Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 580
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 06.09.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 768, hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ đoạn giữa.
“Thứ tư, căn trí lực. Biết các căn thượng hạ của các chúng sanh, để tùy cơ hóa độ”. Giáo dục, dạy học quan trọng nhất là khế lý khế cơ. Căn chính là căn cơ, căn tánh của người học không giống nhau, trong Phật pháp phân nó thành ba loại thượng trung hạ. Thượng căn, còn có hàng thượng thượng căn, đó là rất hiếm có.
Như lịch sử Trung quốc, căn tánh như đại sư Huệ Năng là thuộc hàng thượng thượng căn. Phật pháp đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều cần hàng thượng thượng căn mới có thể khế nhập. Ba căn thượng trung hạ, thông thường chúng ta nói hàng thượng căn dễ dạy, họ thông minh, có trí tuệ, họ có thể nghe hiểu, có thể lãnh hội, nên dần dần họ có thể khế nhập cảnh giới, đây là hàng thượng căn. Trung căn hiện nay chúng ta gọi là phần tử tri thức. Những người này họ có thành kiến, họ có tư tưởng và cách nhìn nhận riêng, luôn tự cho mình thông minh, hạng người này rất khó giáo hóa.
Đương thời Đức Thế Tôn thị hiện ở nhân gian, giảng kinh dạy học suốt 49 năm. 49 năm này chủ yếu chính là vì hàng trung căn này, vì họ mà nói. Vì hàng thượng căn không cần thời gian dài như vậy, hàng hạ hạ căn cũng không cần, cũng dễ giáo hóa. Hàng hạ hạ căn hình như không có tri thức gì, nhưng họ đầy đủ ba điều kiện, ba điều kiện này vô cùng đáng quý. Họ thật thà, nghe lời, thực hành, hạng người này dễ giáo hóa. Xưa nay hạng người này thành tựu có thể ngang với hàng thượng căn. Hàng trung căn không thể sánh bằng họ.
Chúng ta nhìn từ trên lịch sử, từ trong đời này của chúng ta, suốt mấy mươi năm nhìn thấy, nghe thấy không có gì khác với trong kinh Đức Phật dạy. Hàng trung căn họ phải đầy đủ rất nhiều điều kiện, trong nhiều điều kiện này, điều kiện quan trọng nhất vẫn là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, đây là điều kiện căn bản. Bất hiếu cha mẹ, không biết tôn sư trọng đạo, người này rất khó dạy.
Từ xưa đến nay, cổ nhân và các bậc tổ tông biết cách giáo dục, biết tầm quan trọng của giáo dục. Phạm vi nhỏ thì một người thân tâm mạnh khỏe, gia đình hòa thuận, sự nghiệp hưng thịnh, cá nhân được ưu điểm, được lợi ích. Phạm vi rộng thì sao? Họ nhất định có thể giúp xã hội, giúp quốc gia, thậm chí giúp thế giới kiến công lập nghiệp, quan hệ này rất lớn! Cho nên cổ nhân vô cùng coi trọng đặt nền tảng giáo dục.
Từ trên mặt lý mà nói, con người là bình đẳng. Tổ tông dạy chúng ta rằng: “Tánh người vốn thiện”, thiện ở đây không phải thiện của thiện ác, thiện này là từ khen ngợi. Tức tánh người là viên mãn, mọi thứ đều viên mãn, không có chút khiếm khuyết nào. Hơn nữa người người đều bình đẳng, đây là đại thiện. Quá thiện nghĩa là rất tốt, ý là như vậy.
Đức Thế Tôn giáo hóa chúng sanh, câu đầu tiên ngài nói rằng: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, chúng ta vốn là Phật, ngài vốn là Phật, mỗi người đều vốn là Phật. Nói cách khác, quý vị có thể thành Phật chăng? Có thể, vì quý vị vốn là Phật, ý nghĩa hoàn toàn giống như cổ nhân nói: Tánh người vốn thiện. Tánh người vốn thiện nghĩa là gì? Quý vị có thể làm thánh nhân, có thể làm hiền nhân, vì quý vị vốn thiện. Cùng một ý nghĩa với những gì Đức Phật nói. Quý vị có thể thành Phật, quý vị vốn là Phật. Cũng chính là nói, bài học đầu tiên đã nói cho ta biết về mục tiêu và Tôn chỉ của việc học Phật, ta nhất định có thể làm được. Dùng phương pháp gì để làm? Đó chính là giáo dục, bởi thế giáo dục quá quan trọng.
Ngày nay bất luận chúng ta học Phật pháp hay học thế pháp, đều không bằng cổ nhân, khoảng cách thua xa cổ nhân. Đây là nguyên nhân gì? Lơ là đối với nền tảng giáo dục. Không phải chúng ta lơ là, đây là do nguyên nhân của lịch sử. Người Trung quốc đã lãng quên giáo huấn của cổ nhân ít nhất là 200 năm, nên không thể trách chúng ta, cũng không thể trách cha mẹ chúng ta, họ cũng không biết, họ cũng không tiếp xúc được. Ông bà chúng ta cũng không được tiếp xúc, còn ông bà cố của chúng ta có tiếp xúc hay không còn là dấu chấm hỏi. Khoảng đời cao tổ phụ của chúng ta, mới biết có vấn đề này, mới biết điều này quan trọng. Quan trọng nhưng có thực hành hay không cũng là vấn đề. 200 năm, ít nhất là tám đời trở lên, không phải là một thời gian ngắn.