùng quan trọng. Nếu không phải nhờ Ngài thức tỉnh, thì rất nhiều người đều dễ dàng lướt qua, đó gọi là sự hững hờ, không biết sự quan trọng của hai câu này. Người sống trên đời này quan trọng nhất là tiêu trừ nghiệp quá khứ, sám hối nghiệp chướng hiện tiền. Những việc bất thiện đã làm trong đời quá khứ, những việc bất thiện trong đời này đều sẽ mang đến những chướng ngại. Những chướng ngại này chúng ta tận mắt nhìn thấy.

Quý vị thấy đấy, rất nhiều người lớn tuổi, gặp phải những khổ nạn, không phải không có nguyên nhân, đều là nghiệp chướng cả đấy. Như kết oán thù với người khác, đây giống sự ám ảnh. Bên cạnh có rất nhiều hồn ma ám ảnh, khiến quý vị không tự tại. Anh ta đến đòi nợ, đến đòi mạng. Đòi nợ còn dễ chịu, còn như đòi mạng, quý vị nợ anh ta mạng sống, anh ta đòi mạng sống của quý vị, vô cùng phiền phức. Làm thế nào để giải quyết những oán thân, trái chủ này? Tiêu trừ nghiệp chướng, thì sẽ được thiện căn phước đức.

Thiện căn phước đức rốt cuộc là pháp tu như thế nào? Phật ở trong kinh giảng rất rõ ràng. Pháp thế gian và xuất thế gian đều không có chướng ngại. Thật sự, trong cửa Phật có cầu tất ứng. Sự cầu xin này là như lý như pháp, thì tất cả những điều quý vị đạt được sẽ không có tai nạn đi theo. Nếu sự cầu xin không như pháp thì phiền phức rất lớn. Những điều quý vị có được trước mắt, quý vị có thể hưởng được, thật ra trong vận mệnh quý vị có; nếu trong vận mệnh không có, thì quý vị cầu được nhưng không thể hưởng được. Quan sát tỉ mỉ thì thấy ở trước mắt.

Quý vị xem có rất nhiều người làm trái với lương tâm để được giàu có. Được giàu có rồi, sanh bệnh. Sanh bệnh rồi thì bệnh liền mấy năm, đem tiền tiêu hết sạch. Tiền chi phí cho thuốc men hết rồi, người ấy không hưởng thụ được. Nếu không như thế thì cũng gặp tai họa. Nhiều! Quý vị quan sát tỉ mỉ thì rất nhiều, rất nhiều việc như vậy.

Cao quý cũng như vậy, quý vị không có địa vị cao như thế, nhất định phải leo lên. Địa vị này vượt qua phước báo của quý vị, tai họa liền đến ngay. Nếu chúng ta dùng phương pháp chánh đáng để có được thì giàu lại thêm giàu, quý càng thêm quý, không ngừng nâng cao. Nếu dùng phương pháp không chánh đáng thì những điều có được sẽ là tổn thất. Thí dụ trong vận mệnh quý vị giàu có, có đến một ức, nhân vì dùng phương pháp không chánh đáng mà có được thì chỉ được một nửa, tức năm ngàn vạn nhưng tự mình đã thấy ghê gớm lắm rồi, nói tôi phát tài to rồi. Không ngờ rằng trong vận mệnh của mình có một ức nhưng đã mất đi một nửa. Điều này mọi người không biết. Con người làm việc nhất định phải có lương tâm.

Quý vị xem ông Đạo Thạnh Hòa Phu người Nhật Bản, ông hoàn toàn học giáo dục truyền thống xưa, một đời tin sâu không nghi ngờ, năm nay ông đã tám mươi tuổi. Ông xin thôi việc đi khắp nơi diễn giảng, tuyên truyền khuyên người làm lành. Đó là Bồ-tát không phải người phàm. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở vùng thôn quê, việc học hành chưa hoàn thành, người rất thông minh, đúng thật là tay trắng lập nên sự nghiệp.

Ông sáng lập hai công ty đều được dự vào năm trăm công ty mạnh của thế giới. Trong năm mươi năm qua, chưa năm nào bị lỗ vốn. Bất luận là giông tố, hay là nguy cơ tài chánh gì đó, ông đều không có những việc như vậy, đều bình an trôi qua, chưa có năm nào lỗ vốn. Cho nên người Nhật Bản gọi ông ta là bậc Thánh trong kinh doanh. Hiện nay trên thế giới này, rất nhiều người học tập từ ông ta. Thực sự mà nói ông ta vô cùng đơn giản, đó là người thiệt thà, lại chấp nhận chịu thiệt, làm việc có lương tâm.

/ 600