Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 585
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Minh Tuệ
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 08.09.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị Pháp sư, quí vị đồng học, mời ngồi.
Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 770, chúng ta bắt đầu xem từ cuối hàng cuối cùng: “Tất cả chư Phật đều khen ngợi”.
“Ở đây có hai nghĩa: Một là, như phẩm thứ hai mươi ba kinh này, thập phương vô lượng chư Phật, ai cũng khen ngợi công đức bất khả tư nghị của vô lượng chư Phật. Thứ hai, Như Kinh A Di Đà nói: những chư Phật kia, cũng khen ngợi công đức bất khả tư nghị của ta, nói thế này, Phật Thích Ca Mâu Ni có thể làm được việc cực khó, hi hữu, trong thế giới Ta Bà, đời ác ngũ trược, vì các chúng sinh, nói pháp khó tin trong tất cả thế gian này. Chư Phật mười phương đều khen ngợi Thích Tôn diễn thuyết kinh này. Nhưng kinh này, nguyên có tên Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, nên biết kinh pháp như thế, được Như Lai mười phương khen ngợi, hộ niệm. Vì thế Thích Tôn dặn dò Bồ Tát Di Lặc... cố gắng giữ gìn”.
Chúng ta đọc đoạn kinh văn này, đầu tiên chúng ta phải biết, nơi có Phật pháp, nơi đó chúng sinh có phước. Nghe kinh, nghe pháp, thấy rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, thực tướng các pháp trong kinh đã nói. Thực ra nhân duyên đó là không thể nghĩ bàn, bởi thế trong kinh Phật thường nói: “Thân người khó được, pháp Phật khó nghe”, nhất là nghe được pháp môn thế này.
Phần trước chúng ta vừa học, thực tế mà nói chân tướng sự thật mà Đức Phật chứng được rất thâm sâu, không thể nghĩ bàn. Như câu kinh văn trước đã nói: “Người có thể nói pháp, cũng khó khai thị”, ai là người có thể nói pháp? Là chư Phật Như Lai, họ cũng rất khó nói rõ ràng việc này. Vấn đề này nhất định phải chứng mới biết, chưa đi vào cảnh giới đó ta không thể lí giải được.
Nếu những người mới học, nghe những đại pháp này, giống như học sinh Tiểu học học chướng trình của nghiên cứu sở và lớp Tiến sĩ vậy, chúng nó sẽ không có sự thích thú, tại sao? Họ nghe không hiểu, bởi vì chân tướng sự thực, không giống kiến thức thông thường của chúng ta. Trong kiến thức thông thường của chúng ta, ta xem hiện tượng sinh lão bệnh tử của con người là chuyện thường tình, hoa nở hoa tàn, hiện tượng bình thường. Nhưng trong cảnh giới Phật không phải như thế, cảnh giới Phật nói tất cả pháp không sinh không diệt. Nghĩa là chúng ta là những người hồ đồ, không có hiện tượng sinh diệt, lí này rất sâu.
Chúng ta học đã mấy mươi năm, cũng vẫn mù tịt. May thay gần đây có những nhà khoa học Vật lí, những báo cáo nghiên cứu của họ cũng cho rằng, tất cả những hiện tượng trên thế giới này là giả, không phải thật. Cách nói như thế ngày càng tiếp cận với những lời Phật dạy, giúp chúng ta hiểu được nghĩa thú trong kinh Đại thừa. Nhưng những thứ các nhà khoa học phát biểu, đến nay vẫn chưa chín muồi. Tuy thế đây vẫn là kiến thức khoa học tiên phong, bắt đầu phát hiện, chính thức có chứng cứ, nhưng chưa đủ. Thêm một thời gian nghiên cứu nữa, mới đủ chứng cứ, tất cả mọi người trên thế giới sẽ tin.
Có thể nói Max Planck người Đức, là người khơi mào đầu tiên. Ông đã mất, không còn nữa, ông đã dành cả đời của mình để nghiên cứu đưa ra những phát biểu rất rõ ràng, chi tiết vế chân tướng của vật chất, thật không dễ dàng!
Rốt cuộc vật chất là gì? Phương pháp của họ là phân tích, mỗi đơn vị vật chất chia làm hai, hai chia thành bốn, bốn chia thành tám, chia như thế. Chia đến đơn vị nhỏ nhẩt mới phát hiện, nguyên tử, điện tử, hạt căn bản, hạt cơ bản sơ cấp. Tiếp tục chia cho ra lượng tử, trong lượng tử, lại có lượng tử cực kì nhỏ. Vật chất phân tích đến cuối cùng cho ra những thứ đó, tiếp tục khám phá lượng tử từ đâu mà có, những lượng tử nhỏ nhất này từ đâu mà có? Thấy rằng nó có nguồn gốc từ ý niệm. Bởi thế những kết luận các nhà Khoa học, nền tảng của vật chất là ý niệm, ý niệm biến hiện thành vật chất, vật chất không phải thật.
Vì thế kết luận của Max Planck: Trên thế giới này, căn bản không có cái gọi là vật chất, nền tảng của vật chất là ý niệm, giống với những gì đã nói trong kinh Phật. Kinh Phật cho chúng ta biết, tất cả pháp, ở đây là tất cả hiện tượng vật chất đều từ tâm tưởng sanh ra. Không những hiện tượng vật chất được sinh ra từ tâm tưởng, mà hiện tượng tinh thần cũng được sinh ra từ tâm tưởng.