/ 600
591

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 586

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 09.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 772, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ tư, đây là một đoạn.

“Ưng cần tu hành dĩ hạ, biểu vi cứu cánh nhị lợi, tự giác giác tha, đản đương tuân thuận Phật ngữ, kiên trì kinh pháp, tinh cần tu tập, ngưỡng báo Phật ân. Tùy thuận ngã giáo đương hiếu ư Phật, thường niệm sư ân tam cú. Quân chỉ tôn sư trọng đạo, y giáo phụng hành”.

Phần trước chúng ta học đến đoạn này. Ba câu nói này của Phật, tùy thuận ngã giáo. Vì sao phải tùy thuận? Người hiện đại dường như nghe đến câu nói này, nhìn thấy những câu này đều sẽ có những nghi vấn: tôi vì sao phải tùy thuận? Nên hiếu với Phật, vì sao phải hiếu với Phật? Thường nhớ ân đức sư trưởng, thầy đối với ta có ân đức gì? Hiện tại tất cả đều là vấn đề.

Toàn thể thế giới đều có xu hướng thương nghiệp hóa, thầy giáo đối với tôi không có ân gì, thầy giáo dạy học tôi trả tiền học phí, chúng ta mua bán. Họ là bên bán tôi là bên mua, có ân đức gì đâu? Cho nên ngày nay thúc đẩy văn hóa truyền thống và giáo dục Phật đà gặp chướng ngại rất lớn! Thuận theo lời dạy của ta, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy những gì? Phật Thích Ca Mâu Ni dạy toàn là từ trong tự tánh lưu xuất ra. Tùy thuận theo sự giáo huấn của Phật Đà là tùy thuận tánh đức. Lời này là thật sao? Được mấy người có thể nghe hiểu, được mấy người có thể tin tưởng? Vô cùng chân thật! Nhưng người hiện nay so với cổ nhân, năng lực tiếp thu về phương diện này có cách biệt vô cùng lớn!

Một quan niệm cơ bản, người Trung Quốc, người Ấn độ biết được, quan niệm cơ bản của người Trung Quốc là nhân tánh bổn thiện. Ngày xưa trẻ em đọc Tam tự kinh, câu đầu tiên chính là “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, nhân tánh bổn thiện. Ngàn vạn năm trước tổ tông chúng ta đã khẳng định rồi, thừa nhận rồi. Trong câu nói này hàm chứa những thâm nghĩa, tức là người người đều là Thánh nhân, người người đều là hiền nhân. Phật đà khuyên răn chúng ta nói càng rốt ráo, càng viên mãn, Phật nói “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, nói càng dứt khoát. Nói cách khác, người người đều nên phải thành Phật, đều nên thành Bồ Tát, quí vị đã hoàn toàn chính xác rồi.

Phật hướng dẫn chúng ta là những gì? Dạy chúng ta quay đầu là bờ. Quay đầu quí vị chính là Phật, quí vị là Bồ Tát. Như vậy có thể không tùy thuận sao? Không tùy thuận, quí vị vĩnh viễn không quay đầu lại được. Chỉ cần quí vị chịu quay đầu không tùy thuận cũng là tùy thuận. Phật Bồ Tát không có bản thân, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, Phật Bồ Tát không có danh lợi. Quí vị bài xích họ, quí vị không đồng ý thân cận họ, chỉ cần quí vị quay đầu, chỉ cần quí vị trở về tự tánh, trở về bổn thiện. Phật Bồ Tát không có bản thân. Trong bộ kinh này đã nói rất rõ ràng, bản thân thực sự không có hình tướng, hoàn toàn tương đồng với giới khoa học hiện đại đã phát hiện. Bản thân thực sự không có hiện tượng vật chất, không có hiện tượng tinh thần, cũng không có hiện tượng tự nhiên. Đây là tự tánh, tự tánh cái gì cũng không phải. Tự tánh có thể sanh tất cả các pháp. Tất cả pháp không xa rời tự tánh. Tôi, bạn và người khác đều đồng là một tự tánh, không có phân biệt. Cho nên người minh tâm kiến tánh, trong tâm không có khái niệm danh văn lợi dưỡng, vĩnh viễn là bình đẳng, vĩnh viễn là thanh tịnh, không có mảy may chấp trước nào. Cho nên tùy thuận lời dạy của Phật chính là tùy thuận tự tánh. Người Trung Quốc nói là tùy thuận bổn thiện. Phật là bổn giác, tùy thuận bổn giác, chính là ý nghĩa này.

Đương hiếu ư Phật. Hiếu nghĩa là gì? Hiếu là nhất thể. Văn tự Trung Quốc, văn tự này là hội ý, làm cho quí vị nhìn thấy ký hiệu này liền thể hội ý nghĩa ở trong đó. Phía trên là chữ lão, phía dưới là chữ tử. Quí vị từ đây có thể lãnh hội được, thế hệ trước và thế hệ sau là nhất thể, đây gọi là hiếu. Thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, ý nghĩa này biểu thị khắp pháp giới hư không giới là một thể. Quá khứ vị lai là một thể, đây là từ trên mặt thời gian mà nói. Từ trên không gian mà nói, mười phương ba đời là một thể. Thật vậy, không sai tí nào. Cái gì là ta? Mười phương ba đời, quá khứ vị lai tất cả đều là ta. Các nhà vật lý học cận đại thừa nhận rồi. Họ gọi đó là khoa học tiên phong mới nhất. Điều này mới vừa khởi nguồn, vừa mới bắt đầu, gọi là tiên phong. Sự phát hiện này là phát hiện mới. Hiện tại còn chưa thúc đẩy được toàn thể đến nhận thức. Chỉ có một số người nhận thức được. Nhưng hiện tại những người học tập càng ngày càng nhiều rồi, đều là những điều trong kinh Phật đã nói đến, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Thời không vô cùng, trong thời gian và không gian, trong Phật Pháp gọi là khắp pháp giới hư không giới. Ở trong đó biến hóa vô cùng, vì sao lại có biến hóa? Phật nói: bởi vì quí vị có ý niệm, nó liền có biến hóa. Quí vị có phân biệt, quí vị có chấp trước liền có biến hóa, không có phân biệt, không có chấp trước nó sẽ không có biến hóa. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, các nhà khoa học phát hiện được rồi, nó là một thứ vô cùng không ổn định, là một hiện tượng không thể xúc chạm đến được. Trong mỗi sát na sát na đều đang biến hóa, cõi thật báo trang nghiêm của chư Phật, thế giới Hoa tạng, thế giới Cực lạc chưa có biến hóa. Nó có hiện tượng, không có thay đổi. Đây đều là những điều Phật nói trong kinh điển Đại Thừa, duy tâm sở hiện. Thế giới Cực Lạc là duy tâm sở hiện. Trong thập pháp giới ngoài duy tâm sở hiện ra, còn có duy tâm sở biến, tức là nó có ý niệm tồn tại. Có ý niệm liền có biến hóa, là báo độ nơi cư trú của chư Phật và Pháp thân Bồ Tát gọi là cõi Thật báo, chỉ có tâm hiện không có thức biến, bởi vì người cư trú ở nơi đó căn bản là không khởi tâm không động niệm, không có phân biệt, không có chấp trước, cho nên thế giới đó vĩnh hằng bất biến, thọ mạng vô lượng.

/ 600